Lý do không có con đường nào dẫn đến tương lai xe điện mà không đi qua Trung Quốc

Vũ Anh |

“Nếu không có xe điện giá cả phải chăng để cạnh tranh với Trung Quốc, đó là lỗi của bạn".

Lý do không có con đường nào dẫn đến tương lai xe điện mà không đi qua Trung Quốc - Ảnh 1.

Buổi sáng hôm ấy, con tàu chở hàng khổng lồ Drive Green Highway nhộn nhịp tiễn từng đoàn xe lên dốc để hòa cùng hàng chục nghìn chiếc ô tô khác đang đậu trên bến cảng. Cùng lúc đó, rất nhiều các phương tiện khác cũng chậm rãi lăn bánh, vào đường băng và tiến thẳng vào tàu bay mang cờ Panama.

Đây là cảng Zeebrugge, trên bờ biển Flanders, Bỉ. Mới 8 giờ sáng, trung tâm ô tô nhộn nhịp nhất thế giới này đã tấp nập người xe. Hơn 3 triệu chiếc ô tô đã lăn bánh qua đây vào năm ngoái, trong đó, phần lớn là xe điện Trung Quốc.

Điều này khiến giới chức Brussels quan ngại. Họ quyết định mở một cuộc điều tra đối với hoạt động trợ cấp xe điện của đại lục sau khi tìm thấy nhiều bằng chứng về việc ‘bẻ cong’ thị trường. Động thái được đưa ra theo lệnh từ người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen - người hồi tháng trước phản đối kịch liệt ‘cơn lũ xe điện Trung Quốc’ vì cho rằng chúng “làm biến dạng thị trường”.

“Chúng ta phải lấp đầy khoảng cách về chi phí với một số tay chơi Trung Quốc đã khởi động làm xe điện từ rất sớm”, giám đốc điều hành Renault Luca de Meo nói với Reuters tại IAA Mobility.

Dữ liệu từ hải quan Trung Quốc cho thấy, xuất khẩu xe điện sang EU đã chạm mốc 9,2 tỷ USD, tăng 86% trong 8 tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó. Kể từ cùng kỳ năm 2018, xuất khẩu đã tăng trưởng đáng kinh ngạc 123.219%, trong đó, Bỉ là một trong số những điểm đến yêu thích số 1.

Năm nay, 19% tổng lượng xe điện xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã được tới Bỉ. Hầu hết đều cập bến Zeebrugge trước khi tỏa đi khắp các thị trường châu Âu.

“Số lượng xe đang tăng lên đáng kể. Hiện tại, cảng nhập khẩu lớn nhất của chúng tôi là Thượng Hải”, Marc Adriansens, giám đốc điều hành của International Car Operators (ICO) nói. “Năm ngoái, hơn 200.000 ô tô đã được nhập khẩu từ Thượng Hải. Con số này chiếm khoảng 10% tổng lượng ô tô của chúng tôi. 20% tổng lượng ô tô nhập khẩu hiện đến từ Trung Quốc”.

Marc Adriansens phụ trách giám sát hoạt động nhập xe từ bến cảng. Ông cho biết tình trạng thiếu hụt xe tải – tàn dư của đại dịch – đang ngày càng trầm trọng hơn.

“Rất nhiều xe Tesla, nhưng dù gì thì nó cũng được sản xuất tại Trung Quốc. Tôi nghĩ một nửa số xe này thuộc hãng Tesla”, Adriansens nói và ước tính cứ 10 xe thì có 1 xe đến từ các thương hiệu đại lục, chẳng hạn như MG hay Geely.

Thực tế, tất cả các dòng xe điện sản xuất tại Trung Quốc hay châu Âu đều sẽ bị giám sát chặt chẽ. Phía quan chức EU thừa nhận muốn bảo vệ thị trường việc làm trong khối, đồng thời tạo sân chơi bình đẳng cho những hãng xe không nhận được sự giúp đỡ từ Trung Quốc đại lục.

“Chúng tôi không thể cạnh tranh với Trung Quốc về trợ cấp, ngay cả khi chúng tôi muốn”, một quan chức nói.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu, hiện tại, các thương hiệu xe điện Trung Quốc chỉ chiếm 3,7% thị trường EU song tỷ lệ trên lại đang tăng rất nhanh. “Đó giống như một con sóng đến từ tương lai”, Pepijn de Vreese, quản lý cảng nói. “Xét tới thị trường ngày nay, họ có nhiều sản phẩm tốt với mức giá cạnh tranh”.

Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, mức thuế 27,5% đồng nghĩa với việc xe điện của Trung Quốc thực sự bị loại khỏi thị trường Mỹ. Theo Most Favoured Nation, thuế quan của Ấn Độ đối với ô tô có giá dưới 40.000 USD lên tới 70%, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả xe điện của Trung Quốc đều bị đánh thuế 50%.

Như vậy, mức thuế bổ sung 10% từ cuộc điều tra của EU có thể nâng tổng mức thuế lên 20% và khiến các nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn trong việc đạt được chỗ đứng trên thị trường.

“Châu Âu là thị trường mở cuối cùng”, Brad Setser, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. “Khối đang cố gắng tìm cách cân bằng các cam kết của mình với nguyên tắc WTO và thực tế, họ đang tự đặt mình vào thế bất lợi”.

Trở lại với cảng Zeebrugge, nơi Leander Desmedt điều hành Trung tâm Ô tô được gần 30 năm. Người đàn ông này từng phục vụ độc quyền cho đội xe Ford, phụ trách xử lý các vết lõm phát sinh trong quá trình vận chuyển và đảm bảo phòng trưng bày luôn được sáng bóng.

Những năm gần đây, Leander Desmedt cho biết ngày càng các nhiều thương hiệu Trung Quốc thâm nhập thị trường. Sân sau la liệt các dòng xe của BYD - đối thủ đến từ đại lục của Tesla.

“Họ chỉ muốn chinh phục thị trường”, ông nói khi bình luận về nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà sản xuất Trung Quốc. “Năm nay nhập khẩu 20.000 ô tô thì năm tới có thể là 200.000 chiếc”.

Được biết trong 7 tháng đầu năm 2023, 189.000 ô tô Trung Quốc đã được bán ở châu Âu, tương đương 2,8% tổng doanh số. Ngân hàng UBS ước tính thị phần ô tô tại châu Âu của Trung Quốc có thể đạt 20% vào năm 2030. Tất cả sẽ được điện khí hóa.

Đây chính là kết quả từ mong muốn chính phủ, rằng Trung Quốc có thể tạo ra một lực lượng toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Doanh số bán xe điện trong nước chậm lại đã khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng thị phần ra nước ngoài.

Theo SCMP, BYD đã bắt đầu chuyển đội xe của mình đến Rotterdam. Các thương hiệu khác cũng đang nhờ cậy container để phục vụ hoạt động xuất khẩu.

“Nếu bạn không có xe điện giá cả phải chăng để cạnh tranh với Trung Quốc, thì đó là lỗi của bạn. Không có con đường nào dẫn đến tương lai xe điện mà không đi qua Trung Quốc… Đó là điều thế giới phải nhận thức được”, Desmedt nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại