Theo sách "Nghi lễ thờ cúng truyền thống của người Việt" của tác giả Hồ Đức Thọ, lễ Vu lan báo hiếu thực hiện tại nhà thường có 4 lễ để cúng Phật, cúng thần linh, cúng gia tiên và cúng thí thực cô hồn. Tuy nhiên hiện nay phần lớn các gia đình thường gộp lễ thần linh và gia tiên.
Mâm cúng lễ Vu lan báo hiếu dành cho chư Phật
Lễ cúng Phật thường là cơm chay hoặc mâm ngũ quả, gia chủ đọc kinh Vu lan bồn để hiểu rõ về ngày này, và để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh. Các gia đình nên cúng Phật vào ban ngày, sau đó sẽ thụ lộc tại nhà.
Mâm lễ cúng thần linh, gia tiên ngày Vu lan báo hiếu
Mâm cúng lễ Vu lan báo hiếu dành cho thần linh và gia tiên có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn, không thể thiếu hoa quả, bánh trái, hương, nến… Mâm cúng thần linh, gia tiên thường gồm các lễ vật:
- Trầu cau: Thể hiện lòng hiếu thảo và kính trọng
- Hương, đèn, nến: Là những vật dụng không thể thiếu trên bàn thờ
- Hoa tươi: Thường là hoa cúc, hoa huệ hoặc hoa hồng
- Trái cây: Các loại quả tươi ngon như chuối, cam, quýt, nho
- Rượu và nước
- Xôi và cơm: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc cơm trắng
- Món mặn: Gà luộc, xôi, chè, canh, cơm, cá kho, chả ram, món xào, món nộm, rau luộc
- Các món chay: Đậu phụ, nộm, rau củ quả.
Mâm lễ cúng cô hồn dịp Vu lan
Ngoài việc cúng gia tiên, một số gia đình còn bày cỗ chúng sinh ở ngoài sân dành cho các cô hồn, dân gian thường gọi là cúng cháo. Lễ cúng cháo thường được bày vào nong, nia, mẹt... tùy theo cỗ nhiều hay ít. Tác giả Hồ Đức Thọ lý giải, cúng cháo là để bố thí cho các vong hồn không nơi thờ cúng, những người chết đường chết chợ, chết vì binh đao không ai hay biết, những cô nhi yểu vong không ai cúng giỗ...
Mâm cúng cô hồn thường có:
- Cháo trắng: Để các linh hồn được no lòng
- Muối và gạo: Được rải xung quanh sau khi cúng để tiễn các linh hồn
- Bánh kẹo: Dành cho các vong linh là trẻ em
- Ngô, khoai, sắn: Các loại củ quả phổ biến và dễ tìm
- Tiền vàng mã
- Nến, hương.
Chuẩn bị mâm cúng lễ Vu lan báo hiếu là một cách thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn và tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Đó không chỉ là nghi lễ tôn giáo mà còn là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, nhắc nhở nhau sống tốt và đối xử tử tế trong gia đình. Mâm cúng đầy đủ, trang trọng không chỉ mang ý nghĩa cầu an lành, hạnh phúc mà còn giúp con cháu hiểu rõ hơn về giá trị truyền thống, tinh thần từ bi hỉ xả.
Những lưu ý khi cúng lễ Vu lan
Để lễ Vu lan diễn ra trang trọng và thành kín, người thực hiện cần lưu ý một số điểm quan trọng.
Thời gian và địa điểm cúng : Lễ cúng Vu lan thường được thực hiện vào ngày 15/7 Âm lịch, thời gian có thể linh hoạt, thường từ sáng sớm tới chiều tối. Một số gia đình có thể cúng vào ngày 14 Âm lịch hoặc trước đó.
Địa điểm cúng có thể là gia đình hoặc đền chùa. Nếu cúng tại nhà, cần dọn dẹp, sắp đặt bàn thờ sạch sẽ, ngăn nắp trước khi dâng lễ.
Thái độ khi cúng lễ : Lễ Vu lan có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh, do đó người thực hiện cần thể hiện tâm lý thành kính, trang nghiêm. Trong quá trình cúng, nên giữ yên lặng, tránh làm ồn ào hay có những hành động thiếu tôn trọng.
Tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường : Cúng lễ là việc thiêng liêng và quan trọng, cần được chuẩn bị chu tất, nhưng người dân cũng cần lưu ý tránh lãng phí thức ăn hoặc các vật phẩm không cần thiết. Đặc biệt, trong việc đốt giấy tiền vàng mã, cần tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.