Ngày 31/7, cơ quan CSĐT công an TPHCM cho biết, đang điều tra đường dây sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng (TPCN) giả có quy mô cực lớn do Nguyễn Đình Lạc Thư, Phó giám đốc Công ty TNHH TNM Asia Pharmacy (công ty Asia Pharmacy) và Lê Văn Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt cầm đầu.
Kết quả xác minh, đường dây của Thư và Khôi đã tổ chức sản xuất, tiêu thụ nhiều loại tân dược, TPCN giả gắn nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng với quy mô lớn.
Số hàng giả do đường dây này sản xuất ra được tổ chức tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Để triệt phá đường dây này, Phòng cảnh sát Kinh tế (PC03) công an TPHCM đã lập chuyên án từ cuối năm 2018.
Qua quá trình trinh sát, trưa 25/7, tổ công tác thuộc Đội 7, PC03 bắt quả tang Nguyễn Văn Thanh Tuấn (SN 1972, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) điều khiển ôtô chở 20 thùng carton bên trong chứa hơn 4.000 hộp TPCN giả thương hiệu Bảo Xuân Gold.
Khai thác nhanh, Tuấn khai chở số hàng trên đến giao cho Nguyễn Đình Thái Dương tại một căn nhà nằm trong hẻm 64, đường Hòa Bình, phường 5, quận 11, TPHCM.
Khám xét căn nhà trên, công an phát hiện Trần Thị Châu Thanh (SN 1982) và Thạch Đết (SN 1992) đang sản xuất TPCN giả.
Cùng thời điểm này, một mũi trinh sát khác kiểm tra một cơ sở sản xuất của công ty Đông Dược Việt tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và bắt quả tang Lê Văn Khôi, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất TPCN giả các nhãn hiệu như Bảo Xuân Gold, Omega 3-6-9, Cardi Plus, Double Lovely 35+.
Nhiều loại thuốc điều trị sinh lý cho cả nam và nữ bị làm giả.
Tiếp tục mở rộng khám xét các địa điểm khác ở quận 8, 10, Tân Phú và Bình Tân cơ quan chức năng thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất hàng giả, gồm: khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa; 2 máy cán UV dùng để cán dấu bóng lên tem, nhãn của sản phẩm thuốc lợi gan, mật nhãn hiệu Bar; nhiều tài liệu liên quan đến việc sản xuất tân dược, TPCN giả.
Ngoài ra, công an cũng thu giữ lượng lớn TPCN giả đã được dán nhãn, đóng gói; chai đựng TPCN chưa kịp dán nhãn, giấy hướng dẫn sử dụng các loại TPCN...
Tổng trị giá tân dược, thực phẩm chức năng giả bị thu giữ có giá tương đương hơn 2 tỷ đồng hàng thật.
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, các loại tân dược, TPCN bị làm giả chủ yếu là những loại có chức năng hỗ trợ sinh lý cho nam nữ, có cả thực phẩm chức năng dành cho trẻ em.
Trong đó có thuốc cốm (dùng cho trẻ sơ sinh, người lớn bị đau dạ dày, ói mửa, chống thừa acid) giá 11.000- 15.000 đồng/chai; viên uống mát gan lợi mật (dùng cho các chứng bệnh thuộc về gan như: Mụn, nhọt, ngứa, nổi mề đay, viêm gan cấp và mãn tính, vàng da.
Giúp thông tiểu, nhuận trường (chống táo bón), giúp ăn ngon...) giá 55.000 đồng/chai 180 viên; viên uống tráng dương bổ thận, viên uống hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày, viên uống giải rượu…
Hô biến thuốc rẻ tiền thành hàng hiệu
Để làm giả TPCN, thuốc các đối tượng mua sản phẩm cùng loại nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm muốn làm giả, sau đó dán nhãn mác của sản phẩm làm giả lên rồi đóng thùng, mang đi tiêu thụ.
Công an cho biết, dù bao bì nhãn mác các loại TPCN giả dược làm khá tinh vi, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt so với sản phẩm chính hãng.
Trong đó, quan sát bằng mắt thường cũng thấy bao bì hàng chính hãng có chữ, màu sắc, rõ ràng sắc nét hơn hàng giả; các thông tin ghi trên bao bì sản phẩm hàng giả có nhiều chỗ không khớp so với sản phẩm thật.
Làm việc với cơ quan điều tra, Nguyễn Đình Lạc Thư khai nhận sử dụng địa điểm hộ kinh doanh cá thể của mình nằm trên đường Hòa Bình, phường 5, quận Tân Phú làm nơi sản xuất thuốc giả hiệu Bar (sản phẩm này có tác dụng lợi gan, mật của công ty cổ phần Dược phẩm dược liệu Pharmedic) và thuốc cốm hiệu Xitrina (nhãn hiệu của công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Vidipha - Việt Nam).
Tại cơ sở này, Thư giao toàn bộ việc sản xuất thuốc giả cho Nguyễn Đình Thái Dương điều hành. Dương là người trực tiếp giao nhận hàng hóa thành phẩm cho khách hàng.
Nguyên liệu để sản xuất tân dược và TPCN giả được vận chuyển từ nhà máy sản xuất của công ty Asia Pharmacy tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh về căn nhà trên đường Bình Hoà. Còn các loại TPCN giả khác, như Bảo Xuân, ME-21... được Thư mua lại của Khôi.
Hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ hình sự Thư, Khôi và 7 người khác liên quan đường dây này để mở rộng điều tra.
Qua điều tra, công an xác định công ty Asia Pharmacy có sản xuất các sản phẩm dạng bán thành phẩm, làm nguyên liệu cho Nguyễn Đình Lạc Thư sản xuất hàng giả và các sản phẩm không đăng ký công bố tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Có dấu hiệu giả sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác, như viên giải rượu, sâm nhung bổ thận, hoạt huyết dưỡng não, Nga Phụ khang, Bảo Xuân, siro ho Prospan, Boganic,…