Theo số liệu từ Cục Viễn Thông, đầu năm 2014 Việt Nam có 280 nghìn thuê bao sử dụng cáp quang (FTTH) thì sang đầu năm 2015 đã có 800 nghìn thuê bao và đến đầu năm 2016 là 3,63 triệu thuê bao.
Sự bùng nổ về cáp quang vẫn đang tiếp tục khi tính đến tháng 7 năm nay, số thuê bao cáp quang là 5,3 triệu.
Sự bùng nổ của cáp quang được giải thích là do có giá thành cao hơn không nhiều so với cáp đồng, trong khi tốc độ đường truyền lại vượt trội, cao gấp khoảng 4 lần.
Trong giai đoạn bùng nổ vừa qua, cả 3 nhà mạng FPT, VNPT và Viettel có lượng thuê bao tăng thêm xấp xỉ nhau. Trong đó, Viettel là 1 triệu thuê bao, VNPT 935 nghìn thuê bao và FPT là 874 nghìn thuê bao.
Tuy nhiên, nếu so sánh về vị trí thị phần, thị phần VNPT gần như không đổi nhưng thị phần Viettel giảm từ 58% xuống 41% trong khi FPT tăng từ 6% lên 25%, dần thu hẹp khoảng cách thị phần với 2 đối thủ còn lại.
FPT Telecom là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet với 5 sản phẩm chính bao gồm Internet; Truyền hình FPT; Fshare; FPT Play và Nhạc Số. Trong đó, trang nhacso.net sẽ đóng cửa trong thời gian tới do không còn phù hợp với xu hướng nghe nhạc của người dùng.
FPT Telecom hiện do FPT sở hữu 45,55% và do SCIC sở hữu 50,2%. Trong đó, đối với SCIC, FPF Telecom là một trong số các doanh nghiệp đem lại lợi nhuận lớn nhất, khi lãi sau thuế giai đoạn 2011-2014 đạt 700-800 tỷ đồng/năm và lãi năm 2015 tăng lên 900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, SCIC sẽ buộc phải bán toàn bộ vốn tại FPT Telecom theo chủ trương của nhà nước.
Đây được cho là cơ hội để FPT mua lại phần vốn của FPT Telecom từ SCIC, sau khi bán 2 mảng FPT Trading và FPT Retail. Tuy nhiên, cái giá để mua lại FPT Telecom chắc chắn sẽ không rẻ, khi kết quả kinh doanh của FPT Telecom vẫn đang ngày một tốt lên
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu của FPT Telecom là 3.191 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gần như không đổi, đạt 451 tỷ đồng.
Theo một công ty chứng khoán, nguyên nhân khiến doanh thu tiếp tục bứt phá nhưng lợi nhuận chỉ tương đương cùng kỳ là do đang trong giai đoạn đầu của việc đầu tư mạnh vào quá trình thiết lập, lắp đặt cáp quang, nên khấu hao cao.
Khi quá trình quang hoá hoàn tất, chi phí khấu hao giảm dần sẽ là lúc lợi nhuận từ cáp quang tăng mạnh. Được biết, quá trình quang hoá của FPT Telecom đã hoàn thành giai đoạn 1 tại 5 tỉnh là Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai.
Ngoài ra, chi phí khấu hao cho hoạt động quang hoá tại Hà Nội và TPHCM dự kiến sẽ ghi nhạn hết trong 6 tháng cuối năm 2016.