Lý Quang Diệu và chuyện chưa kể trong 25 năm "lột xác" ngoạn mục của quân đội Singapore

Biên tập: Tất Đạt - Design: Mine Linh |

Sau khi nước Anh thông báo rút quân vào tháng 1/1968, quốc gia non trẻ Singapore gặp khó khăn an ninh chồng chất, nhưng không vì thế mà họ từ bỏ khát khao lớn mạnh về quân sự.

Nghĩa vụ quân sự - "thần dược" của Singapore

Lính dự bị của chúng tôi phải sẵn sàng để chiến đấu. Tháng 1 năm 1994, chúng tôi thay đổi tên gọi "dự bị" thành "trực chiến" nhằm nhấn mạnh sự sẵn sàng chiến đấu của họ.

Vài tuần mỗi năm, họ được tập trung huấn luyện trong một đơn vị để xây dựng tình đồng đội.

Vài năm một lần, họ được gửi đến Đài Loan, Thái Lan, Miến Điện hoặc Australia để tập trận cấp lữ đoàn hoặc thực hành bắn đạn thật cấp tiểu đoàn. 

Lý Quang Diệu và chuyện chưa kể trong 25 năm lột xác ngoạn mục của quân đội Singapore - Ảnh 1.

Tất cả mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành công tác huấn luyện ở doanh trại khoảng một vài tuần mỗi năm, kể cả những trường hợp người chủ bị mất ban điều hành và nhân viên của họ.

Để đạt được hiệu quả, Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) phải động viên và thu hút toàn xã hội vào các hoạt động phòng vệ.

Thế là, các hiệu trưởng trường học, giáo viên, phụ huynh, người sử dụng lao động và những nhà lãnh đạo cộng đồng được đưa vào một mạng lưới hỗ trợ dưới khái niệm gọi là "Phòng ngự toàn diện". 

Điều này giúp giữ được nhuệ khí ở mức cao.

Nghĩa vụ quân sự đã có một tác động sâu sắc vào xã hội Singapore trong hơn 30 năm qua. Nó đã trở thành một nấc thang vào đời cho thanh niên và trở thành một phần lối sống của chúng tôi nhằm giúp đoàn kết nhân dân lại.

Họ học cách sống và làm việc chặt chẽ với nhau, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hoặc tôn giáo nào.

Những cấm kỵ về ăn uống của người theo đạo Hồi và Ấn được tôn trọng vì tất cả đều là những nghi thức tôn giáo, từ người theo đạo Phật, Hindu, Hồi, Sikh cho đến người theo đạo Công giáo và đạo Zoroastrian.

Dù cha bạn là một bộ trưởng, chủ nhà băng, chuyên viên, công nhân, tài xế taxi hay là người bán hàng rong thì cấp bậc quân sự của bạn vẫn tùy thuộc vào thành tích của bạn.

Mạnh tay đầu tư cho người tài

Để có cả trí tuệ lẫn thể lực, vào năm 1971, tôi và Keng Swee (Phó Thủ tướng Singapore sau này) bắt đầu tuyển một số sinh viên có năng lực nhất vào SAF.

Chúng tôi trao học bổng du học ở Oxbridge và các trường đại học khác ở Anh của SAF cho một số học viên sĩ quan ưu tú nhất mỗi năm, ở đấy họ tham gia những lớp học chính khóa về nhân văn, khoa học, kỹ thuật hoặc chuyên môn.

Suốt những năm đại học, ngoài học bổng trang trải cho tất cả chi phí, ăn ở và nhu cầu sinh hoạt ở nước ngoài, họ còn nhận được đầy đủ lương bổng như một trung úy.

Họ phải ký cam kết phục vụ 8 năm sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian ấy họ sẽ được gửi đến Mỹ hoặc Anh để học hai hoặc thường là ba khóa.

Lý Quang Diệu và chuyện chưa kể trong 25 năm lột xác ngoạn mục của quân đội Singapore - Ảnh 2.

Khóa đầu tiên huấn luyện họ thành chuyên viên pháo binh, xe thiết giáp hoặc truyền tin; khóa thứ hai làm việc ở ban tham mưu và chỉ huy ở Mỹ hoặc Anh; và khóa cuối cùng học về quản trị cộng đồng hoặc kinh doanh ở một đại học hàng đầu của Mỹ như Harvard hoặc Stanford.

Vào cuối năm thứ tám, họ có thể chọn lựa ở lại SAF hay chuyển sang cơ quan dân chính làm nhân viên hành chính, ngạch công chức cao cấp nhất, tham gia hội đồng lập pháp, hoặc chuyển sang khu vực tư nhân.

Họ sẽ tham gia huấn luyện nghĩa vụ quân sự hàng năm trong khoảng hai hoặc ba tuần. Thông qua kế hoạch do tôi đề nghị và Keng Swee sửa đổi lại, chúng tôi tuyển mộ một số sinh viên giỏi nhất vào SAF. 

Nếu như không tuyển khoảng 10 trong số những sinh viên giỏi nhất hàng năm, thì SAF sẽ không có năng lực trí tuệ để sử dụng vũ khí quân sự sao cho có lợi nhất.

Chất lượng của những đợt tuyển ban đầu đã và đang được khẳng định. Vào năm 1995, bốn cựu sinh viên nhận học bổng của SAF, được cất nhắc vào những vị trí cao cấp, tham gia hoạt động chính trị và sau này trở thành các bộ trưởng nội các: thiếu tướng lữ đoàn trưởng Lee Hsien Loong - con trai tôi, thiếu tướng George Yeo; Trung tá Lim Hng Kiang và thiếu tướng Hải quân Teo Chee Hean.

Giải pháp độc đáo

Diện tích hạn hẹp của Singapore là một sự ràng buộc khắt khe. Khi việc xây dựng phát triển, chúng tôi cần đến những khu huấn luyện ở nước ngoài để triển khai một lữ đoàn và sau này là một sư đoàn.

Tôi đã thực hiện một cuộc đột phá vào năm 1975 khi Tưởng Kinh Quốc cho phép bộ binh, thiết giáp, pháo binh của chúng tôi đến huấn luyện ở Đài Loan. 

Lý Quang Diệu và chuyện chưa kể trong 25 năm lột xác ngoạn mục của quân đội Singapore - Ảnh 3.

Chúng tôi còn tổ chức phối hợp tập trận ở Đài Loan cùng với Siegfried Schulz, một tướng về hưu của Cộng hòa Liên bang Đức, người đã đi cùng các sĩ quan cao cấp của chúng tôi trong cuộc "thị sát tham mưu" để dạy về "tập trận dã chiến".

Tổng thống Marcos và Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép Không quân Cộng hòa Singapore sử dụng những tiện nghi huấn luyện của Mỹ tại Căn cứ Không quân Clark vào cuối những năm 1970. 

Vào những năm 1990, khi người Mỹ dời Clark, chúng tôi dời đến huấn luyện ở Australia và Mỹ. Chúng tôi phải tìm những giải pháp độc đáo cho những khó khăn của chúng tôi.

Năng lực phòng thủ đất nước đã liên tục được nâng cấp nhờ công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, được ứng dụng vào hệ thống vũ khí. 

Vấn đề này đòi hỏi phải có một nền kinh tế mạnh mới có khả năng chi trả cho vũ khí mới và người có trình độ cao, được đào tạo, có thể phối hợp nhiều lực lượng vũ trang khác nhau thành một hệ thống và làm cho chúng hoạt động hiệu quả.

Nỗ lực được đền đáp

Lý Quang Diệu và chuyện chưa kể trong 25 năm lột xác ngoạn mục của quân đội Singapore - Ảnh 4.

Một năng lực phòng thủ đáng tin cậy giúp giảm thấp rủi ro của những hành động chính trị hấp tấp. 

Mỗi khi bất đồng với chúng tôi, các lãnh tụ Malaysia thường phát biểu qua báo chí đe dọa cắt đi nguồn cung cấp nước ngọt cho chúng tôi.

Vào năm 1990, khi tôi từ chức thủ tướng, tờ Military Technology (Kỹ thuật quân sự), một nhật báo quốc phòng quốc tế viết rằng: "Vào năm 1965, khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập, họ thực sự chẳng có gì về lực lượng vũ trang để phòng vệ. 

Nhưng đến năm 1990, Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) đã phát triển thành một lực lượng chuyên nghiệp đáng nể và điều hành những hệ thống phòng thủ hiện đại có khả năng bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập quốc gia."

Từ lúc đó, năng lực và sự sẵn sàng của SAF liên tục được báo chí quốc phòng, trong đó có tờ Jane’s và Asia Pacific Defence Reporter, đánh giá cao.

Một kết quả như vậy đã không có trong ý nghĩ của tôi vào tháng 4 năm 1966 khi tôi đến London với hy vọng thủ tướng Harold Wilson sẽ bảo đảm rằng lực lượng Anh vẫn duy trì ở Singapore trong vài năm nữa.

Bài viết trên được trích trong cuốn Hồi Ký Lý Quang Diệu - Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất, do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.

photo-1

Câu chuyện về sự chuyển đổi của Singapore được kể một cách lôi cuốn, và cũng gây tranh cãi.

Đất nước Singapore sinh ra từ sự tan rã chế độ thực dân, sau sự tàn phá của Thế chiến 2, tình trạng đói nghèo phổ biến, sự rối loạn sau sự rút lui của lực lượng nước ngoài. Singapore hiện đang được ca ngợi là một thành phố của tương lai.

Hiện tượng lịch sử phi thường này được kể bởi 1 người không chỉ sống qua tất cả các giai đoạn khó khăn đó, mà chính là nhân vật kiến tạo quốc gia, mở đường cho đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại