Năm 2016, thị trường nước mắm mà đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống có một phen lao đao khi thông tin về Arsen trong nước mắm được Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng đưa ra một cách thiếu kiểm chứng và trách nhiệm.
Cho dù thông tin thất thiệt này đã được bác bỏ hoàn toàn, rằng Arsen hữu cơ là vô hại, nhưng các doanh nghiệp nước mắm truyền thống sẽ ít nhiều chịu tác động trong khoảng thời gian xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, với Masan, mảng kinh doanh nước chấm, nước tương trong năm qua vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Theo báo báo mới được công bố, doanh thu từ ngành hàng gia vị của Masan Consumer đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với năm trước. Giữa sóng gió của thị trường nước mắm, Masan đã gần như ngay lập tức tung ra quảng cáo khẳng định 2 sản phẩm Chin-su và Nam Ngư của mình vừa sạch, vừa an toàn.
Biên lợi nhuận gộp từ mảng gia vị đạt 54% trong năm qua, giảm nhẹ so với mức 57% của 2 năm trước. Với biên lợi nhuận lớn, mảng gia vị cũng là mảng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của Masan, đạt hơn 2.300 tỷ đồng, chiếm hơn 70% trong cơ cấu lợi nhuận.
Doanh thu từ đồ uống đã vượt qua doanh thu từ mì gói
Trong cơ cấu doanh thu Masan Consumer năm nay, mảng mì gói (thực phẩm tiện lợi) sụt giảm mạnh trong khi mảng đồ uống tăng trưởng tới gần 23%. Hồi giữa năm 2016, Masan thông qua công ty con là Vinacafé đã mua 58% vốn tại Công ty sản xuất thương mại CDN, một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống, qua đó tăng doanh thu mảng này trong năm qua.
Doanh thu từ mì gói giảm sút trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường đang ngày càng đi xuống. Theo hiệp hội mì ăn liền thế giới, nhu cầu mì gói tại Việt Nam năm 2013 là 5,2 tỷ gói nhưng đến năm 2015 chỉ còn 4,8 tỷ gói. Các doanh nghiệp khác trong ngành đều đang gặp rất nhiều khó khăn, như Kido đã dừng hoàn toàn mảng mì gói, hay Miliket vừa báo cáo doanh thu thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Kết thúc năm 2016, Masan Consumer đạt doanh thu gần 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 2.800 tỷ đồng.