Sau nhiều năm cho rằng Nga không tuân thủ cuộc chơi, Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào ngày 2.8. Thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh này vốn cấm triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km, thế nhưng chỉ ngay ngày hôm sau tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper, nói với các phóng viên rằng ông muốn chống lại kho tên lửa khổng lồ của Trung Quốc càng sớm càng tốt. Bắc Kinh phản ứng giận dữ.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, điểm dễ xảy ra xung đột nhất giữa hai nước không phải là chuyện kho tên lửa mà là ở Biển Đông, vì sự tích tụ năng lực quân sự của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông chính là thứ mà người Mỹ luôn để ý và cảm thấy nóng mắt nhất. Trung Quốc đang tìm cách khống chế tuyến hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới bằng các căn cứ phi pháp này.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.000 mẫu đất để phục vụ cho các lĩnh vực như dò tín hiệu tầm xa, hải cảng, đường băng và kho ngầm tích trữ nhiên liệu và vũ khí. Đó là hoạt động lớn mang tính quân sự, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 cam kết không quân sự hóa các đảo, và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các "cơ sở quốc phòng tối giản" này chủ yếu phục vụ cho an toàn hàng hải và hỗ trợ thảm họa thiên nhiên.
Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân sự của Trung Quốc, ghi nhận rằng không có sự quân sự hóa mới nào được quan sát kể từ khi Trung Quốc lén lút đặt tên lửa phòng không và chống hạm trên một số cơ sở ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) năm ngoái.
Đầu năm 2016, tình báo Hoa Kỳ đã đánh giá rằng những căn cứ đó sẽ đủ khả năng tiếp nhận “lực lượng đáng kể” (ám chỉ các vũ khí tấn công chiến lược) vào cuối năm đó. Nhưng sau 3 năm kể từ đánh giá đó, Trung Quốc vẫn chưa triển khai máy bay chiến đấu hoặc vũ khí tấn công tầm xa khác có thể tấn công các mục tiêu trên bộ. Trên thực tế, Trung Quốc mới chỉ đặt các tên lửa chống hạm, phòng không và đón nhận máy bay vận tải ở căn cứ phi pháp trên Trường Sa mà thôi.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, gần đây đã nhận xét rằng nếu Trung Quốc giảm hoạt động quân sự hóa các đảo, chẳng qua là vì chúng đã đạt được khả năng tác chiến quân sự mà Trung Quốc mong muốn lúc này. Người Mỹ cũng đặt ra câu hỏi tại sao Trung Quốc không nâng tầm mong muốn của họ, tức là không tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự hóa dù họ vẫn còn năng lực kỹ thuật để làm điều này?
Đáp án là: Việc tăng cường quân sự hóa lúc này không giúp ích gì cho Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông trong thời bình và cũng không thể tạo dấu ấn quyết định trong thời chiến. Thay vào đó, nó khuyến khích sự hiện diện quân sự lớn hơn và công khai hơn của Mỹ. Nó cũng làm giảm khả năng ngoại giao của Trung Quốc trong lúc họ đang khủng hoảng đối ngoại, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đụng độ đầy phiêu lưu và có khả năng gây bất ổn trong nước, thậm chí có nguy cơ đến tồn vong của chế độ.
Khoảng cách căn cứ chơ vơ này tới Trung Quốc đại lục khá xa khiến các căn cứ bị phơi bày khá rõ trước mắt người Mỹ, và sự hữu ích quân sự của chúng sẽ giảm đi nhanh chóng nếu có cuộc xung đột kéo dài. Trong giai đoạn đầu của một cuộc đụng độ, các căn cứ có thể cung cấp cho PLA (quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) các điểm tựa để triển khai tên lửa phòng không và tiếp tế cho tàu chiến và máy bay của họ.
Nhưng các căn cứ phi pháp Trường Sa cũng lại điểm tiếp tế gần nhất của họ, căn cứ không quân và hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam đến hơn 500 hải lý. Các căn cứ của Mỹ tại Philippines gần đó hơn nhiều.
Các hòn đảo cũng là các mục tiêu cố định, tương đối nhỏ, biệt lập và không có dân sinh sống trên đó. Do vậy, chúng chẳng có gì được bảo vệ khi phải chống lại các vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới của Mỹ hay các chiến dịch đột kích và đánh chiếm đảo mà quân đội Mỹ đang phát triển.
Trong một cuộc xung đột với Hoa Kỳ, khi các căn cứ đó bị hư hỏng và xuống cấp do các cuộc không kích và tên lửa, việc sửa chữa và tiếp tế chúng sẽ rất tốn kém và đầy rủi ro.
Do vậy, dưới góc quan sát của giới quân sự Mỹ, thì các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa chỉ là thứ hù dọa các nước có tiềm lực quân sự yếu hơn trong khu vực, không có giá trị khi thực chiến với Mỹ.
Bớt đẩy mạnh quân sự hóa các căn cứ phi pháp ở Biển Đông không có nghĩa Trung Quốc giảm lòng tham và sự hiện diện ở đây. Trung Quốc vẫn rất to miệng trong việc khẳng định các yêu sách đơn phương vô lối của mình đối với Biển Đông. Họ đẩy mạnh chiến thuật khác ở Biển Đông: Tàu của lực lượng chấp pháp và các tàu dân quân bán quân sự của Trung Quốc, thường xuyên lởn vởn ở quần đảo Trường Sa, theo một chiến dịch quấy rối và chèn ép mạnh mẽ đối với nước khác phục vụ yêu sách đi ngược lại các điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 đã vô hiệu hóa hầu hết các yêu sách của Trung Quốc.
Nói cách khác, Trung Quốc không dám đẩy mạnh quân sự hóa ở các căn cứ mà họ chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa vì Trung Quốc hiểu rằng có tăng cường thêm nữa cũng vô ích trước sức mạnh của Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đẩy mạnh việc chèn ép trên Biển Đông bằng lực lượng bán quân sự để Mỹ không tiện nhảy vào cuộc.