Theo Today Online, trả lời trước Quốc hội nước này khi được hỏi về quan điểm của chính phủ Malaysia trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết Malaysia và các quốc gia ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không công nhận “đường 9 đoạn” vì yêu sách này của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Cũng theo giải thích của Ngoại trưởng Malaysia, nước này có quan điểm là không tồn tại việc chồng lấn tuyên bố hay tranh chấp lãnh thổ giữa Malaysia và Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Anifah, tất cả các cấu trúc địa lý hay đại dương nằm trong vùng biển của Malaysia thuộc về Malaysia.
Nhận xét về sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, ông Anifah cho hay sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới không bao gồm các khu vực biển của Malaysia. “Do đó, theo tôi hiểu, điều này không tạo ra tác động trực tiếp tới lợi ích (quốc gia) hay an ninh quốc gia”, ông Anifah khẳng định.
Tuy nhiên, ông Anifah cho rằng, hành động của Trung Quốc có khả năng làm gia tăng căng thẳng khu vực và thay đổi cấu trúc địa lý ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Anifah cũng khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ không bao giờ thỏa hiệp với các vấn đề có thể ảnh hưởng đển sức mạnh lãnh thổ và chủ quyền quốc gia”.
Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố chủ quyền phi lý với hầu hết Biển Đông, bao gồm các vùng biển tiếp giáp bờ biển của Philippines, Brunei, Indonesia, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).
Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan năm 2013 liên quan đến những tuyên bố phi lý của Trung Quốc. Trung Quốc từ chối tham dự các phiên xét xử tại Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Hiến chương Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đồng thời tuyên bố không chấp nhận phán quyết ủng hộ phía Philippines do tòa đưa ra, theo đó bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".