Mải "đại chiến" với ông Biden, ông Trump quên mất đòn chí mạng đã định sẵn cho Trung Quốc?

Tất Đạt |

Sau khi tránh được lệnh cấm ở Mỹ mấy tháng trước, TikTok hiện đang không rõ "số phận" của ứng dụng này sẽ đi về đâu.

"Nguy cơ an ninh quốc gia"

Ngày 12/11 (giờ Mỹ) là thời điểm cuối cùng TikTok được yêu cầu phải tách khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc.

Đây là thời hạn được chính quyền ông Donald Trump đặt ra trong sắc lệnh kí ngày 14/8. Tuy nhiên, sắc lệnh không chỉ rõ hình phạt hay hậu quả sẽ xảy ra nếu TikTok không thực hiện theo yêu cầu của Mỹ trước khi quá hạn ngày 12/11. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về ý định của chính phủ Mỹ đối với TikTok - một trong những mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới với hơn 100 triệu người sử dụng chỉ riêng tại Mỹ, tương đương với gần 1/3 dân số nước này.

Mặc dù ông Trump đã nhanh chóng thông qua một thỏa thuận mang lại lợi ích cho Mỹ, nhưng thỏa thuận này vẫn chưa được hoàn thiện. Trước bối cảnh thời hạn ngày 12/11 sắp kết thúc, TikTok đã đệ đơn khiếu nại khẩn cấp lên tòa án liên bang vào ngày 10/11 để chặn sắc lệnh do ông Trump kí có hiệu lực.

"Trong gần 2 tháng từ khi Tổng thống Trump chấp thuận sơ bộ đối với cam kết của chúng tôi, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp chi tiết để hoàn thiện thỏa thuận," TikTok cho biết.

"Nếu không được gia hạn vào ngày 12/11, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đệ đơn khiếu nại để đảm bảo quyền lợi của chúng tôi và của hơn 1.500 nhân viên ở Mỹ".

Không ai rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, kể cả các chuyên gia. Một số người cho rằng ông Trump đã quá tập trung vào cuộc bầu cử mà quên mất rằng số phận của một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn đang chờ được "định đoạt" trên thị trường Mỹ.

Mặc dù ông Trump đã thúc ép TikTok phải hoàn thiện thỏa thuận trong thời gian ngắn, nhưng gần đây dường như ông đã để vấn đề này sang một bên. Cùng lúc, ông Trump tiếp tục tuyên bố có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử và khẳng định ông mới là người chiến thắng hợp pháp.

Thỏa thuận TikTok

Ông Trump đã biến TikTok thành mục tiêu quốc gia, đặt ứng dụng này vào tâm điểm của xu hướng phản đối sử dụng sản phẩm Trung Quốc như những gì chính quyền của ông đã thực hiện đối với hoạt động thương mại và giao thương với Bắc Kinh. Ông Trump tuyên bố TikTok là một mối đe dọa an ninh quốc gia bởi vì công ty chủ quản Trung Quốc có thể buộc TikTok gửi dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. TikTok đã phủ nhận cáo buộc và nói TikTok lưu trữ dữ liệu ở Virginia và Singapore, tức là không bị ảnh hưởng bởi pháp luật Trung Quốc.

Sau đó, Nhà Trắng đã thông qua một số sắc lệnh để vô hiệu hóa TikTok trên đất Mỹ. TikTok đã đáp trả bằng cách kiện chính quyền ông Trump, gọi động thái của Nhà Trắng là "đậm chất chính trị".

Thậm chí, người dùng TikTok đã tận dụng ứng dụng này để gom hết vé bán cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump ở Tulsa, Oklahoma nhằm giảm lượng người tới ủng hộ ông Trump.

Sắc lệnh đầu tiên của ông Trump với mục tiêu hạn chế TikTok đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua, theo đó bất kì doanh nghiệp nào hợp tác làm ăn với TikTok cũng là bất hợp pháp.

Bộ Thương mại Mỹ còn tìm cách xóa TikTok khỏi kho ứng dụng điện thoại ở Mỹ, cấm người dùng tải ứng dụng này xuống. Tuy nhiên, cả 2 động thái trên đều đã bị vô hiệu hóa tạm thời bởi tòa án liên bang Mỹ.

Sắc lệnh thứ 2 yêu cầu công ty ByteDance phải tách và bán TikTok cho Mỹ trước ngày 12/11. Tuy nhiên, sắc lệnh này không mô tả chi tiết thỏa thuận hay TikTok phải làm gì để tiếp tục hoạt động tại Mỹ và hình phạt nếu TikTok không thực hiện được sắc lệnh là gì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại