Lý Hải: "Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ"

Cao Thanh Hương |

"Tôi không dám làm gì phật ý mọi người, luôn luôn tôn trọng ý kiến của người khác, luôn cho người khác cơ hội để giải tỏa, bày tỏ, thể hiện", Lý Hải chia sẻ.

"Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh" do Lý Hải đạo diễn vượt mốc 100 tỷ đồng sau gần 3 ngày công chiếu, cũng là phim đạt mốc doanh thu này nhanh nhất trong 6 phần phim thuộc series "Lật mặt" của nam đạo diễn. Nhân dịp này, Lý Hải đã có những chia sẻ đặc biệt với chúng tôi về hậu trường làm phim.

"Làm gì có thể làm ẩu chứ điện ảnh thì không"

"Lật mặt: Tấm vé định mệnh" không thuộc thể loại hành động nhưng có nhiều cảnh khá nguy hiểm. Vậy trong quá trình quay, đoàn có xảy ra tai nạn không thưa anh?

May mắn là đợt này không bị thiệt hại về người mà chỉ thiệt hại về trang thiết bị thôi. Lúc quay cảnh đám cháy, fly cam rút từ trong ra ngoài vướng vào ngọn cây nên rớt xuống sông. Ê-kíp phải về lấy flycam khác ra quay lại, đồng thời nhờ người dân lặn xuống sông mò máy lên. Ống kính và máy toàn bùn sình.

Series phim "Lật mặt", phần nào cũng có đại cảnh hoành tráng. Những phần trước là đại cảnh đám cưới 1.000 cô dâu chú rể hoặc kéo xập dãy nhà bên sông. Ở phần 6 là xây và đốt xưởng chiếu, xây dãy nhà trọ rồi phá... Có ý kiến cho rằng, việc anh dựng các đại cảnh như vậy là chiêu trò để gây chú ý. Anh nghĩ gì về điều này?

Đó là tôi tôn trọng khán giả, tôn trọng những người bỏ tiền ra xem phim của mình. Tôi muốn các thước phim phải chân thật, đầu tư chỉn chu, nếu đã cần thiết thì tốn kém hay khó khăn đến mấy cũng bỏ tiền ra làm, chứ không phải chơi ngông đâu.

Ví dụ, cảnh cháy kho chiếu. Không một ai dám cho tôi mượn nhà, thuê nhà để chất chiếu vào đốt cả. Việc xây dãy nhà trọ cũng thế, mọi người xem phim xong sẽ hiểu lý do vì sao tôi xây mà không phải thuê. Rất nhiều bối cảnh nhạy cảm, nặng đô, không thể quay ở nhà người ta, bắt buộc mình phải xây.

Trong set quay, phải có sự riêng biệt giữa khu nghỉ và khu ăn uống. Tìm bối cảnh đó rất khó. Quay ăn gian cũng được nhưng tôi muốn hai khu đó phải ở chung một khung hình của cảnh toàn thì đẹp và logic, chân thật, thuyết phục hơn.

Lý Hải: Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ - Ảnh 1.

Lý Hải (ảnh trong bài do nhân vật cung cấp).

Làm gì có thể làm ẩu chứ điện ảnh thì không. Tôi cố gắng làm điều gì đó để chạy theo sự phát triển chung của điện ảnh các nước bạn. Ví dụ, Thái Lan là nước sát bên nhưng điện ảnh của họ đã đi trước mình cả chục năm rồi. Những gì họ đang làm, có thể 10 năm nữa điện ảnh Việt Nam mới làm được.

Bất cứ một bộ phim nào trên thế giới, kể cả Hollywood vẫn có sạn. Bởi vì bản thân mình đã làm hết sức có thể rồi. Thứ hai là Việt Nam không có phim trường. Nước ngoài có phim trường và kinh phí sản xuất cả triệu triệu đô, họ có thể làm tất cả những gì họ tưởng tượng. Còn mình thì nhiều lúc muốn làm mà không đủ kinh phí thực hiện, không có điều kiện để làm, bị nhiều thứ lắm.

Không phải mình muốn trình bày gì, mà cố gắng làm hết sức có thể, song song đó cũng phải nâng tầm mình lên chứ không phải đổ lỗi rồi không chịu phát triển. Mình phải học hỏi cách làm phim của nước bạn để không đi thụt lùi.

Vừa rồi khi ra mắt phim tại Hà Nội, anh có tổ chức mini show tri ân khán giả ngoài đó. Liệu sau này, anh có quay lại ca hát?

Tôi không quay lại đi hát. Cả chục năm rồi, tôi không biểu diễn ở Hà Nội. Tôi muốn làm điều gì đó cho Hà Nội. Hồi còn đi hát, tôi sống ở Hà Nội nhiều hơn ở miền Tây nhưng mọi người cứ nghĩ tôi là ca sĩ miền Tây. Thời đó không có mạng xã hội để quảng bá nên mọi người không biết.

1 năm 12 tháng thì 8, 9 tháng tôi sống ở Hà Nội. Tất cả những con đường, những xã, phường ở phía Bắc, tôi thuộc hết. Từ năm 2000 đến 2008, tôi sống ở đó rất nhiều. Đặc biệt quãng năm 2005-2008, tôi ăn dầm nằm dề ở miền Bắc. Khán giả thương tôi khủng khiếp. Cho nên khi làm phim, thấy khán giả miền Tây ủng hộ mình rất lớn, tôi mới nghĩ, tại sao mình lại lãng quên Hà Nội.

Lý Hải: Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ - Ảnh 3.

Lý Hải nổi tiếng là người hiền lành

"Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ"

Anh rất hiền nhưng ra phim trường, nghe nói anh rất quyền lực?

Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ (cười). Gần đây, tôi đi làm giám khảo và cảm nhận được điều đó qua sự lựa chọn của các bạn thí sinh.

Trong cuộc thi, thí sinh được chọn giám khảo chấm điểm cho mình để số điểm đó được nhân đôi thì không ai chọn tôi cả. Tôi bảo, trong các giám khảo ở đây, tôi là người hiền nhất, chính trực nhất mà sao không ai chọn.

Mọi người bảo: "Anh khó lắm, cho điểm không cao. Vì chính trực nhất nên sẽ không bao giờ cho điểm nhân đôi". Bởi vậy, nhiều lúc chính trực quá cũng khổ. Mình ế quá (cười).

Trên phim trường cũng thế. Tôi giống như hai con người. Con người ngoài đời và con người làm việc. Ngoài đời, tôi đi xe ôm, mặc quần cộc nhưng bước lên sân khấu là khác hoàn toàn. Giờ cũng vậy. Ngoài đời sao cũng được nhưng đã lên phim trường làm việc là một người khác, vị trí khác.

Khi có chuyện, tôi ít nói mà thường sẽ hỏi: "sao bạn diễn như thế, bạn suy nghĩ thế nào mà làm vậy", hoặc "bạn cho mình một lý do, tại sao mình phải nghe theo bạn".

Tôi không ép người ta mà cho người ta trải lòng. Sau khi bạn đó nói xong, tôi sẽ phân tích, nói làm sao để bạn hiểu, thuyết phục và tin mình. Tôi không có kiểu "không được, em phải làm thế này", nói thế người ta sẽ không nghe, không phục.

Sau 6 phần, mọi người dư biết khả năng của Lý Hải nhưng anh được biết tới với vai trò ca sĩ khi hoạt động nghệ thuật. Vậy, tiếng nói của anh trên phim trường hiện tại so với phần 1 đã thay đổi ra sao?

Chỉ sau phần 1 là mọi người đã thay đổi dần rồi. Những người thế hệ cũ có lẽ biết lý lịch của tôi. Dù là ca sĩ nhưng tôi ngày xưa học bài bản về diễn xuất tại trường Sân khấu điện ảnh chứ không phải tay ngang cầm mic rồi dạy người ta diễn xuất. Tôi học 4 năm trong trường Sân khấu Điện ảnh, chung lớp với Quyền Linh.

Lý Hải: Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ - Ảnh 5.

Tuy nhiên, trên phim trường, khi làm việc, ai cũng sợ anh vì quá nghiêm túc, kỹ tính và chính trực.

Chưa kể quá trình làm "Trọn đời bên em" 10 phần cũng là nơi để mình diễn xuất. Hồi đó, tôi cũng tự viết kịch bản, tự đạo diễn "Trọn đời bên em". Dĩ nhiên là điện ảnh khác MV rất nhiều, dù hồi đó, MV của tôi đã là phim rồi.

Giờ thì khác nhưng mình đưa ra lý do thuyết phục thì người ta mới nể. Chứ họ làm mà họ không nể, trước mắt đồng ý mà sau lưng nói xấu thì cũng vậy. Tôi muốn sự công tâm.

Tôi không dám làm gì phật ý mọi người, luôn luôn tôn trọng ý kiến của người khác, luôn cho họ cơ hội để người khác giải tỏa, bày tỏ, thể hiện. Thuyết phục được tôi là tôi thay đổi. Nếu tôi thấy cấn thấy sượng thì thuyết phục lại họ.

Việc anh cho bà con Định Yên xem phim trước cả công chiếu vài ngày khiến nhiều người ngạc nhiên. Có người bảo, hành động này của anh không chỉ liều lĩnh mà còn ngớ ngẩn. Anh nghĩ thế nào khi nghe vậy?

Tôi muốn tri ân những gì mà người dân Định Yên đã dành cho mình. Khi đoàn phim tới đó quay, ai cũng hỗ trợ. Mọi người bảo "các chú muốn quay gì trong nhà tôi cũng được, đập phá cũng được, đừng đốt là được".

Bà con trong xóm thoải mái lắm. Tôi block (khóa, chặn) nguyên con đường cả cây số để set-up, mọi phương tiện giao thông đều kẹt hết, không di chuyển được nhưng bà con vẫn vui vẻ cho mình làm.

Thậm chí trên con đường có những tiệm tạp hóa mà mọi người đóng cửa hết cho mình quay, mà không đòi tiền. Quay xong, chúng tôi tặng quà lại cho bà con.

Người ta đến với mình với tấm lòng như thế thì tại sao mình lại không biết ơn. Chưa nói, nhà có trái mít chín, bà con cũng cắt đem ra bảo "mấy chú xẻ mít cho đoàn ăn", rồi xoài, mận, bánh ít, bánh tét… có gì là đem cho cái đó. Bà con chân tình tới vậy.

Buổi trưa, tôi đang ngồi quay, có cô đem đĩa ếch xào lá cách tới bảo: "tôi theo dõi chú trên mạng, biết chú rất thích ăn món này nên tôi tranh thủ làm đem cho chú ăn". Tình cảm họ dành cho mình giống như người thân, gia đình, như chị, như em, như con cháu trong nhà chứ không phải người dân hay fan…

Lý Hải: Tôi hiền lắm mà ai cũng sợ - Ảnh 7.

Lý Hải chiếu phim sớm tri ân bà con xã Định Yên, Đồng Tháp.

Sau đó, tôi trăn trở muốn làm gì đó cho bà con và bàn với ê-kíp trong đoàn. Thật ra, tôi cũng rất sợ là phim lọt ra ngoài nhưng khi đã quyết thì bàn nhau cách làm sao để tránh tình huống xấu nhất.

Phim chiếu trong sân đình, có hàng rào. Ai vào xem cũng để điện thoại vào túi zíp màu đen. Người dân ở đó rất thương tôi và đoàn phim, họ sẽ không làm lộ phim, chỉ sợ người ở nơi khác tới làm lộ phim thôi.

Đoàn có lường tình huống đó nên nhờ người dân để ý người kế bên, nhắc người kế bên không dùng điện thoại trong lúc xem phim vì mình không thể nhìn hết được. Trước ngày chiếu phim, đoàn xuống xã phát vé cho người dân. Ưu tiên cho người dân trong xã trước, còn người ở nơi khác tới thì phải xếp hàng lấy vé sau.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại