Người ta vẫn nói hôn nhân không phải chuyện của 2 người, đặc biệt là những cô vợ phải sống chung với nhà chồng . Bố mẹ chồng thuộc thế hệ trước, khác tư tưởng, trái suy nghĩ đã là 1 phần áp lực, thêm việc các cặp chị em dâu ở chung 1 nhà càng áp lực hơn.
Loan (đã kết hôn 9 năm, hiện sống ở Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình: "Vợ chồng mình cưới nhau năm 2014. Lúc đầu ở chung nhà với bố mẹ chồng, đến khi chú út lấy vợ được 1 năm thì bọn mình xin ra ở riêng. Cuối tuần về quê mà buồn quá. Trước đây mẹ chồng mình cưng dâu út hơn. Mình cũng không ghen tị gì vì dù sao cô ấy giỏi giang, tháo vát lại gánh trách nhiệm nặng nề. Bẵng đi 1 thời gian mình cứ nghĩ 2 người phụ nữ hợp tính nhau thì ở nhà sẽ yên bình nhưng không, mẹ chồng mình liên tục than thở về dâu út, nói con trai càng ngày càng nghe lời vợ”.
Ảnh minh họa
Quá nhiều chuyện tủn mủn, gạo dầu mắm muối trong cuộc sống hàng ngày mà mẹ chồng kể khiến Loan không tin nổi. Bởi mỗi lần nhà cô về chơi, vợ chồng chú em rất quan tâm chăm sóc mẹ.
Vừa rồi ở quê có việc nên Loan về từ tối thứ 5. Về nhà vẫn thấy không khí căng thẳng giữa mẹ chồng – nàng dâu. Loan chủ động rủ em dâu đi chợ làm nồi lẩu thì cô ấy rút ví đưa mẹ chồng 100 nghìn rồi dặn: “Bà mua gì ngon đãi khách, lát con đi ăn cưới rồi. Anh chị thông cảm cho chúng em nhé”.
“Nhìn sắc mặt mẹ chồng mình thấy có gì đó không ổn. Mình nói có tiền đây rồi nhưng em dâu nhất quyết dúi vào tay mẹ chồng: 'Thôi bà cứ cầm lấy đi không mai con lại nghe hàng xóm nói ra nói vào con đau đầu lắm'.
Mình gặng hỏi mẹ chồng mới kể: 'Mẹ phụ thuộc chúng nó đủ thứ mẹ khổ lắm. Sáng nó mua 3 nắm xôi nó ăn 1 nắm, gọi chồng, con lên ăn sáng rồi nó mời mẹ ăn. Mỗi ngày nó đưa mẹ 100 nghìn cho 2 bữa 4 người mà nấu cơm muộn tí thì nó kêu lại đi sang hàng xóm buôn chuyện, mỗi bữa cơm không xong. Mẹ chán lắm mà chẳng biết làm thế nào”, Loan kể.
Mẹ chồng Loan ngày trước bán hàng xén ngoài chợ, về già không có lương hưu, có miếng đất các cụ để lại cũng bán đi vun vén cho con cái rồi. Trước thì mẹ chồng Loan luôn so sánh cô với em dâu, không ngờ giờ lại ra nông nỗi này. Nhưng thay vì hả dạ cô lại thấy thương bà. Giờ già yếu, không làm ra tiền sống phụ thuộc con cái nên khổ vậy.
Sau khi tâm sự, động viên mẹ chồng, tối ấy, Loan chủ động đi chợ nấu nướng để cả nhà ăn bữa cơm chung.
“Mình làm thịt nướng và nấu thêm bát canh hầm, thức ăn riêng cho bà vì răng mẹ chồng mình cũng không còn khỏe nữa. Đến tối vợ chồng chú út ở ngoại về, chồng mình lấy chén ra rót rượu thì bỗng nhiên thấy mẹ chồng giấu mặt vào trong rơm rớm. Con bé nhà mình hỏi han thì bà buột miệng: ‘Lâu lắm bà mới được ăn bữa cơm ngon thế này’.
Ảnh minh họa
Em dâu nghe thấy thế thì buông đũa tức giận bảo bà nói năng vớ vẩn để anh chị nghĩ ở nhà bà bị con cái bỏ đói. Thế là bữa cơm bỗng rơi vào trầm lặng, không một ai động đũa”.
Để “nới lỏng” không khí u ám kia, Loan đề nghị đón bà lên nhà vợ chồng cô ở 1 thời gian cho bà khuây khỏa. Mẹ chồng cô lén nhìn sắc mặt con trai, con dâu út mà thấy tội. Loan cho biết cô đã phải ngăn không cho chồng nổi nóng mà chất vấn vợ chồng cậu em trai. Bữa cơm không mấy vui vẻ nhưng đến sáng hôm sau chuẩn bị đồ đạc ra xe mẹ chồng Loan như trút được gánh nặng. Đi được nửa đường, bà nắm tay con dâu thủ thỉ: “Mẹ cảm ơn con”.
Làm dâu không phải là chuyện đơn giản, song nó cũng không khó đến mức khiến chúng ta sợ lấy chồng. Thực chất, chỉ cần sống, đối đãi với nhau với cái tâm chân thành thì sớm muộn gì nhà chồng cũng nhận ra và trân trọng thành ý của bạn. Mẹ chồng có thế nào cũng vẫn là người sinh ra chồng mình, không thể chấp nhặt, nhỏ nhen hay muốn gạt họ ra khỏi cuộc sống của mình.
Sự điều tiết khéo léo và hạn chế nhất những xung đột luôn là cách cư xử thông minh. Bởi nếu bạn lùi 1 bước, có thể sau này là cả 1 bầu trời trải ra trước mắt.