Trước khi trở thành đại gia công nghệ, FPT từng kinh doanh thực phẩm?

Pha Lê |

Khi ra đời, FPT có tên tiếng Việt là "Công ty công nghệ thực phẩm" nên nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng FPT đã từng kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm?

Tập đoàn FPT được thành lập cách đây 28 năm. Khi ra đời, FPT có tên tiếng Việt là: "Công ty công nghệ thực phẩm", tên tiếng Anh viết là: "Food Processing Technology Company".

Với cái tên tiếng Việt như vậy, Wikipedia có viết: Ban đầu, FPT là một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu các lương thực thực phẩm, chế biến lương thực thực phẩm.

Sau này (ngày 27/10/1990) được đổi thành The Corporation for Financing Promoting Technology - Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ). Công ty có quan hệ xuất nhập khẩu chuối khô, khoai, sắn... cho khối Đông Âu - Liên Xô.

Tuy nhiên, trước thềm kỷ niệm 28 năm thành lập FPT, ông Đỗ Cao Bảo - một trong những thành viên sáng lập ra tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, hiện là Phó Tổng Giám đốc công ty - lại có những chia sẻ hấp dẫn liên quan đến cái tên của tập đoàn này.

Theo ông Bảo, cái tên ban đầu của FPT có nhiều bàn tán, thêu dệt không đúng, hiểu sai, thậm chí xuyên tạc.

"Vì trong tên công ty có chữ thực phẩm nên có nhiều người nghĩ rằng FPT đã từng kinh doanh, xuất nhập khẩu mì tôm, chuối khô, khoai, sắn... Có những người còn suy diễn đổi tên đến 3 lần, tên chẳng liên quan đến nhau, chứng tỏ FPT không có chiến lược kinh doanh nhất quán.

Sự thực là FPT chưa bao giờ kinh doanh cái gì liên quan đến thực phẩm như mì tôm, chuối khô, khoai, sắn... và ngay từ đầu FPT đã định hướng Công nghệ và Công nghệ thông tin", Phó Tổng Giám đốc FPT nhấn mạnh.

Theo lý giải của doanh nhân này, sở dĩ là một doanh nghiệp ngay từ ban đầu đã định hướng phát triển công nghệ nhưng trong cái tên lại có chữ "công nghệ thực phẩm" là do hoàn cảnh đất nước trong thời điểm đó buộc phải đưa 4 chữ trên vào tên doanh nghiệp.

"Thời năm 1988, Việt Nam chưa có luật doanh nghiệp, đã là doanh nghiệp thì phải là nhà nước, nếu ai muốn kinh doanh thì hoặc là hộ gia đình, cao lắm thì là tổ hợp. Vì vậy khi thành lập, không có lựa chọn nào khác anh Trương Gia Bình (Chủ tịch HĐQT FPT) buộc phải chọn là công ty nhà nước.

Khi đặt tên công ty, lãnh đạo cấp trên yêu cầu phải có từ "lương thực" hoặc "thực phẩm" vì đây là mặt trận hàng đầu, cả nước đang đói ăn. FPT toàn dân Toán, Vật Lý, Cơ học, Tin học có biết gì về thực phẩm đâu, có định kinh doanh thực phẩm đâu, cuối cùng giải pháp thỏa hiệp được đưa ra là có chữ công nghệ và có chữ thực phẩm.

Tên là Công ty công nghệ thực phẩm, nhưng ban đầu FPT có ba trung tâm: Trung tâm dịch vụ Tin học, trung tâm Cơ điện lạnh, trung tâm Trao đổi nhiệt và chất (hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô), có một thời gian ngắn thêm trung tâm Điện tử công xuất (may mà lãnh đạo cấp trên chỉ bắt tên công ty có chữ "thực phẩm" mà không bắt thành lập trung tâm "thực phẩm").

Công bằng mà nói FPT có một người là Lê Thế Hùng tức Hùng Râu làm về Công nghệ thực phẩm. Hùng Râu vốn dân Toán, tốt nghiệp PTS Toán cơ tại MGU, là nhà khoa học chân chính, lại cả tin, thấy tên công ty là Công nghệ thực phẩm Hùng Râu lao vào say mê nghiên cứu bảo quản rau quả xuất khẩu, làm kem, làm phồng tôn trộn ớt, làm sữa Ridiac HV (hạt vàng)....

Với mong muốn bán được kem quanh năm, giữa mùa đông Hùng Râu dẫn người yêu ra hàng kem Thuỷ Tạ, bờ Hồ Hoàn Kiếm ngồi đếm xem có bao nhiêu người ăn kem vào mùa đông.

Cũng nhờ tên công nghệ thực phẩm mà anh Lê Quang Tiến đã dễ dàng mua được mấy chục mét vải giá bao cấp làm rèm cửa với lời hứa sẽ ưu tiên bán "thịt và nước mắm" cho mấy chị nhân viên bách hoá bán vải", ông Bảo hóm hỉnh.

Như vậy, với những lý giải trên, có thể chắc chắn rằng, dù cái tên ban đầu có liên quan đến thực phẩm nhưng ngay từ đầu, doanh nghiệp này đã định hướng phát triển công nghệ thông tin chứ không phải thực phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại