Lý do Mỹ không có những 'người khổng lồ' 5G như Huawei

Thu Hằng |

Sự sa sút của ngành công nghiệp viễn thông Mỹ xảy ra đúng thời điểm Huawei “khởi nghiệp” tại Thâm Quyến, với việc cung cấp các thiết bị mạng với giá rẻ hơn cho khách hàng tại các quốc gia đang phát triển nhằm vươn ra ngoài Trung Quốc.

Trong suốt hơn một thế kỷ, Mỹ là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực truyền thông: là nơi người đầu tiên phát minh ra điện tín, sau đó là phát minh ra điện thoại của Alexander Graham Bell từ năm 1876. Ông Bell sau đó đã sáng lập ra Công ty Điện thoại và Điện tín Mỹ (nổi tiếng với tên AT&T), ngày nay trở thành một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới.

Nhưng năm 2020 đã cận kề và trong lúc thế giới đang dồn dập xây dựng mạng lưới viễn thông siêu nhanh 5G, nước Mỹ nhận ra rằng mình không có một nhà vô địch phần cứng viễn thông nào đủ sức cạnh tranh với những người chơi 5G lớn trên thế giới như Huawei của Trung Quốc, Nokia của Phần Lan và Ericsson, Thụy Điển.

Hệ thống mạng không dây thế hệ thứ năm được đánh giá sẽ cách mạng hóa mọi thứ trong đời sống xã hội từ internet đến xe tự hành, công nghệ thực tế ảo, thành phố thông minh, với lợi ích kinh tế lên tới hàng tỉ USD cho những quốc gia nào theo kịp công nghệ này.

Trong khi đó, những năm gần đây, Mỹ đã xung đột với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại và các vấn đề công nghệ. Washington ra sức kêu gọi các quốc gia khác cảnh giác với công nghệ Trung Quốc và tẩy chay các thiết bị 5G do Huawei cung cấp vì lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các thiết bị của Huawei để do thám thế giới – một cáo buộc mà Huawei nhiều lần bác bỏ.

Lý do Mỹ không có những người khổng lồ 5G như Huawei - Ảnh 1.

Ra đời sau các công ty Mỹ rất nhiều năm nhưng Huawei đã có những bước phát triển ngoạn mục. Ảnh: Washington Post

Nhưng áp lực từ Mỹ lên các đồng minh hầu như bị bỏ ngoài tai. Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã từ chối cấm thiết bị của Huawei theo “khuyến cáo” của Mỹ.

Mặc dù vẫn tiếp tục cuộc chiến chống Huawei, bản thân Mỹ cũng lo lắng với việc theo kịp các đổi mới công nghệ. Hồi tháng 2, Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã tổ chức buổi điều trần có tên “Chiến thắng cuộc đua 5G và kỷ nguyên đổi mới công nghệ tại Mỹ”, nhằm thảo luận các chính sách cần thiết để đẩy nhanh triển khai 5G, qua đó duy trì vị trí cạnh tranh hàng đầu của nước Mỹ trên trường quốc tế.

“Để nhận ra toàn bộ các lợi ích này một cách đầy đủ, nước Mỹ phải thắng trong cuộc đua toàn cầu tới 5G”, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời Thượng nghị sĩ Roger Wicker, Chủ tịch Ủy ban Thương mại, Khoa học và Giao thông Thượng viện phát biểu. “Thất bại trong cuộc đua 5G sẽ vĩnh vĩnh làm tổn hại lợi ích kinh tế và xã hội so với khi chúng ta dẫn đầu thế giới về công nghệ”.

Trước sự lớn mạnh của Huawei, các công ty viễn thông Mỹ, bao gồm AT&T, Verizon và Sprint đã thông báo sẽ hợp tác với Nokia, Ericsoson và Samsung với tư cách các nhà cung cấp 5G.

Nhưng làm thế nào mà nước Mỹ từ vị trí số một về công nghệ lại trở thành người “chạy cùng” chỉ trong vòng vài thập niên và để một công ty Trung Quốc trở thành người tiên phong 5G của thế giới ngày nay?

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các chuyên gia Mỹ đã chỉ ra những nhân tố dẫn đến sự đi xuống của ngành công nghiệp này tại Mỹ, trong đó có việc bãi bỏ các quy định ràng buộc vào năm 1996, cùng với tình trạng thiếu một tiêu chuẩn mạng thống nhất trên quy mô quốc gia.

Từ năm 1987, châu Âu đã thống nhất sử dụng chuẩn mạng di động GSM. Trong khi đó, các nhà quản lý Mỹ lại cho phép các nhà mạng tự do phát triển bất cứ chuẩn di động nào mà họ thích. Các nhà mạng Verizon và Sprint của Mỹ chọn cung cấp các dịch vụ sử dụng chuẩn di động CDMA, được phát triển bởi công ty Qualcomm (Mỹ) – hoạt động trên các tần số khác với chuẩn GSM mà các công ty Mỹ khác là AT&T và T-Mobile sử dụng.

Do vậy, các khách hàng thuê bao mạng của Verizon sẽ phải thay điện thoại cầm tay nếu họ muốn thay nhà cung cấp, vì các thiết bị dành cho mạng CDMA sẽ không thể chạy trên mạng GSM.

Lý do Mỹ không có những người khổng lồ 5G như Huawei - Ảnh 2.

Các nhà mạng tại Mỹ được tuỳ ý lựa chọn chuẩn di động mà mình thích, và chủ yếu sử dụng những chuẩn mà châu Âu và châu Á không dùng.

Tại Mỹ có nhiều chuẩn mạng không dây như TDMA, CDMA và GSM, nhà mạng nào cũng có thể lựa chọn bất cứ chuẩn nào trong số này nếu họ nghĩ nó là tốt nhất cho kế hoạch phát triển của mình. "Nước Mỹ giống như Miền Tây hoang dã vậy”, ông Thomas J. Lauria, cựu nhân viên AT&T, một nhà phân tích về viễn thông, tác giả cuốn “The Fall of Telecom” (Sự sụp đổ của viễn thông) nhận xét. “Châu Âu thì khác, họ không có nhiều chuẩn di động riêng rẽ và đã chọn chuẩn GSM mà mọi người đều phải theo”, ông Lauria cho biết.

Việc tồn tại nhiều chuẩn di động trên một thị trường còn được khuyến khích bởi việc bãi bỏ các quy định với ngành công nghiệp viễn thông Mỹ theo Đạo luật Viễn thông năm 1996, theo đó Mỹ mở cửa thị trường, bãi bỏ sự độc quyền của AT&T trong các dịch vụ điện thoại và cho phép các nhà mạng nhỏ hơn tham gia.

Sự gia nhập của nhiều nhà cung cấp dịch vụ điện thoại, tất cả đều được tự do lựa chọn các chuẩn điện thoại di động khác nhau, ban đầu được cho là mang lại lợi ích cho người dùng và ngành công nghiệp nói chung. Do phát triển mạnh, AT&T đã phải tách nhánh thiết bị của họ trở thành công ty Lucent Technologies, sau đó niêm yết trên Sàn chứng khoán New York và thu được 3 tỉ USD khi IPO, lớn nhất trong lịch sử Mỹ cho đến thời điểm đó.

Lợi nhuận của Lucent tăng rất nhanh nhờ hoạt động cung cấp cho những “người chơi” mới các thiết bị mạng hoạt động trên các chuẩn di động khác nhau, gồm CDMA, TDMA, GSM và AMPS. Nhưng nhiều chuẩn cũng có nghĩa rất khó để đạt được quy mô kinh tế lớn, vì thế Lucent cuối cùng đã “đặt cược” vào CDMA và UMTS – hai chuẩn đều không được sử dụng ở châu Âu và hầu hết châu Á. Điều này đã bó hẹp cơ hội mở rộng của hãng ra các thị trường quốc tế.

“Các ‘nhà bán hàng’ Mỹ khi đó không tin rằng GSM sẽ trở thành một chuẩn toàn cầu”, ông Bengt Nordstrom, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Northstream (ở Stockholm, Thụy Điển) nhận xét.

Lý do Mỹ không có những người khổng lồ 5G như Huawei - Ảnh 3.

Nokia đã mua lại công ty thiết bị viễn thông Alcatel-Lucent, xoá sổ cái tên Lucent một thời đình đám tại Mỹ. Ảnh: Reuters

Sau cuộc “tháo khoán” năm 1996 là thời kỳ phát triển bùng nổ của công nghiệp viễn thông Mỹ, nhưng từ năm 2001, ngành này bắt đầu sụt giảm. Với các nhà cung cấp thiết bị như Lucent và Motorola, vốn cung cấp cả tài chính cho một số khách hàng mua thiết bị, thì cuộc suy thoái diễn ra nặng nề hơn. Một số nhà mạng đã không thể trả nợ đúng hạn, dẫn đến mất cân bằng thanh toán với cả nhà cung cấp thiết bị lẫn nhà mạng di động. Một trong những ví dụ điển hình là Lucent đã phải xóa nợ xấu 700 triệu USD sau khi cung cấp các thiết bị trị giá 2 tỉ USD cho WinStar Wireless, nhưng công ty này phá sản vào năm 2001.

Lucent còn thiệt hại bởi một loạt các thương vụ sáp nhập, mua sắm, cuối cùng công ty Mỹ đã sáp nhập với tập đoàn Alcatel của Pháp để trở thành Alcatel-Lucent vào năm 2006. Một thập kỷ sau, Nokia đã mua Alcatel-Lucent và sáp nhập vào Nokia Networks. Cái tên Lucent lừng lẫy một thời giờ đã biến mất.

Giống như Lucent, Motorola cũng từng là một “đại gia” sản xuất thiết bị mạng của Mỹ, nhưng cuối cùng mảng hạ tầng mạng không dây của hãng đã bị Nokia mua.

Sự sa sút của ngành công nghiệp viễn thông Mỹ xảy ra đúng thời điểm Huawei “khởi nghiệp” tại Thâm Quyến, với việc cung cấp các thiết bị mạng với giá rẻ hơn cho khách hàng tại các quốc gia đang phát triển nhằm vươn ra ngoài Trung Quốc.

Bằng cách tập trung vào dịch vụ khách hàng và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, Huawei ngày nay đã trở thành một trong những nhà cung cấp thiết bị 5G quan trọng của thế giới.

Lý do Mỹ không có những người khổng lồ 5G như Huawei - Ảnh 4.

Trước sự chững lại của ngành viễn thông Mỹ, Huawei đã nhanh chóng mở rộng tại châu Âu. Ảnh: Chinadaily

Trên thực tế, Mỹ vẫn có một công ty viễn thông lớn là Cisco Systems, với doanh số 49,3 tỉ USD trong năm 2018, so với 100 tỉ USD của Huawei (vốn bao gồm cả doanh thu của mảng điện thoại di động). Tuy nhiên, hầu hết doanh thu của Cisco là từ hoạt động cung cấp nền tảng hạ tầng cho khách hàng doanh nghiệp, trong khi Huawei, Nokia và Ericsson cung cấp thiết bị cho các hệ thống viễn thông cốt lõi.

Nói về sự thoái trào của ngành công nghiệp viễn thông Mỹ, nhà phân tích viễn thông Lauria nuối tiếc: “Tôi nhìn lại với nỗi buồn, chúng ta đã từng có những nhà sản xuất vĩ đại, còn giờ tôi thậm chí không thể tìm thấy tên họ trên bản đồ”.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại