Theo bài công bố trên tạp chí khoa học PLOS One, bộ hài cốt được đặt tên "Altamura Man" không thuộc loài chúng ta, mà thuộc về một loài người cổ đã tuyệt chủng, từng rất đông đúc ở nơi là châu Âu ngày nay: người Neanderthals.
Khi được khai quật vào năm 1993, hình ảnh về Altamura Man đã lập tức gây chú ý. Ông như nằm giữa một rừng san hô, hộp sọ cũng được "trang điểm" kỳ lạ. Thực ra, đó là sự kết tinh của khoáng chất trong hầm mỏ suốt 130.000 năm bị chôn vùi.
Cận cảnh hài cốt người đàn ông khác loài được thiên nhiên "ướp xác" suốt 130.000 năm - Ảnh: Sapienza Universita de Roma
Theo Acient Origins, nhờ những kỹ thuật hiện đại và độ nguyên vẹn đến không ngờ của hài cốt, bí mật về ông cuối cùng cũng được đưa ra ánh sáng. Không chỉ biết được giống loài, nhóm nghiên cứu đúng đầu bởi giáo sư - tiến sĩ Jacopo Moggi-Cecchi, từ Đại học Florence (Ý) còn biết được ông là một người xử lý da chuyên nghiệp. Những dấu vết trên hàm răng cho thấy nó được dùng như "bàn tay thứ bâ" để kéo căng những tấm da.
Bộ hàm với một số phần mềm được bảo quản nguyên vẹn còn tiết lộ bệnh nướu răng và tình trạng vôi răng mà người đàn ông mắc phải.
Tuy hài cốt vẫn được giữ nguyên ở vị trí được nhìn thấy trong hang động, nhưng các nhà nghiên cứu đã tái hiện lại tư thế của người đàn ông bằng mô hình và biết được ông đã trải qua một cái chết khủng khiếp: ngã xuống hang động, vẫn sống nhưng không cách nào trở lên được và chết đói.
Tiến sĩ Moggi-Cecchi cho biết họ đang xây dựng một phương án để đưa thi thể người đàn ông này khỏi hang động. Cho dù phần hộp sọ lộ ra phía trên các khoáng chất đã mất mô mềm nhưng hàm dưới thì không. Có những bằng chứng còn lại cho thấy phần cơ thể còn lại đã được bảo quản như một xác ướp hóa thạch! Nếu thật vậy, đó sẽ là "một giấc mơ" đối với các nhà khoa học bởi việc tìm ra xương cốt nguyên vẹn của người Neanderthals đã rất khó khăn sau 40.000 năm họ tuyệt chủng.