Mười một giờ trưa, thời tiết Sài Gòn nắng như đổ lửa. Trong con hẻm nhỏ 565 Nguyễn Trãi, Q.5 (TP. HCM), dì Ba, bà chủ mâm cua biển nức tiếng một thời vẫn ngồi bán.
Khi mâm cua dì Ba mới nổi tiếng, người dân "ghiền" đến mức xếp hàng dài kín con hẻm, các YouTuber hiếu kỳ cũng thường xuyên lui tới, người ra người vô nườm nượp. Thậm chí, có người chậm chân còn không kịp mua về ăn. Mỗi ngày, dì bán được cỡ 40 ký cua đã hấp.
Còn hiện tại, trong một tiếng, mâm cua chỉ tiếp đón được 3 vị khách, cả quen lẫn lạ. Khác với ngày trước, ngày mà hàng dài người xếp hàng chỉ để được mua những con cua chắc thịt của dì Ba; giờ đây, mâm cua núp hẻm dường như bị bỏ quên.
Dì Ba trông ra ngoài đường, mong đợi một vị khách ghé qua.
Sau khi nổi tiếng và những câu chuyện ồn ào, giờ mâm cua của dì Ba vắng lặng. Một phần do tình hình dịch bệnh, người ta thắt chặt chi tiêu; một phần do giá cua ngày càng đắt đỏ, khách vì thế cũng vơi dần.
Giá cua đã hấp ở mâm cua dì Ba cụ thể gồm cua gạch 900 ngàn/ký, cua cốm 1,1 triệu/ký. Cua dì Ba chọn đều là cua hàng loại một nên giá vốn đã đắt đỏ. 1 ký cua sống kèm dây nhợ chỉ được khoảng 2 con. Sau công đoạn vệ sinh, hấp nấu, 1 ký cua chín thường có 4 con. Theo lời dì Ba, 10 ký cua sống, đem về chế biến rốt cuộc chỉ còn 6 ký.
Theo lời dì Ba, 10 ký cua sống, đem về chế biến rốt cuộc chỉ còn 6 ký.
Gian hàng của dì Ba nhỏ xíu, chỉ có một mâm cua đựng trên cái xô đỏ, kèm chanh, muối, và một cái cân điện tử. Cả dì và chị Nhung – cháu ruột, người phụ dì Ba buôn bán 2 năm nay, nép dưới mái hiên. Trên bàn, chị Nhung đang live stream giới thiệu về cua dì Ba trên nền tảng YouTube.
Chị Nhung cho biết, số người mua hàng qua những lần live stream này cũng nhiều: "Người ta coi cua rồi liên lạc qua Zalo, hoặc thấy cua rồi qua mua thôi. Nãy có chị khách quen qua mua rồi, giờ còn lại nhiêu đây thôi."
Dì Ba sau khi phẫu thuật cắt bướu ở cổ thì không thể nói bình thường được nữa. Khi muốn nói điều gì với khách, dì chỉ thều thào và dùng cử chỉ cơ thể. Phần còn lại, chị Nhung sẽ giải thích và giúp đỡ dì buôn bán.
Livestream mâm cua dì Ba cũng không còn thu hút nhiều lượt xem.
Nhưng khách đông hay vắng, dì Ba vẫn giữ nguyên quy trình "khó tánh" của mình. Mỗi sáng dì Ba dậy từ lúc 6 giờ, lên xe ôm, ra chợ Hoà Bình để tận tay lựa từng con cua chắc thịt, ngon nhất. "Ở đây bao ăn mà, nên phải tự tay dì Ba lựa. Người ta mà mua phải con ốp là ra đây mình đổi ngay. Vì vậy mà có mấy hôm không có cua ngon là nghỉ bán thôi.", chị Nhung cho biết.
"Cua hấp thì ở đâu cũng bán, nhưng mà người ta quay lại chỗ mình là tại nước chấm. Nước chấm này cũng tay dì Ba tự làm, chua, ngọt và kẹo." , chị Nhung kể. Sau khi mua cua về, sẽ có người phụ giúp dì sơ chế rồi hấp, còn dì sẽ tự tay pha nước chấm. Chuẩn bị từ 6 giờ sáng, đến 10 giờ dì mới dọn ra bán.
Gần về trưa, mãi mới có một cô khách ghé qua mua con. Dì Ba bỏ cua vào bao, phần còn lại, chị Nhung giúp đỡ.
Tất cả con ở chỗ dì Ba đều là cua biển thiên nhiên, vì theo chị Nhung, cua nuôi ăn không ngon bằng cua tự nhiên. Dì Ba chọn cách hấp thay vì luộc, bởi hấp sẽ giữ được trọn vị ngọt của cua, ăn cũng không bị tanh.
Những hôm đắt khách, dì bán hết trong vòng một hai giờ đầu. Nhưng có hôm, dì ngồi đến tận 15 giờ chiều dưới cái nắng oi ả. Vì vậy, mỗi ngày dì chỉ dám lấy cầm chừng, cua xếp đầy một mâm thôi. Phần vì hạn chế vì lượng khách, phần vì sức khoẻ dì Ba không cho phép.
Mỗi ngày dì chỉ bán đúng một mâm cua. Lúc 11 giờ trưa nay, trên mâm chỉ còn lại 5 con.