Trung Quốc từ lâu đã là nhà cung cấp vũ khí cho chính quyền Assad và hai bên nhìn chung đã có mối quan hệ thân thiện như trong thời Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, bước tiến mới này không phải là sự thay đổi về bản chất của quan hệ song phương.
Sự kiện quan trọng gần đây là Chuẩn Đô đốc Hải quân Quan Hữu Phi, phụ trách Cơ quan Hợp tác Quân sự Quốc tế của Trung Quốc, đang ở thăm Damascus cũng được cho là để "chứng tỏ" mối quan hệ thân thiện giữa hai nước.
Đây là một bước tiến mới bởi từ trước đến nay Bắc Kinh vẫn có quan hệ tốt với cả người Shi'ite và người Sunni ở Trung Đông.
Do nhu cầu dầu mỏ nên Trung Quốc rất cần những mối quan hệ này và không muốn mất lòng bên nào. Đây cũng là lý do tại sao Trung Quốc có mối quan hệ thương mại mật thiết với cả Iran và Saudi Arabia đồng thời là một khách hàng quan trọng của cả hai quốc gia này.
Đến nay, Trung Quốc là thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria vì muốn giữ vai trò trung lập. Tuy nhiên, dường như tính toán của Bắc Kinh đã bắt đầu có sự thay đổi.
Chế độ Assad hình như không thể chiến thắng trong cuộc xung đột ở Syria và có thể Bắc Kinh đang hy vọng Saudi Arabia có thể "rút lui" khi nhận ra sự thật này.
Thêm vào đó, chính quyền Assad hầu như không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào để có thể giải quyết ổn thỏa cuộc nội chiến. Vì vậy, có lẽ Bắc Kinh mong đợi Saudi Arabia có thể thực hiện việc này và không gây nguy hại cho mối quan hệ thương mại quan trọng giữa hai nước. Trung Quốc đang cố gắng để thu lợi.
Thứ nhất, Trung Quốc tham gia các hợp đồng xây dựng để tái thiết Syria với giả thiết chính quyền Assad giành chiến thắng. Thứ hai, việc can dự vào Syria mang lại cho Trung Quốc cơ hội "hất cẳng" Mỹ ra khỏi Syria hoặc ít nhất sẽ gây rắc rối nhiều hơn cho Washington.
Bắc Kinh hiểu rằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung rất quan trọng cho cả hai nước nhưng Trung Quốc cũng đang cảm thấy mệt mỏi với cách gìn giữ hòa bình thế giới của Mỹ.
Kể từ năm 2001, sự can dự của Mỹ đã dẫn đến nhiều sự bất ổn và tất cả những sự bất ổn này đều gây ảnh hưởng xấu tới các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của Trung Quốc.
Mặt khác, Mỹ tiếp tục can thiệp vào các khu vực mà Trung Quốc coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình như Biển Đông, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên, khu vực Đông Nam Á...
Do thiếu chỗ đứng ở Trung Đông, nên các hành động của Mỹ ở khu vực này đang khiến Trung Quốc khó chịu và nếu có thể tìm ra một điểm yếu nào của Mỹ thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ xoáy sâu vào điểm đó.
Theo tác giả, vấn đề cốt lõi hiện nay là Trung Quốc đang muốn tạo dựng mối quan hệ thân thiện với Nga và Iran trong vấn đề Syria, hướng tới việc định hình lại trật tự thế giới trong tương lai gần.
Trung Quốc đang hy vọng khẳng định vị trí, vai trò mà họ xem là "xứng đáng" trong trật tự địa chính trị của thế giới hiện nay nhưng cũng cảm nhận được Mỹ và phương Tây đang cố gắng kiềm chế Bắc Kinh trong một giới hạn nhất định.
Vì vậy, Trung Quốc tìm cách liên minh với "kẻ thù truyền thống" của phương Tây, như Nga và Iran, để đạt được mục tiêu của mình.