Theo Jerusalem Post, Nga và truyền thông Syria nhấn mạnh rằng hệ thống phòng thủ Syria đẩy lùi cuộc tấn công của Israel hôm 20/1.
Theo người phát ngôn của trung tâm quản lý phòng thủ quốc gia Nga, Syria đã sử dụng hệ thống phòng không Pantsir và Buk để đẩy lùi cuộc tấn công của Israel. Vậy tại sao S-300 lại không được đưa vào sử dụng trong khi Nga chuyển hệ thống phòng thủ tân tiến này cho Syria từ tháng 9 năm ngoái và được Damascus đưa vào sử dụng?
Sự im lặng đến bí ẩn vẫn tiếp tục với S-300 kể từ sau khi hệ thống này được thông báo là sẽ được chuyển đến Syria để bảo vệ quân đội Nga sau cuộc xung đột gay cấn trên bầu trời Syria năm ngoái.
Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Nga tuyên bố sẽ chuyển hệ thống S-300 sang Syria sau khi hệ thống phòng thủ của quốc gia Trung Đông này bắn nhầm máy bay Nga IL-20. Khi nhầm máy bay Nga với máy bay Israel, Syria đang sử dụng hệ thống S-200.
Vào ngày 2/10/2018, Nga tuyên bố đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống S-300 cho Syria. 49 đơn vị gồm trang thiết bị như radar, xe chuyên chở, 4 bệ phóng đã được chuyển giao, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay.
Các hệ thống phòng bị cuộc chiến tranh điện tử mới cũng được gửi tới Syria, gồm hệ thống được thiết kế để kiểm soát một "khu vực gần" là 50km và "khu vực xa" là 200km nhằm chống đỡ các cuộc tấn công của Israel, một báo cáo cho hay.
Kể từ khi triển khai S-300, xảy ra nhiều cuộc tấn công từ hồi tháng 10 đến cuối tháng 12. Tuy nhiên, S-300 vẫn chỉ trong tình trạng cảnh báo.
Một cuộc không kích xảy ra hôm 25/12, và sau đó là trận không kích hôm 12/1/2018. Syria cho biết hệ thống phòng thủ nước này đã bắn hạ tên lửa Israel hôm 12/1.
Tuy nhiên, 3 bộ S-300 vẫn chưa hoạt động. Và thực tế, các câu chuyện về S-300 hầu hết đều do truyền thông Nga cung cấp và theo đó đều nhấn mạnh rằng hệ thống này chưa được đưa vào sử dụng, thay vì đó sử dụng hệ thống lạc hậu hơn.
Phải chăng việc S-300 vẫn án binh bất động là bởi nhân lực Syria chưa được huấn luyện đầy đủ về cách sử dụng hệ thống phòng thủ mới? Tất cả 3 tổ hợp S-300 PMU-2 thực tế đã được kích hoạt hoạt động vào đầu tháng 11/2018, truyền thông Syria từng cho hay.
Các chuyên gia kỹ thuật Nga đã hoàn tất việc đổi mã Nga sang mã cho Syria, một báo cáo cho biết.
Giới quan sát Syria cho hay, vấn đề không phải nằm trong việc S-300 không hiệu quả. Một chuyên gia có tài khoản Twitter tên Tom cat cho rằng "Ưu tiên của hệ thống phòng thủ Syria là nhằm chặn đứng tên lửa để giảm thiểu nguy cơ dân thường bị nạn ở khu vực ngoại ô". Và theo phân tích này, mục tiêu của Syria không phải là sử dụng hệ thống phòng thủ để tấn công các máy bay Israel.
Tuy nhiên, trong quá khứ, tên lửa của hệ thống phòng thủ Syria đã lạc sang phía Israel. Vào tháng 3/2017, hệ thống S-200 đã khai hỏa và bay sang Jordan. Một chiếc F-16 của Israel cũng đã bị S-200 truy kích hồi tháng 2 năm ngoái và gặp nạn ở Bắc Israel.
Nhưng khi đã có S-300 trong tay, tại sao Syria lại không sử dụng? Theo chuyên gia Tom Cat, S-300 chỉ nhằm sử dụng để hướng tới các mục tiêu trên không có tính đe dọa lớn như tên lửa đạn đạo hay máy bay của đối thủ chứ không dành cho các mục tiêu như các cuộc không kích hôm 11/1 cũng như các cuộc tấn công vào Syria thời gian gần đây.
Theo phân tích này, Syria không sử dụng hệ thống phòng thủ S-300 bởi đây không phải hệ thống để ngăn ngừa những mối đe dọa không trực diện.
Một số nhà phân tích khác lại dự đoán rằng những người vận hành S-300 chưa được huấn luyện đầy đủ và hệ thống này chưa sẵn sàng được vận hành vào tháng 2 năm nay.
Trong khi cũng có ý kiến cho rằng S-300 không hiệu quả hoặc hệ thống này không được đưa vào sử dụng bởi nỗi lo hệ thống này không hoạt động tốt như dự tính.