Những vụ mua đắt
Một năm trước, Man United gây tiếng vang khi thực hiện 4 bản hợp đồng Eric Bailly, Zlatan Ibrahimovic, Henrikh Mkhitaryan và Paul Pogba. Lập tức người ta khen ngợi Ed Woodward - phó chủ tịch CLB.
Hãy phân tích kỹ hơn về 4 thương vụ này: Ibrahimovic là cầu thủ tự do, và đơn giản anh chọn Man United để được tái ngộ Jose Mourinho. Mkhitaryan có giá 35,7 triệu bảng, một con số hợp lý, và thực tế không ai cạnh tranh với đội chủ sân Old Trafford.
Trong khi đó, 32,3 triệu bảng mua Bailly là con số quá đắt, khi mà chỉ 2 năm trước đó Villarreal mất đúng 5 triệu bảng để có cầu thủ người Bờ Biển Ngà.
Riêng Pogba có giá lên đến 89,3 triệu bảng, con số chưa từng có trong lịch sử bóng đá thế giới. Với việc mua lại Pogba, Man United phá kỷ lục chuyển nhượng mà Real Madrid từng làm với Cristiano Ronaldo (80 triệu bảng) và Gareth Bale (85,3 triệu bảng).
Eric Bailly là "món hàng hớ" của Man United.
Có thể nói, Man United giành Pogba nhờ việc phá giá thị trường. Tiền vệ người Pháp không xứng đáng với chi phí ấy. Thậm chí, khi Juventus hét giá 75 triệu bảng, Real Madrid rồi Barca cũng chạy dài.
Với 89,3 triệu bảng (105 triệu euro) cho Pogba, Real Madrid mua được Toni Kroos (25 triệu euro), Luka Modric (42 triệu euro), Casemiro (7,5 triệu euro) và Mateo Kovacic (35 triệu euro). Cũng với ngần ấy tiền, Barca lấy được Luis Suarez (82 triệu euro) và Ivan Rakitic (22 triệu euro), những hạt nhân làm nên 9 danh hiệu dưới thời Luis Enrique (nổi bật là cú ăn ba 2015).
Tất nhiên, thời điểm khác nhau nên mệnh giá tiền cũng thay đổi đôi chút. Nhưng khác biệt là không cao. Lấy Real làm ví dụ, mùa Hè 2016 họ chỉ đầu tư 30 triệu euro nhưng giành La Liga và bảo vệ thành công Champions League, so với khoản đầu tư khổng lồ của Man United để đổi lấy Europa League.
Cũng chính Ed Woodward đạo diễn thương vụ 60 triệu bảng mang tên Angel Di Maria, để rồi một năm sau bán lại anh cho PSG để thu về 44 triệu bảng. Chưa kể, Di Maria có lương cao ở Old Trafford.
Với số tiền Man United mua Pogba, Real Madrid mua được Toni Kroos, Luka Modric, Casemiro và Mateo Kovacic.
Memphis Depay và Anthony Martial là những thất bại đáng chú ý gần đây của Ed Woodward. Riêng tổng số tiền phải trả (gồm cả các khoản trong tương lai) lên đến 58 triệu bảng để có Martial là vụ làm ăn thực sự kém.
Những thất bại của Ed Woodward
Ở trên là những vụ mua hớ nổi tiếng của Ed Woodward. Đồng thời, vị phó chủ tịch 45 tuổi này cũng thất bại rất nhiều trong quá trình đàm phán về các mục tiêu hàng đầu của Man United.
Năm 2013, Barca rao bán Thiago Alcantara với giá rẻ 18 triệu bảng, nhưng Man United chỉ biết nhìn cầu thủ này chuyển đến Bayern Munich vì đàm phán kém.
Một năm sau đó, cũng liên quan đến Barca, và lần này là Cesc Fabregas. Cựu đội trưởng Arsenal không muốn trở lại sân Emirates, và chờ đợi Man United. Rốt cuộc, Ed Woodward làm ăn kiểu gì mà Chelsea chen ngang rồi lấy Cesc.
Cũng mùa Hè 2014, Marquinhos cầu cứu Man United, khi PSG mua David Luiz khiến cho vị trí của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để lọt Cesc Fabregas và tay Chelsea là sai lầm của Ed Woodward.
Hồi tháng 4/2017, Marquinhos một lần nữa đánh tiếng Quỷ đỏ, nhưng rồi anh vừa quyết định gia hạn hợp đồng với PSG bởi một lẽ đơn giản. Cả hai lần Ed Woodward bộc lộ sự non kém khi bước vào bàn đàm phán, kéo dài thời gian khiến trung vệ người Brazil mất kiên nhẫn.
Hụt Marquinhos hồi tháng Tư vừa qua nên Ed Woodward mới phải lấy Victor Lindelof. Cầu thủ người Thụy Điển có tiềm năng, nhưng 30 triệu bảng cho một trung vệ vừa mới đá chính nửa năm ở Benfica là quá đắt.
Thất bại nặng nề hơn cả của Ed Woodward là Antoine Griezmann. Trong nhiều tuần liền, Griezmann liên tục nói về khả năng khoác áo Man United, mong mọi thứ được giải quyết trong thời gian nhanh nhất.
Trái với chờ đợi của Griezmann, Ed Woodward quá lề mề khiến mọi việc không thể tiến triển. Cuối cùng, Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) bác đơn kháng án cấm chuyển nhượng của Atletico, nên Grizi buộc phải ở lại.
Ed Woodward đang là "vật ngáng đường" cho thành công của Man United?
Grizi không muốn bị CĐV Atletico tấn công, và gia đình anh phải chịu ám ảnh về tinh thần của một kẻ gắn với hình ảnh phản bội. Nếu Ed Woodward nhanh hơn trong cách làm việc, Griezmann đã là người Man United và hai bên không còn lo nghĩ nhiều.
Cũng không thể quên, chính Ed Woodward đứng sau việc bổ nhiệm David Moyes rồi Louis van Gaal ngồi lên ghế HLV. Chính hai con người ấy đã phá nát Man United, và giờ Mourinho vất vả hàn gắn.
Ed Woodward không xứng đáng với công việc như một Giám đốc Thể thao. Để thành công, Man United nên sa thải Ed Woodward. Nếu không thì trả ông về với cương vị của một người làm kinh tế, hoặc đảm nhiệm vai trò nhà điều hành đúng nghĩa.
Một người đi lên từ kế toán thì không thể giỏi trong việc thực hiện các bản hợp đồng thể thao thuần túy. Không phải ngẫu nhiên mà năm ngoái Mourinho muốn Monchi - người vừa rời Sevilla sang làm GĐTT AS Roma, về sân Old Trafford đảm nhiệm công việc đàm phán chuyển nhượng. Rất tiếc là đề xuất ấy bị BLĐ Man United bác bỏ thẳng thay.