Kênh đào Bắc Crimea bị chặn lại bằng những túi cát để ngăn nước ngọt chảy tới Bán đảo Crimea. Ảnh: New York Times
Nga cho biết, nước này đã khôi phục đường bộ, đường sắt và một kênh đào nước ngọt quan trọng, được cho là nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài trong khu vực.
Sự mở rộng cơ sở hạ tầng của Nga ở khu vực phía Nam Ukraine có thể giúp Nga củng cố hành lang trên đất liền giữa Nga và Bán đảo Crimea, đồng thời tăng cường nỗ lực kiểm soát khu vực này qua việc ban hành đồng tiền Nga và bổ nhiệm các quan chức địa phương.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết ngày 7/6 rằng, quân đội đang làm việc với công ty đường sắt Nga để sửa chữa đoạn đường dài hơn 1.200 km ở Đông Nam Ukraine và xây dựng các cơ sở hạ tầng để các phương tiện có thể lưu thông từ Nga qua khu vực Donbass ở phía Đông Ukraine tới Crimea và khu vực Kherson do Nga kiểm soát.
Ông Shoigu thông báo nước ngọt đã một lần nữa chảy tới Crimea qua Kênh đào Bắc Crimea - một nguồn nước ngọt quan trọng mà Ukraine đã cắt từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Bán đảo này. Ông cũng cho biết ô tô hiện có thể lưu thông trên trục đường nối Nga với Crimea.
Kênh đào Bắc Crimea, rộng hơn 400 km được xây dựng từ thời Liên Xô, đã cung cấp nước ngọt từ Sông Dnipro của Ukraine cho Bán đảo Crimea cho tới khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Sau khi Nga sáp nhập Crimea, Ukraine đã thả những bao cát và đất lên kênh đào này để ngăn cản Nga hưởng lợi từ nguồn nước ngọt quý giá. Thay vì chảy tới Crimea, nước từ con kênh này được sử dụng để tưới cho các ruộng dưa hấu và vườn đào ở khu vực Kherson.
Các quan chức Ukraine thừa nhận, việc cắt nguồn nước ngọt là một trong số ít công cụ mà nước này có để gây sức ép với Nga.
Với điện Kremlin, việc phong tỏa kênh đào trên từng là một thách thức to lớn về cơ sở hạ tầng bởi người dân Crimea sẽ phải chịu cảnh thiếu nước thường xuyên nếu không có nguồn nước ngọt này.
Khi Tổng thống Putin tăng cường lực lượng ở biên giới với Ukraine vào năm ngoái, một số nhà phân tích cho rằng kênh đào này là một trong những thành quả mà Moscow mong muốn đạt được./.