Sau những vụ mùa liên tiếp bội thu, gạo đã trở thành loại lương thực có giá rẻ hơn so với năm ngoái. Đây là một tin tốt lành đối với hàng tỷ người ở khắp châu Á, khi gạo là loại lương thực không thể thiếu đối với người dân Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, các khu vực Nam, Đông Nam và Đông Á sản xuất và tiêu thụ hơn 80% sản lượng gạo trên thế giới.
Ngược lại, nguồn cung lúa mì, ngô và dầu thực vật đang gặp gián đoạn do vấn đề ở Ukraine – quốc gia xuất khẩu chính đối với những mặt hàng này. Các nhóm người dân có sử dụng bánh mì là món ăn chính trong chế độ ăn, như ở Ai Cập và Lebanon, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, giá khí đốt, thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng cao đã khiến các sản phẩm như đậu tương và thịt gà cũng đắt đỏ hơn.
Josef Schmidhuber – giám đốc bộ phận thương mại và thị trường của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (UNFAO), cho biết: "Gạo chính là mỏ neo của thời điểm hiện tại. Loại lương thực này mang đến sự ổn định cho an ninh lương thực toàn cầu."
Theo dữ liệu sơ bộ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lạm phát ở châu Á trong tháng 5 chỉ tăng hơn 4%, chỉ bằng khoảng 1 nửa so với Mỹ và Eurozone, khoảng 1/4 so với châu Mỹ Latinh và châu Phi cận Sahara. ADB nhận định tỷ lệ lạm phát ở châu Á tương đối thấp một phần là do giá gạo ổn định.
Một gánh hàng rong bán bánh gạo ở Philippines.
Tính đến giữa tháng 6, giá ngô và lúa mì toàn cầu đã tăng 27% và 37% so với tháng 1. Giá gạo thấp hơn khoảng 17%, theo WB. Lý do chính giúp gạo vẫn có mức giá phải chăng là nguồn cung dồi dào. Dữ liệu của FAO cho thấy, sản lượng thu hoạch tích cực ở những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới – Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, đã giúp sản lượng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái với 521 triệu tấn. Trong khi đó, vụ mùa năm nay dự kiến sẽ đạt gần 520 triệu tấn.
Dù giá phân bón và nhiên liệu tăng cao vẫn là một thách thức lớn với người nông dân, chính phủ các quốc gia châu Á vẫn cung cấp những khoản hỗ trợ lớn cho người trồng lúa, giúp ổn định hoạt động sản xuất.
Sharif Bukhari – đang vận hành một nhà hàng biryani (một món cơm) ở New Delhi, Ấn Độ, cho biết giá bánh mì tăng khiến anh ăn cơm ở nhà nhiều hơn. Trước đó, gia đình anh thường mua bánh mì dẹt hoặc bột mì để tự làm.
Ở Philippines, Jennifer Jasme – nhân viên dịch vụ khách hàng, cho biết gia đình chị hiện ít đi ăn ở ngoài hơn và thường tự nấu. Không như giá thịt bò hay thịt gà, giá gạo hiện tại vẫn không đổi.
Theo FAO, Iran và Iraq đã mua thêm gạo từ nước ngoài. Tổ chức này cho biết các nước châu Phi sẽ nhập khẩu thêm 10% gạo trong năm nay và đưa sản lượng lên mức cao nhất mọi thời đại là 19,4 triệu tấn. Tại Việt Nam, nông dân cũng sử dụng gạo giá rẻ để nuôi lợn.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho biết gạo không đủ để giải quyết nạn đói toàn cầu. Nuôi trồng lúa phải sử dụng biện pháp tưới tiêu thâm canh, do đó một số giống lúa vẫn đắt hơn lúa mì, khiến nhiều người nghèo trên thế giới ít có khả năng tiếp cận được loại lương thực này.
Nông dân Việt Nam thu hoạch thóc sau khi phơi khô.
Một vấn đề khác là một số quốc gia áp thuế nhập khẩu cao đối với các loại ngũ cốc, trong đó có gạo, để hỗ trợ sản xuất trong nước. Ví dụ, chính quyền Uganda thường xuyên ngăn chặn những vụ nhập lậu trên các xe chở đầy cát, được trộn lẫn với xi măng hay giấu trong bao đựng đường.
Ngoài ra, ngay cả khi giá cả tăng cao, mọi người vẫn có xu hướng tìm đến loại ngũ cốc mà họ đã quá quen thuộc. Ví dụ, ở Ấn Độ - nhà sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, đã sử dụng thêm gạo thay cho lúa mì cho chương trình trợ cấp ngũ cốc. Song, người dân ở các bang miền bắc nước này – nơi có bánh mì là lương thực chính, vẫn chỉ ưa chuộng lúa mì.
Vào tháng 5, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác đã hạn chế xuất khẩu lúa mì để tăng nguồn cung trong nước. Còn gạo tiếp tục được xuất khẩu tự do nhờ nguồn cung dồi dào.
Tuy nhiên, giá gạo thấp có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dài hạn. Một cuộc khảo sát gần đây của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy nhiều nông dân trồng lúa đang có kế hoạch chuyển sang trồng lúa mì và đậu tương.
Trên đảo Java (Indonesia), nông dân có tên Nur Hadi cho biết việc bán gạo có mức lợi nhuận thấp, một số nông dân đang chuyển sang trồng đậu phộng và cà chua. Ông nói: "Giá phân bón đang tăng nhưng giá gạo lại không như vậy, trong khi thực ra là đang giảm xuống. Người nông dân đang gặp nhiều khó khăn."
Tham khảo WSJ