Khoảng những năm 1950, cố võ sư Hồ Văn Lành – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà mở võ đường ở Cầu Muối, Sài Gòn – lãnh địa của rất nhiều du đãng và giới giang hồ tứ xứ.
Ban đầu, võ sư Hồ Văn Lành định đặt tên là "Võ đường Tân Khánh" nhưng thấy tình hình dân cư ở Cầu Muối hầu hết là bất hảo, sợ mình làm ô danh xứ võ, ông đã quyết định đặt tên là "Võ đường Từ Thiện" với mong muốn góp phần cải hóa, hướng thiện cho một số thành phần côn đồ ở vùng đất dữ.
Theo lời kể của võ sư, tiến sĩ Hồ Tường (con trai cố võ sư Hồ Văn Lành, Chưởng môn hiện tại của môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà), chúng tôi xin khắc họa lại một góc chân dung về võ sư Từ Thanh Long (tên thật là Nguyễn Văn Cẩu) – một gã du đãng hoàn lương nhờ võ thuật để rồi trở thành một võ sư có tiếng ở miền Đông Nam Bộ từ cách đây nhiều thập kỷ.
Trận đòn "chết hụt" và màn đánh lén nhớ đời của gã du đãng lắm chiêu
Theo lời kể của võ sư Hồ Tường thì sau khi võ đường Từ Thiện gây được tiếng vang trong giới võ lâm ở Sài Gòn, rất nhiều tay anh chị máu mặt ở Cầu Muối, Chợ Cá Cầu Ông Lãnh và quận 4 đã rủ nhau đến bái võ sư Hồ Văn Lành làm sư phụ.
Trong số những anh chị "có số" từng đến võ đường Từ Thiện để tầm sư học đạo thì có Nguyễn Văn Cẩu ngụ Cầu Muối - gã du đãng chuyên sống với nghề "sang bài ba lá" ở khu vực trước chợ Bến Thành (nay thuộc quận 1, TP.HCM).
Là người nằm lòng những tiểu xảo của trò chơi đỏ đen, Nguyễn Văn Cẩu có đủ kinh nghiệm để thắng được tiền của người chơi. Thế nên, gần như 100% người đặt cược đều bị gã gom tiền hết.
Chợ Cầu Muối tại Sài Gòn từ nhiều thập kỷ trước (ảnh do võ sư Hồ Tường chụp).
Có một lần, một tên giang hồ máu mặt ở quận 3 vì đam mê đỏ đen đã ngồi đặt cược vào ván bài của Nguyễn Văn Cẩu. Thế là lần lượt bao nhiêu tiền của kẻ giang hồ đều bị thua hết. Đến nỗi chỉ còn chiếc đồng hồ đeo tay dùng để đặt cược lần cuối cùng cũng bị thua nốt.
Cay cú, gã giang hồ mới nổi máu côn đồ. Hắn đưa tay về phía túi tiền của Văn Cẩu kéo gom hết về mình, bỏ vào túi đứng dậy định bỏ đi. Cẩu lập tức đứng phắt dậy rồi nhào vô tấn công đối thủ để lấy tiền lại.
Thế nhưng, "đen" cho Cẩu bởi gã giang hồ lại sở hữu thân hình như hộ pháp, cao khoảng 1,8 mét lại từng tập luyện boxing. Trái ngược, Văn Cầu cao chỉ vẻn vẹn có hơn 1,5 mét nên trận chiến đã diễn ra vô cùng bất lợi cho Cẩu.
Đối thủ hết tung đòn đấm lại chuyển sang đá phải, đá trái, nhanh nhẹn vô cùng. Văn Cẩu bị dính liền mấy đòn. Cẩu biết rằng nếu đánh tiếp, có thể gã sẽ phải bỏ mạng, nên đành thoái lui vài bước rồi cất lời xin nhận thua.
Khi đối thủ đã ngừng tay, Cẩu mới tiến tới nói với đối thủ: "Xin bái phục đàn anh. Tụi em lỡ dại, có mắt mà không thái sơn...". Thấy gã hộ pháp có vẻ dịu xuống, Cẩu tiếp tục tiến tới gần thêm một bước nữa rồi nói: "Đàn anh có gì bỏ qua cho đàn em, Đừng để bụng. Chuyện hôm đàn em xin được tạ lỗi…".
Nói đến đây, Cẩu đã ở ngay trước mặt đối phương, chỉ cách một cánh tay, ngay lập tức, Cẩu tung một đòn rờ ve nhanh như điện, đánh cánh tay vào quai hàm của đối thủ. Đây là một trong những đòn sở trường của võ đường Từ Thiện mà võ sư Hồ Văn lành đã dạy cho Cẩu trong mấy tháng vưa qua.
Dính cú đòn bất ngờ, gã giang hồ với thân hình hộ pháp cũng gục sấp xuống vỉa hè, mặt sưng vù… Kết quả là Nguyễn Văn Cẩu đã lấy lại được tiền.
(Ảnh minh họa)
Chặng đường hoàn lương của cao đồ phái "Võ đả hổ"
Sau trận đòn "chết hụt" ấy, Nguyễn Văn Cẩu trở lại võ đường Từ Thiện để luyện thêm công phu. Gã mới thuật lại cho võ sư Hồ Văn Lành nghe đầu đuôi câu chuyện và bày tỏ lòng biết ơn. Cẩu nói: "Nếu không có học với thầy thì đâu biết đánh rờ ve để lấy lại số tiền bị giựt".
Nguyễn Văn Cẩu nói thêm, chính nhờ học với thầy Hồ Văn Lành, gã mới biết dùng mưu khi chiến đấu. Bởi vì chính thầy Hồ Văn Lành đã từng thuyết giảng với học trò trong võ đường Từ Thiện rằng nghề võ đôi khi phải sử dụng mưu trí mới thắng được, không phải mọi lúc đều dùng sức.
Võ sư Hồ Văn Lành vừa tiếp tục dạy võ cho Nguyễn Văn Cẩu, vừa khuyên gã kiếm một công việc khác để làm ăn lương thiện hơn, chứ bài bạc mang tính ăn thua, thậm chí có tính lừa gạt mặc dù rằng "chơi bài sang ba lá" thật ra cũng chỉ tương tự một trò ảo thuật.
Trước lời khuyên của người thầy, Nguyễn Văn Cẩu đã nghe theo. Gã bỏ hẳn nghề "chơi bài sang ba lá" để làm ăn lương thiện rồi chuyên tâm tập võ.
Sau một thời gian, nhận thấy sự thay đổi về trình độ võ thuật và nhân cách của Nguyễn Văn Cẩu, võ sư Hồ Văn Lành đã đưa anh lên thi đấu đối kháng trên võ đài với biệt hiệu là Từ Thanh Long.
Đấu võ đài xưa nay chỉ dựa vào số cân để cáp độ cho 2 võ sĩ cùng hạng cân đấu với nhau, chứ không căn cứ vào chiều cao. Cho nên liên tục trong hai trận đầu tiên, Nguyễn Văn Cẩu (lúc này đã chuyển qua dùng biệt danh Từ Thanh Long) đều thất bại trước đối thủ.
(Ảnh minh họa)
Kỹ thuật của Từ Thanh Long cũng thuộc loại tốt, sự can đảm anh cũng có thừa (vì từng là dân du đãng), nhưng Từ Thanh Long lại quá thấp so với 2 đối thủ của mình.
Do bất lợi về chiều cao, Từ Thanh Long không thể nào nhập nội để khai thác sở trường của một người vốn thấp hơn đối phương. Cả hai đối thủ của Từ Thanh Long đều biết điều đó, cho nên họ sử dụng toàn đòn dài để ngăn không cho Từ Thanh Long nhập nội.
Chứng kiến hai thất bại liên tiếp của Từ Thanh Long, võ sư Hồ Văn Lành đã nói với Từ Thanh Long và các môn đệ khác ở võ đường Từ Thiện rằng: "Không phải mình từng là tay anh chị là đánh đài sẽ thắng đâu!"
Thế nhưng, Từ Thanh Long cũng không hề nản lòng. Anh tiếp tục chuyên tâm tập luyện dưới sự chỉ bảo của võ sư Hồ Văn Lành. Từ Thanh Long hy vọng sẽ gỡ gạc trong đợt thượng đài lần thứ ba.
Lần này, Từ Thanh Long tỉ thí với Huỳnh Sinh (võ đường Huỳnh Tiền) về môn Quyền Anh. Cũng cần nói thêm, Huỳnh Sinh tên thật là Cù Sinh, vốn là một cầu thủ bóng đá nổi tiếng của đội bóng Cảng Sài Gòn thời đó trước năm 1975.
Trận tỉ thí giữa Từ Thanh Long và Huỳnh Sinh diễn ra ngang sức, ngang tài. Huỳnh Sinh không cao hơn Từ Thanh Long quá nhiều nên trận đấu rất kịch tính. Khi bên này tấn công, bên kía sẽ phòng thủ, khi phá đòn được xong thì phản công lại. Trận đấu diễn ra sôi động từ đầu đến cuối.
Sau ba hiệp đấu không võ sĩ nào bị hạ knock-out, khi trọng tài tuyên bố kết quả, Từ Thanh Long đã nhảy cẫng lên ngay trên sàn đài, bày tỏ sự mừng vui tột cùng, bởi đây là chiến thắng đầu tiên sau 3 lần thượng đài của mình.
Cố võ sư Hồ Văn Lành – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà
Sau đó, Nguyễn Văn Cầu - Từ Thanh Long còn đấu tiếp khá nhiều trận nữa, có đủ thắng, hòa, thua về cả hai môn quyền Anh và quyền tụ do của võ Việt Nam. Đến lúc đó, thấy tuổi đời cũng gần 40, nên Từ Thanh Long đã xin võ sư Hồ Văn Lành mở võ đường riêng, nối tiếp sự nghiệp truyền bá môn Võ Tân Khánh Bà Trà cho lớp trẻ. Tất nhiên, võ sư Hồ Văn Lành đồng ý và võ đường mang tên Từ Thanh Long được thành lập.
Với một bề dày về kinh nghiệm sống từ lúc giang hồ rồi hoàn lương, theo ý nguyện của thầy là võ sư Hồ Văn Lành, Từ Thanh Long đã huấn luyện khá đông đảo học viên, trong đó đáng kể nhất là võ sĩ có lối đánh đẹp và nổi tiếng một thời Từ Bạch Long.
"Anh Nguyễn Văn Cẩu - Từ Thanh Long chỉ là một trong những tấm gương tiêu biểu mà võ sư Hồ Văn Lành cảm hóa được, chuyển nghề, sống hiền lương từ một tay anh chị. Qua một chặng đường dài ấy, họ cũng dần thay đổi về nhân cách lẫn cái nhìn về tinh thần thượng võ" – võ sư, tiến sĩ Hồ Tường khẳng định.
(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).
Võ sư Hồ Tường (trái).