Kỳ 1: Cô gái săn tìm hóa thạch
Theo trang livescience.com, Anning là người chuyên săn tìm các hóa thạch dựa trên kiến thức tự tìm tòi, học hỏi. Bà có nhiều phát hiện quan trọng, dọn đường cho ngành cổ sinh vật học hiện đại.
Thông qua các phát hiện được ghi chép cẩn thận của mình, bà đã mở rộng hiểu biết của con người về cuộc sống cổ đại, mặc dù cho đến bây giờ, công việc của bà vẫn phần lớn bị bỏ qua hoặc bác bỏ chỉ vì bà là phụ nữ và có địa vị xã hội thấp.
Tranh vẽ Mary Anning. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia London
Mary Anning sinh năm 1799 ở một thị trấn nghỉ dưỡng ven biển tên là Lyme Regis, Anh. Khoảng 200 triệu năm trước, trong kỷ Jura, bờ biển này rất ấm áp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống sinh sôi thời tiền sử.
Nước biển sau này đã rút khỏi khu vực, nhưng đá trầm tích mềm ở đáy biển vẫn còn đó. Xác động vật bị chôn vùi dưới đáy biển cũng dần hóa thạch. Một phần đáy biển bị xói mòn, tạo thành các vách đá. Sóng và bão đã làm các vách đá này bị ăn mòn thêm, để lộ ra rất nhiều hóa thạch.
Cha mẹ của Anning là ông bà Richard và Molly Anning đã chuyển tới Lyme Regis vì nơi đây có tiềm năng thu hút khách du lịch giàu có muốn tận hưởng không khí biển. Nhưng sau đó, ông Richard lại trở thành người chuyên săn tìm các mẩu hóa thạch nhỏ trên bãi biển để bán cho khách du lịch làm quà lưu niệm.
Khi lên 6 tuổi, Anning thường đi cùng cha để tìm, đào và rửa sạch mẩu hóa thạch. Bi kịch xảy ra với gia đình Anning khi ông Richard chết vào ngày 5/11/1810, có thể là do mắc bệnh lao và do ngã từ vách đá nguy hiểm.
Cái chết của chồng đã khiến bà Molly trở thành góa phụ, nuôi hai con nhỏ và đang mang thai con thứ ba trong cảnh túng quẫn. Tệ hơn là gia đình Anning theo đạo Tin lành, bị coi là những người bất đồng với Giáo hội Anh và không được hàng xóm coi trọng.
Hiện không rõ tại sao Anning quay trở lại bãi biển sau khi cha qua đời. Có lẽ, cô bé bị hóa thạch thu hút hoặc có thể cô bé chỉ nhớ những ngày tháng đi săn tìm kho báu cùng cha. Có sử gia cho rằng mẹ Anning tiếp tục nghề tìm hóa thạch của chồng.
Dù lý do là gì thì cũng không quan trọng khi vài tháng sau khi cha qua đời, Mary Anning đã phát hiện ra một vỏ ốc hóa thạch to. Một phụ nữ có lẽ là du khách đã mua vỏ ốc này với giá nửa crown, nhiều hơn bất kỳ khoản tiền nào mà ông Richard kiếm được từ bán hóa thạch. Khi nhận thấy mình có thể kiếm nhiều tiền hơn giúp đỡ gia đình bằng việc tìm hóa thạch, Anning ra bãi biển thường xuyên.
Gần Lyme Regis, nhà của Anning, có những vách đá bị xói mòn như thế này và ẩn trong đó là các hóa thạch quý giá. Ảnh: Getty Images
Chưa đầy một năm sau, với sự hỗ trợ của anh trai, Anning đã phát hiện ra một hóa thạch khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Đó là một hóa thạch dài 5,2 mét, có 60 đốt sống và mất vài tháng mới khai quật được.
Tới lúc nhà Anning khai quật xong hóa thạch, có tin đồn lan truyền trong thị trấn rằng cô bé đã phát hiện ra quái vật. Một phần của hóa thạch trông như cá, nhưng một phần lại giống cá sấu.
Chưa từng ai nhìn thấy sinh vật nào như thế, ít nhất là giới khoa học London. Sau này, hóa thạch được đặt tên là ichthyosaur - nghĩa là thằn lằn cá. Hóa thạch thằn lằn cá từng được phát hiện trước kia, nhưng hóa thạch mà Anning tìm thấy là bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên và nó khiến thế giới khoa học bối rối.
Ông Everard Homes, bác sĩ phẫu thuật Anh, viết trên một tạp chí khoa học năm 1814 khi mô tả về hóa thạch: “Tôi không coi nó là cá hoàn toàn khi so sánh với các loài các khác, mà tôi thấ nó giống các động vật đã từng thấy ở New South Wales nhưng lại có quá nhiều điểm khác so với cấu trúc bình thường. Ông không nhắc tới tên Anning mà nhắc tới tên chủ đất có tòa nhà trên vách đá.
Thời đó, nhiều nhà khoa học vẫn tin vào thuyết tạo hóa Sáng thế ký, không tin vào tiến hóa hay tuyệt chủng. Sách về nguồn gốc các loài của Charles Darwin phải tới 48 năm sau đó mới được xuất bản.
Anning không liên quan tới sự phấn khích và tranh luận trong giới học thuật về phát hiện hóa thạch của mình.
Tuy nhiên, cô bé biết cô đã tìm ra một thứ phi thường trong mẫu hóa thạch thằn lằn cá và đã bán cho một nhà sưu tập giàu có với giá 23 bảng Anh. Lúc đó, khoản tiền này đủ nuôi sống gia đình trong 6 tháng. Nhà sưu tập đã tặng mẫu hóa thạch cho một bảo tàng tư nhân và mẫu này sau đó xuất hiện tại Bảo tàng Anh, cuối cùng là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London ngày nay.
Hai vỏ ốc hóa thạch được tìm thấy ở Lyme Regis. Ảnh: Getty Images
Anning tiếp tục săn tìm hóa thạch trong suốt tuổi thơ. Từ năm 1815 tới 1819, Anning đã tìm được thêm nhiều bộ xương thằn lằn cá hoàn chỉnh hơn, trong đó nhiều bộ được trưng bày ở các bảo tàng địa phương hoặc dùng để dạy học.
Điều bất công với Anning là những người giảng giải lý thuyết về giải phẫu thằn lằn cá hoặc nguồn gốc loài này không bao giờ nhắc tới tên người đã tìm ra nó.
Phát hiện lớn tiếp theo của Anning thậm chí còn gây tranh cãi hơn hóa thạch thằn lằn cá đầu tiên. Năm 1823, Anning phát hiện ra bộ xương hoàn chỉnh của plesiosaurus (thằn lằn cổ rắn), một loài bò sát biển bốn chân đã tuyệt chủng.
Chỉ vài năm sau, năm 1828, Anning cũng tìm thấy hóa thạch con pterosaur (dực long) đầu tiên bên ngoài nước Đức. Đây là loài bò sát có cánh sống ở thời kỳ khủng long.
Trong cả cuộc đời, Anning tiếp tục phát hiện ra nhiều loài cá đã tuyệt chủng cũng như nhiều sinh vật biển khác. Cùng với nhà cổ sinh vật học người Anh William Buckland, Anning cũng tiên phong trong nghiên cứu về phân hóa thạch.
Có nhiều phát hiện về hóa thạch quan trọng như vậy, nhưng chỉ vì là phụ nữ và địa vị thấp, Anning không được công nhận xứng đáng.
Đón đọc kỳ cuối: Sự công nhận “chậm nhưng chắc”