Được biết, bà Đổng (58 tuổi) có niềm đam mê đặc biệt việc nhặt rác thải ở những khu phế liệu rồi đem bán kiếm tiền suốt 10 năm qua. Nhưng điều đáng nói ở đây, thay vì đem gom lại ở một khu vực nào đó, bà lại chất đầy hai căn hộ của mình thành một núi rác khổng lồ. Trong nhà hết chỗ để bà còn đem những đồ bỏ đi không dùng được chất đầy hành lang của khu chung cư thành một đống hỗn độn với đủ thứ mùi khiến côn trùng vây kín gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến những người hàng xóm xung quanh phẫn nộ.
Núi rác khổng lồ khiến ai nhìn vào cũng phải khiếp sợ.
Sau khi nhận được thông tin, ban quản lý của tòa nhà đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu bà Đổng phải xử lý chỗ rác thải đó, tuy nhiên lần nào gọi bà cũng lờ đi và kịch liệt phản đối. Vì không có quyền cưỡng chế bắt buộc bà Đổng phải dọn nên những người hàng xóm xung quanh đành phải dọn dẹp tạm chỗ rác ở trước cửa nhà bà. Vậy nhưng được vài hôm sạch sẽ, bà Đổng lại ra thùng rác nhặt đống phế liệu đó về và tiếp tục chất đống trong nhà của mình
Trải qua một khoảng thời gian dài chịu đựng, hàng xóm ở hai tầng 1 và 2 không thể làm ngơ và dung tha được nữa. Cả 2 hộ gia đình quyết định đâm đơn kiện bà Đổng ra tòa cùng một lúc.
Tháng 12/2020, dưới sự chủ trì của tòa án, các bên đạt được thỏa thuận hòa giải và thống nhất việc bà Đổng buộc phải thu dọn toàn độ đống rác thải trong 2 căn hộ trước ngày 31/1/2021.
Tuy nhiên, không ăn năn hối cải về những hành vi của mình, lượng rác lại tiếp tục tăng lên chóng mặt, đến tháng 2/2021, những người hàng xóm tiếp tục nộp đơn đề nghị Tòa án Bảo Sơn tiến hành cưỡng chế bà này phải dọn dẹp đống phế liệu đó và cho biết rằng rằng nếu trước ngày 2/4 lực lượng đến kiểm tra mà căn nhà vẫn không sạch sẽ thì sẽ xử lý bà Đổng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ngày 3/3, khi lực lượng chức năng đến nhà người phụ nữ kiểm tra tình hình thực tế họ lại kinh sợ vô cùng khi không thể bước vào bên trong vì rác thải quá nhiều khiến cho cánh cửa chặt cứng gần như không mở được.
Hiện trạng căn hộ ngổn ngang, rác chất kín của bà Đổng sau khi cơ quan chức năng đến kiểm tra
Đến ngày 25/5, dưới sự cưỡng chế của công an địa phương, mọi người đã điều động 10 nhân viên vệ sinh cùng 12 nhân viên dọn dẹp chuyên nghiệp đến để thu dọn sạch sẽ đống tác tồn đọng lâu ngày trong nhà bà Đổng.
Trong quá trình dọn dẹp, mùi rác thải lâu ngày bốc lên nồng nặc, thức ăn thừa đọng lại bị phân hủy khiến côn trùng bâu vào làm tổ khiến ai cũng kinh hãi, nhưng bà Đổng lại đi ngược với số đông khi chỉ cảm thấy nó giống mùi giấm chua mà bà hay dùng để vảy trong nhà bởi giấm "có khả năng khử trùng". Nhìn từng túi rác được chất lên xe, bà Đổng không khỏi tiếc nuối: "Đây đều là bảo bối của tôi cả đấy."
Nhiều người khi nhìn vào sẽ tưởng bà Đổng có cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu lắm. Nhưng ngược lại, chỉ với công việc nhặt rác mà bà sở hữu rất nhiều tài sản có giá trị, thậm chí bà còn đứng tên mấy căn nhà. Chỉ tính riêng tiền cho thuê nhà và tiền nghỉ hưu, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng bà Đổng có thể lên tới gần 20 nghìn tệ (gần 72,2 triệu đồng).
"Trong mắt người khác là rác thải, còn trong mắt tôi lại là tiền đấy. Mỗi ngày tôi có thể bán được hơn 200 tệ (tương đương 722 nghìn đồng), có lúc còn hơn thế nhiều." Bà Đổng chia sẻ.
Bà cho biết gia đình bà ai cũng phản đối hành động này, tuy nhiên chồng bà lại bảo chỉ cần khiến bà vui là được và không bao giờ ngăn cản vợ. Con gái bà lại cấm không cho bà bế cháu, hiếm hoi lắm nếu muốn bế thì bà phải tắm rửa thật sạch sẽ thì mới được lại gần. Khi nhận được thông báo của lực lượng chức năng sẽ đến dọn dẹp căn hộ của mình, bà Đổng có thông báo lại cho gia đình nhưng không ai đồng ý đến giúp bà cả.
Người phụ nữ 58 tuổi ngậm ngùi tâm sự: "Tôi vừa yêu lại vừa hận đồng tiền. Tôi yêu nó là bởi tôi thích cái cảm giác sung sướng khi kiếm được tiền. Còn tôi hận nó là vì mỗi lần tiêu tiền, tôi luôn có cảm giác đang bị người khác lừa bịp, bóc lột vậy, thế nên tôi không tiêu tiền."
Trong khoảng thời gian 9 tiếng đồng hồ làm việc không ngừng nghỉ, cuối cùng số rác thải đã được chất đầy 15 chiếc xe tải, trong đó chiếc xe có trọng tải lớn nhất lên tới 8 tấn. Cuối cùng thì hai căn nhà của bà Đổng cũng trở về trạng thái nguyên vẹn nhưng bà phải ký cam kết với Tòa án rằng sau này không được nhặt nhạnh hay tích cóp rác thải trong nhà nữa, mà phải giữ gìn vệ sinh nhà cửa và môi trường sống xung quanh mình.
Căn hộ quay trở lại trạng thái "bình thường mới" sau sự nỗ lực của cơ quan chức năng cùng các nhân viên vệ sinh sau khoảng thời gian 9 tiếng.