Mặc đồ bó sát "khoe dáng" ở giữa đường đến cung điện, đỉnh núi: Tập Yoga hay sống ảo?

Phạm Trang |

Thay vì những hình ảnh các động tác mang lại thảnh thơi cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần hay sự dẻo dai đáng ngưỡng mộ, giờ đây, cụm từ "yoga" lại mang đến cho nhiều người những suy nghĩ khác.

Khi Yoga dần mất đi thiện cảm....

Trước kia, khi nhắc tới Yoga, người ta thường nhớ tới hình ảnh những người tập luyện một bộ môn trong tâm thế thảnh thơi về cả sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần, hay những hình ảnh dáng người dẻo dai, uyển chuyển thực hiện một cách nhẹ nhàng hàng loạt các động tác khó khiến người ta trầm trồ.

Vậy nhưng, thời gian gần đây, tất cả đã dần thay đổi, theo một chiều hướng tiêu cực...

Những ngày vừa qua, việc tập “thả dáng” yoga chụp ảnh tại các địa điểm công cộng một lần nữa trở thành tiêu điểm khiến nhiều người không khỏi xôn xao bàn tán. Lần này, những địa điểm trở thành nơi check-in của các “tín đồ” yoga ở Việt Nam không chỉ là các tuyến đường làng phố xóm, mà còn là những địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước cũng như “vươn tầm quốc tế”.

Dù các địa điểm du lịch này không đặt biển cấm thực hiện các động tác yoga, thậm chí còn khuyến khích du khách chụp ảnh với mục đích quảng bá. Tuy nhiên, ngay khi những bức ảnh, thông tin về các sự việc này được đăng tải đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Điển hình trong số đó có vụ việc một nữ du khách nước ngoài đã ghi lại hình ảnh một số người đã tạo dáng yoga ngay tại đỉnh Fansipan - nơi được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng, không chỉ với du khách Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế.

Rất nhiều người khi có cơ hội đến đây đều tranh thủ chụp lại những bức ảnh kỷ niệm hoặc có cách đặc biệt của bản thân lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ. Tuy nhiên, việc một số người đã lên hẳn đỉnh núi cao nhất Việt Nam này chụp những bức ảnh trong trang phục tập yoga và thực hiện các bài tập tại đó - bất chấp thời tiết lạnh giá ở độ cao 3.143m và rất đông người xung quanh đã khiến không chỉ bản thân nữ du khách nước ngoài mà cả người Việt Nam cũng không khỏi bất ngờ và khó chấp nhận.

Không chỉ là sự phản cảm về trang phục mà nhiều người còn cho rằng, việc chụp ảnh các động tác yoga đòi hỏi độ khó cao và phải thực hiện trong thời gian dài tại nơi có diện tích khiêm tốn như đỉnh Fansipan cũng sẽ vô tình khiến những du khách khác khó lòng có được những bức ảnh kỷ niệm tại đây, hoặc nếu muốn sẽ phải chờ đợi rất lâu.

Hay một câu chuyện cũng gây xôn xao không kém chính là việc một nữ du khách người Hà Nội đã thực hiện động tác yoga ngay bên ngoài tường rào cung điện Gyeongbokgung - cung Cảnh Phúc (Seoul, Hàn Quốc).

Rất nhiều ý kiến, lời nhận xét được đưa ra nhưng đa phần trong đó là giọng điệu châm biếm, chỉ trích bởi họ cho rằng đây là nơi tôn nghiêm, có ý nghĩa linh thiêng, địa điểm tham quan nổi tiếng của nước bạn, cho nên, việc mặc trang phục và tạo dáng như vậy là điều vô cùng phản cảm.

Được biết, nhân vật chính trong câu chuyện là chị H. sống tại Hà Nội và đây là những bức ảnh chị chụp trong chuyến du lịch Hàn Quốc vào cuối tháng 10 vừa qua với mục đích kỷ niệm. Chị H. cũng cho biết bản thân chỉ đứng bên ngoài tạo dáng chứ không hề vào trong. Thậm chí, khi thấy chị chụp, có nhiều người cũng qua xin chụp cùng và bảo vệ nhìn thấy cũng không hề ngăn cấm.

Tuy nhiên, tất cả những lời giải thích trên vẫn không ảnh hưởng đến việc những hình ảnh của chị H. tiếp tục được chia sẻ trên báo đài Việt Nam cũng như Hàn Quốc như Nate, Chosun, The Joong Ang... và thậm chí còn lên top tìm kiếm MXH của nước bạn với những lời bình luận đầy tranh cãi.

Giáo sư Seo Kyung-deok của Đại học Nữ Sungshin (Hàn Quốc) đã có những bình luận trên trang cá nhân của mình và khẳng định đây là hành vi sai trái, bởi “Cung điện Gyeongbok là di sản quốc gia đại diện cho văn hóa, lịch sử Hàn Quốc” và cho rằng “Các quan chức quản lý cung chắc chắn sẽ phải ngăn chặn những điều như thế này xảy ra trong tương lai”.

Trước đó không lâu, vào mùa hoa bằng lăng, chúng ta cũng đã một lần chứng kiến trào lưu chụp ảnh check-in những dáng tập yoga “nở rộ” không kém những bông hoa tím kia. Khắp mạng xã hội “bội thực” bởi hàng loạt hình ảnh các nhóm tập yoga thoải mái khoe dáng, dù là xóm nhỏ hay đường lớn.

Thậm chí, một nhóm yoga khoảng hơn 10 người tại Thái Bình "thả dáng" ngay giữa đường lớn đã bị chính quyền địa phương xử phạt vì tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông.

Chị Hà Hương một học viên yoga cũng lo ngại cho rằng, những sự việc gần đây đã vô tình, không chỉ làm xấu đi hình ảnh của những người tập bộ môn yoga trong mắt người khác mà còn làm xấu đi cả hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

“Khi thấy những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, cá nhân mình thấy cũng rất phản cảm dù bản thân cũng là người tập luyện bộ môn này.

Vốn là để tốt cho sức khoẻ nhưng giờ trong mắt mọi người xung quanh, tất cả đang dần biến tướng và được miêu tả kèm với những từ ngữ chẳng mấy tốt đẹp, đặc biệt là khi việc này đã đi quá xa, ra cả môi trường nước ngoài.”

Yoga thế nào mới không phản cảm?

Trên thực tế, hầu hết những người, dù là dạy yoga hay luyện tập bộ môn này đều cho biết, việc người tập có xu hướng thích chụp ảnh tư thế yoga, dù là trong phòng hay khi đi chơi cũng đều là chuyện bình thường. Nhưng yếu tố quyết định để những hình ảnh này có trở nên “phản cảm” trong mắt cộng đồng hay không, chủ yếu là do địa điểm cũng như trang phục và tư thế.

Chị Lê Oanh - giáo viên dạy yoga tại Hà Nội - chia sẻ:

“Thành thật mà nói, hầu hết những người tập yoga đều có xu hướng thích chụp ảnh các tư thế khi đi chơi, check-in những nơi mình đến nên không thể hoàn toàn nhận xét đúng hay sai, nên hay không. Chủ yếu cần cân nhắc đến hai yếu tố là sự phù hợp và an toàn khi chụp”

Theo chị Oanh, không ai có thể cấm người khác chụp ảnh, check-in nhưng bản thân cần xem xét chúng có phải địa điểm phù hợp hay không.

“Chụp ở biển, núi, cánh đồng, công viên… chắc sẽ không ai ý kiến, bởi đó là không gian mở và chung cho mọi hoạt động. Còn ở những nơi là di tích lịch sử và có liên quan đến yếu tố văn hoá thì sẽ rất khác.” chị Oanh nói “Tư thế chụp cũng là một điểm đáng nói. Nếu bạn chụp với những tư thế đơn giản và không để lộ những phần riêng tư của cơ thể thì mình thấy cũng không có gì để gây chú ý.”

Ngoài ra, chị Oanh cũng cho rằng, việc người tập chọn các tư thế khó như đầu đứng, đứng bằng tay, xoạc chân, uốn cong lưng… với mục đích check-in khi chưa khởi động kỹ có thể tăng nguy cơ gây chấn thương, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người thực hiện.

Đối với vấn đề trang phục, theo kinh nghiệm nhiều năm luyện tập cũng như giảng dạy của mình, chị Oanh cho hay, kể cả khi tập yoga, chị cũng không khuyến khích việc mặc đồ bó sát bởi điều này có thể gây ra những “căng thẳng rất vi tế cho cơ thể mà chúng ta thường không để ý”

“Bạn có thể liên tưởng đến cảm giác đi giày cả ngày rồi lúc tháo giày ra cảm giác dễ chịu cho hai bàn chân thế nào. Mặc thoáng để khí huyết lưu thông, da được thở. Và quan trọng nhất là tạo sự thư giãn tối đa trong khi tập.” - chị Oanh chia sẻ - “Trang phục khi chụp thì mình không dám bàn vì đó là sở thích là gu ăn mặc của mỗi người. Bạn thực sự sẽ rất đẹp khi mặc đồ mình thích và cảm thấy tự nhiên, tự tin với những trang phục đó. Chỉ cần khi chụp ảnh đảm bảo yếu tố: đúng chỗ, đúng lúc, không để lộ những phần riêng tư của cơ thể và có một sự nhạy cảm với những góc ảnh đẹp thì càng hay.”

Cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Phạm Ái Phương (1997), một giáo viên dạy yoga cho hay, đây là bộ môn có thể tập ở nhiều nơi nhưng không phải nơi nào cũng phù hợp - đặc biệt đối với những địa điểm là công trình văn hoá, lịch sử cần sự trang nghiêm.

“Yoga có thể tập ở nhiều nơi, nhưng nó phải phù hợp và thực sự kín đáo hơn để không gây phản cảm. Theo mình, môi trường tốt nhất để tập là nơi mình cảm thấy tự tin, thoải mái và an toàn nhất.”

Nói riêng về vấn đề chụp ảnh tạo dáng yoga, chị Phương cũng cho rằng, việc chụp ảnh tại các phòng, lớp tập yoga cũng là môi trường lý tưởng nhất, nhất là đối với những người mới bắt đầu làm quen với bộ môn này, bởi:

“Ở đó sẽ có các thầy cô hướng dẫn các tư thế yoga ảnh đúng định tuyến và đẹp nhất, an toàn hơn rất nhiều nữa. Khi bạn đã thật thành thạo có thể tự tập và nhờ bạn bè chụp ảnh nhưng vẫn nên nhớ phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng trang phục nữa. Thật ra các hình ảnh của các chị gái chụp ở những nơi công cộng trở nên phản cảm chủ yếu cũng do việc lựa chọn trang phục và tư thế không phù hợp, vẫn nên chú ý hơn.”


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại