Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?

Nhật Thuỳ/VTC News |

Để lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ và phù hợp với truyền thống, gia chủ cần chú ý chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên và mâm cúng chúng sinh, Phật tử còn có thêm mâm cúng Phật.

Chuẩn bị chu đáo mâm cúng rằm tháng 7 là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng hiếu thảo, tri ân đối với tổ tiên và lòng từ bi đối với chúng sinh. Việc chuẩn bị mâm cúng đòi hỏi sự cẩn thận, chăm chút vì dây là biểu hiện của lòng thành kính.

Mâm cúng rằm tháng 7 gồm những gì?

Lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ thường gồm mâm cúng Phật (với gia đình Phật tử), mâm cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn, nhưng có thể tùy điều kiện và quan điểm mà từng gia đình để điều chỉnh. Nhiều nhà chỉ làm 2 mâm, mâm trong nhà dành cúng gia tiên, thần linh và mâm ngoài trời cúng chúng sinh, cô hồn.

Mâm cúng Phật

Rằm tháng 7 là ngày lễ lớn đối với những người theo đạo Phật, do đó việc chuẩn bị mâm cỗ là không thể thiếu. Mâm cỗ cúng Phật không cần quá cầu kỳ, điều quan trọng là lòng thành kính của gia chủ. Bạn hãy dâng lên ban thờ Phật một mâm cúng chay hoặc đĩa trái cây tươi là đủ để thể hiện sự tôn kính. Nên cúng vào ban ngày, sau đó gia đình sẽ thụ lộc tại nhà.

Mâm cỗ cúng Phật đầy đủ nhất. (Ảnh: Loan Trần)

Mâm cúng gia tiên

Mâm cúng gia tiên rằm tháng 7 phải được chuẩn bị tươm tất, sạch sẽ và trang trọng để thể hiện lòng thành kính với ông bà tổ tiên. Mâm cúng gia tiên thường gồm các lễ vật:

  • Trầu cau: Dâng trầu cau là thể hiện lòng hiếu thảo và kính trọng.
  • Hương, đèn, nến: Là những vật dụng không thể thiếu trên bàn thờ
  • Hoa tươi: Thường là hoa cúc, hoa huệ hoặc hoa hồng
  • Trái cây: Các loại quả tươi ngon như chuối, cam, quýt, nho
  • Rượu và nước
  • Xôi và cơm: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc cơm trắng
  • Món mặn: Thịt gà, thịt lợn hoặc cá.
  • Các món chay: Đậu phụ, nộm, rau củ quả.

Mâm cỗ chay cúng gia tiên ngày rằm tháng 7. (Ảnh: Vu Thu Huong)

Mâm cúng chúng sinh

Mâm cúng chúng sinh thường được đặt ở ngoài trời hoặc sân nhà, dành để cúng các cô hồn không nơi nương tựa. Mâm cỗ thường gồm:

  • Muối và gạo: Được rải xung quanh sau khi cúng để tiễn các linh hồn
  • Cháo trắng: Để các linh hồn được no lòng
  • Bánh kẹo: Dành cho các vong linh là trẻ em
  • Ngô, khoai, sắn: Các loại củ quả phổ biến và dễ tìm
  • Tiền vàng mã
  • Nến, hương.

Cúng rằm tháng 7 vào ngày nào, giờ nào tốt nhất?

Thời gian thích hợp để cúng rằm tháng 7 là từ mùng 2 đến trước 12h ngày 15/7 âm lịch, nhiều người tin rằng cánh cửa địa ngục sẽ khép lại sau ngày 15/7 và sau thời gian này, các vong hồn sẽ không thể nhận lễ vật cúng tế nữa.

Cũng có quan điểm cho rằng, vào đúng ngày rằm tháng 7 có rất nhiều vong hồn lang thang, vì vậy gia đình nên cúng trước để bảo đảm lễ vật của mình được người thân đã mất và các vong linh được cúng đón nhận. Hiện nay, nhiều gia đình thường cúng rằm tháng 7 từ ngày mùng 2 âm lịch trở đi.

Theo các chuyên gia phong thủy, năm nay, rằm tháng 7 (tức 18/8 Dương lịch) được coi là ngày đẹp nhất. Ngày này có những khoảng thời gian gia chủ có thể chọn để dâng lễ gồm: 7h - 9h, 9h - 11h và 13h - 15h.

Một số ngày khác cũng được cho là đẹp, các gia đình chọn cho phù hợp với điều kiện riêng:

Ngày 11/7 Âm lịch (tức 14/8 Dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h, 9h - 11h và 15h - 17h

Ngày 12/7 Âm lịch (tức 15/8 Dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h và 13h - 15h

Ngày 13/7 Âm lịch (tức 16/8 Dương lịch), với các khung giờ 5h - 7h và chiều từ 15h -17h, 17h - 19h

Ngày 14/7 Âm lịch (tức 17/8 Dương lịch) sẽ ưu tiên các khung giờ: 5h - 7h, 9h - 11h và 15h-17h.

(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại