Ông Aleksey Arestovich. Ảnh: Wikipedia
Theo Đài RT của Nga, vào sáng 17/1 (theo giờ địa phương), ông Aleksey Arestovich, trợ lý của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã chia sẻ lá thư từ chức viết tay của mình, gửi cho Chánh văn phòng tổng thống Andrey Yermak. Cuối ngày 17/1, văn phòng tổng thống Ukraine xác nhận rằng yêu cầu của ông Arestovich đã được chấp nhận.
Vụ từ chức diễn ra sau khi dư luận kịch liệt phản đối những bình luận mà ông Arestovich đưa ra, cho rằng một tên lửa của Nga khiến hàng chục người ở Dnipro thiệt mạng đã bị phía Ukraine bắn hạ.
Rắc rối, như ông Arestovich chia sẻ, bắt đầu từ việc ông nhận được tin báo từ một người quen là một chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm. Người này nói rằng ông ta đã nghe thấy tiếng nổ từ một tên lửa đánh chặn trước khi tên lửa của Nga tấn công tòa nhà ở Dnipro hôm 14/1 và ông Arestovich đã nêu thông tin này ra trong một cuộc phỏng vấn trên YouTube cùng ngày.
Rắc rối này, như thừa nhận của ông Arestovich, là “một sai lầm nghiêm trọng, được thực hiện trong một buổi phát sóng trực tiếp” và ông muốn “gửi lời xin lỗi chân thành tới các nạn nhân và người thân của họ, cư dân của Dnipro và tất cả những người bị tổn thương sâu sắc” bởi sai lầm của mình về lý do tên lửa Nga tấn công một tòa nhà.
Trên thực tế, với thông tin đưa ra, ông Arestovich đã bị “ném đá” dữ dội. Dư luận cho rằng ông Arestovich đang đổ lỗi cho quân đội Ukraine về cái chết của các cư dân tòa nhà ở Dnipro.
Bởi Lực lượng Không quân Ukraine cho biết tòa nhà ở Dnipro đã bị trúng tên lửa Kh-22 của Nga. Trong khi đó, tới nay Kiev không có khả năng đánh chặn loại tên lửa hành trình phóng từ trên không này.
Trước đó, vào tối 14/1, Trung tướng Nikolai Oleshuk, Tư lệnh Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, tuyên bố rằng tên lửa Kh-22 có thể được phát hiện bằng cách phóng, độ cao và tốc độ bay của nó, nhưng đường bay của tên lửa này có thể bị lệch hàng trăm mét.
Hệ thống nhận dạng phòng không của Ukraine đủ tinh vi để xác định được tên lửa đang bay tới là Kh-22, song cho đến nay vẫn chưa thể hạ gục được bất kỳ quả nào.
"Lực lượng vũ trang Ukraine không có thiết bị hỏa lực nào đủ khả năng bắn hạ loại tên lửa này. Kể từ khi quân đội Nga bắt đầu chiến dịch, trên 210 tên lửa loại này đã được phóng đi. Không có quả nào bị bắn hạ bởi vũ khí phòng không", ông Oleshuk nói.
Hiện trường vụ tấn công toà nhà ở Dnipro. Ảnh: AP
Trở lại với vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào toà nhà ở Dnipro, nơi có khoảng 1.700 người sinh sống, vụ tấn công này tới nay đã khiến ít nhất 44 người thiệt mạng.
Hãng tin Reuters của Anh dẫn thông báo của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp của Ukraine cho biết 20 người vẫn mất tích sau vụ tấn công hôm 14/1 và 44 người được xác nhận đã thiệt mạng, bao gồm 5 trẻ em. 39 người đã được giải cứu khỏi đống đổ nát và tổng cộng có 79 người bị thương.
Viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram dưới một bức ảnh từ hiện trường, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp của Ukraine cho biết thêm "vào lúc 1 giờ chiều ngày 17/1, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tại thành phố Dnipro tại địa điểm xảy ra vụ tấn công bằng tên lửa đã hoàn tất”.