Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển Đông và thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, bà Hằng khẳng định.
“Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương”, Người Phát ngôn nói.
Hôm 6/5, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội Mỹ cho biết 2 tàu khu trục Mỹ Preble và Chung Hoon vừa đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Gaven và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng.
Tư lệnh Caly Doss, phát ngôn viên Hạm đội 7, nói rằng chuyến tuần tra “đi lại vô hại” này là để “thách thức những đỏi hỏi chủ quyền trên biển thái quá và bảo vệ quyền tiếp cận các vùng biển thuộc phạm vi của luật quốc tế”.
Quân đội Mỹ luôn khẳng định quan điểm của họ là thực hiện những hoạt động như vậy trên khắp thế giới, bao gồm cả những vùng biển mà đồng minh của họ đòi chủ quyền, và rằng những hoạt động đó không liên quan đế tính toán chính trị.
Chiến dịch này là nỗ lực mới nhất để đối phó với điều mà Washington coi là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trên vùng biển Đông chiến lược.