Mâm cỗ sáng mùng 1 tết
Sáng mùng 1 Tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 Tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều.
Theo đó, lễ vật cúng ngày mùng 1 Tết gồm: Mâm ngũ quả, hương hoa, giấy tiền vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, trà, bánh chưng (hoặc bánh tét). Cỗ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn ngày Tết, được chế biến thơm ngon tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
Mâm cơm đầu tiên của năm mới không thể thiếu đĩa thịt gà trống thiến, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, xôi, nem rán, thịt đông.
Thông thường, gà sẽ được làm từ chiều 30 Tết vì người ta kiêng sát sinh vào ngày đầu năm. Sau khi mâm cỗ đã được sửa soạn tươm tất thì chủ nhà bưng lên bàn thờ, rồi tiếp theo lần lượt những người trong nhà ra trước bàn thờ vái lấy vái để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên. Hương tàn, chủ nhà lễ tạ, hạ cỗ xuống cho con cháu hưởng lộc.
Cần lưu ý khi cúng gia tiên, tiền bạc, vàng mã phải để nguyên và đốt nhang đèn suốt ba ngày Tết cho đến lễ Hóa vàng.
Các bữa còn lại trong ba ngày Tết chỉ cần cúng bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy...
Trong mấy ngày Tết, người Việt thường định sẵn lịch trình đi những đâu trong năm mới. Sáng mồng 1 Tết, sau khi ăn uống cỗ bàn xong, các gia đình thường dành ngày mồng 1 đến những thăm hỏi, chúc Tết trong nội tộc.
Chẳng hạn, người dưới đến thăm chúc Tết người trên, con cháu đến chúc tết ông bà, cha mẹ; Người ờ chi thứ đến nhà chi trưởng thắp hương cho họ tộc. Nhưng chủ yếu người ta chỉ đến chúc Tết bên họ Nội (họ cha), như câu: “Mùng một Tết cha; Mùng hai Tết mẹ; Mùng ba Tết thầy”.
Các bà các cô rủ nhau đến chùa hoặc đền (phủ) lễ bái xin thẻ, xem việc cát - hung (tốt - xấu, may - rủi) cho cả năm. Ở gần Hà Nội, mọi người thường đến thắp hương và xin quẻ tại các chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh, đền Ngọc Sơn, đền Dâu (phố Hàng Quạt)...
Những điều tối kỵ ngày đầu Xuân năm mới
Quét nhà: Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.
Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.
Kiêng vay mượn tiền bạc: Đây là vấn đề khá tế nhị. Người xưa quan niệm dù cần thiết đến mấy cũng không nên vay mượn tiền bạc vào những ngày đầu xuân năm mới. Việc này báo hiệu điềm xấu, sự túng thiếu sẽ đến với người đi vay mượn trong cả năm tới.
Thực chất, không chỉ ngày Tết, người xưa kiêng vay hoặc cho vay vào những ngày đầu tháng trong năm. Có câu “mồng Một sớm mai, mồng Hai đầu tháng” chính là để chỉ tục này. Ngày Tết, mọi người có thể mừng tuổi, chúc phúc cho nhau bằng hồng bao, ở bên trong thường có một khoản tiền nhỏ, tượng trưng cho sự đầy đủ trong năm mới.
Không chỉ thế, những người có mối quan hệ vay và cho vay cũng không nên nhắc đến chuyện nợ nần vào những ngày đầu xuân. Thậm chí, người xưa còn khuyên rằng những người có nợ nần nên giải quyết cho hết trong năm cũ, để năm mới không còn vướng bận, thanh thản tâm trí cho những ngày xuân.
Kiêng cho nước, lửa: Đây là tục kiêng rất quan trọng đối với người xưa. Thật không may cho nhà ai những ngày đầu năm mà đã có người đến xin lửa, xin nước. Cổ nhân rất kị việc này bởi quan niệm lửa có màu đỏ, là màu may mắn đầu năm mới, cho người khác cái đỏ sẽ khiến cho gia chủ không giữ được tiền bạc, may mắn trong cả năm.
Tương tự như thế, nước vốn được ví như nguồn tài lộc, nếu bị xin thì sẽ mất lộc, mất tiền tài trong cả năm. Thường thì trước khi bước sang năm mới, người xưa thường lo đổ đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại bởi tin rằng năm mới đến mà nước đủ đầy thì sẽ đem theo của cải nhiều như nước.
Tục xưa, sáng mồng Một Tết nhiều gia đình có điều kiện còn thuê người gánh nước đến. Những người gánh nước cũng được mừng tuổi, cả chủ nhà lẫn người gánh thuê cả năm sẽ đều may mắn. Ngày nay, tục này vẫn được giữ gìn cẩn trọng.