Lý do khiến Điều 5 có thể không giúp được Ukraine nếu Kiev gia nhập NATO

Thu Hằng |

Kiev vẫn nỗ lực gia nhập NATO nhưng tư cách thành viên trong liên minh này sẽ không đảm bảo cho họ được hỗ trợ nhiều hơn hiện nay, ngay cả khi Điều 5 được viện dẫn đầy hứa hẹn.

Lý do khiến Điều 5 có thể không giúp được Ukraine nếu Kiev gia nhập NATO- Ảnh 1.

Binh sĩ Ba Lan trong cuộc tập trận chung với NATO gần kênh Vistula Spit, miền bắc Ba Lan vào 17/4/2023. Ảnh: Sputnik

Khi các thành viên NATO chuẩn bị kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh tại Washington D.C vào tháng tới, Mỹ và các đồng minh chủ chốt bao gồm Anh và Đức đang tranh luận về mức độ cam kết mạnh mẽ dành cho nỗ lực tham gia NATO của Ukraine. Theo tờ Telegraph (Anh), đầu tuần trước, Washington và Berlin đã từ chối kế hoạch của châu Âu nhằm cung cấp cho Ukraine một con đường "không thể đảo ngược" để gia nhập NATO, mà thay vào đó đưa ra một "cam kết nhẹ nhàng hơn" và không có mốc thời gian cụ thể.

Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây chấp nhận họ gia nhập NATO. Tuy nhiên, ngay cả khi Ukraine được thừa nhận, nước này sẽ không được đảm bảo rằng NATO sẽ triển khai lực lượng trên thực địa hoặc hỗ trợ nhiều hơn những gì nước Kiev đã nhận được từ khối.

Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định gì?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự hình thành trong vai trò một thành lũy trước sự lớn mạnh của Liên Xô trong thời kỳ đầu sau Thế chiến II, song vẫn được duy trì và hoạt động khá tích cực trong nhiều thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ . Một trong những nguyên tắc sáng lập của NATO là phòng thủ tập thể, thể hiện trong điều khoản số 5 của Hiệp ước Washington 1949 (còn gọi là Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Điều khoản này quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh” và tất cả các thành viên sẽ hỗ trợ (những) nạn nhân của một cuộc tấn công như vậy “ngay lập tức”. Nhưng Điều 5 đòi hỏi những gì từ các đồng minh NATO, và liệu họ có phải tuân thủ nó nếu cần hay không?

Câu trả lời là, các thành viên NATO không nhất định phải tuân thủ Điều 5 - theo các học giả, chuyên gia pháp lý và nhà lập pháp Mỹ.

Điều 5 viết: “Các bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên trong số họ... sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các bên và do đó họ đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi bên sẽ thực hiện quyền quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể được công nhận bởi Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ bên hoặc các bên bị tấn công bằng cách thực hiện hành động đó nếu thấy cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương."

Nhưng Điều 5 cũng giải thích thêm rằng “các điều khoản của Hiệp ước sẽ được các bên thực hiện phù hợp với quy trình hiến pháp tương ứng của họ”.

Lý do khiến Điều 5 có thể không giúp được Ukraine nếu Kiev gia nhập NATO- Ảnh 2.

Sĩ quan Mỹ tham gia cuộc tập trận quân sự do NATO tổ chức có tên Rapid Trident 2021. Ảnh: Sputnik

Ngôn ngữ của hiệp ước ký năm 1949 có nghĩa là tùy thuộc vào các quốc gia thành viên NATO và cơ quan lập pháp tương ứng của họ để xác định xem liệu có và làm thế nào để giải cứu các đồng minh của họ hay không.

Dan Reiter, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emory và Brian Greenhill, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Albany, thuộc Đại học Bang New York đã viết cho tờ The Conversation vào đầu tuần trước rằng: “Mỹ và các nước phương Tây khác có thể đứng ngoài cuộc xung đột liên quan đến một quốc gia NATO mà không phá vỡ các cam kết liên minh của họ”. “Ngôn ngữ của hiệp ước NATO có những kẽ hở khiến các nước thành viên không tham gia vào cuộc chiến của các thành viên khác trong một số tình huống nhất định."

Các nhà khoa học chính trị thu hút sự chú ý đến thực tế là trong khi hiệp ước hình dung khả năng sử dụng lực lượng quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ bên ngoài thì nó lại "không bao gồm một định nghĩa rõ ràng về 'cuộc tấn công vũ trang' thực sự là gì”.

Các học giả lưu ý rằng trước đây điều đó cho phép NATO lập luận rằng một hành động bạo lực chống lại một thành viên không nhất thiết “đủ” để định nghĩa đó là một “cuộc tấn công vũ trang”.

Theo hai ông Reiter và Greenhill, các thành viên NATO “chỉ chính thức viện dẫn Điều 5 một lần” sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc, hỗ trợ Washington tuần tra bầu trời của nước này từ giữa tháng 10/2001 đến giữa tháng 5/2002.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã chọn không gửi quân tới Afghanistan khi Mỹ tuyên chiến với Taliban*. Các học giả chỉ ra rằng các quốc gia NATO không tham gia "cuộc chiến chống khủng bố" của Washington cũng không bị coi là vi phạm hiệp ước của liên minh cũng như không bị trừng phạt hay bị loại khỏi liên minh.

Ngoài ra, theo các học giả Mỹ, các thành viên NATO cũng đã sử dụng vấn đề địa lý để tránh xa khỏi các cuộc xung đột với các đồng minh của họ. Chẳng hạn, khi Anh và Argentina gây chiến ở khu vực quần đảo Falkland vào năm 1982, Mỹ và các quốc gia NATO khác đã đề cập đến thực tế là hiệp ước NATO quy định việc khôi phục và duy trì an ninh ở “khu vực Bắc Đại Tây Dương”, trong khi Quần đảo Falkland nằm ở Nam Đại Tây Dương.

Lý do khiến Điều 5 có thể không giúp được Ukraine nếu Kiev gia nhập NATO- Ảnh 3.

Quân nhân Nga với hệ thống tên lửa đối không vác vai 9K38 Igla. Ảnh: Sputnik

Điều 5 NATO không lấn át quyền lực chiến tranh của Quốc hội

Tháng 6 năm ngoái, Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul đã đề cập đến vấn đề quy định phòng thủ chung trong Điều 5 để nhấn mạnh rằng, việc “một cuộc tấn công vào một thành viên là tấn công vào tất cả” sẽ không tự động gây ra phản ứng của quân đội Mỹ.

Ông Paul nói: “Hiến pháp trao cho Quốc hội thẩm quyền duy nhất để xác định địa điểm và thời điểm chúng ta gửi con trai, con gái của mình đi chiến đấu. Chúng ta không thể giao trách nhiệm đó cho tổng thống, tòa án, một cơ quan quốc tế hoặc các đồng minh của ta”.

Thượng nghị sĩ Rand Paul lên án những người mà ông cho là đã lừa dối công chúng về những cam kết của Mỹ theo Điều 5.

Vào ngày 6/12/2023, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ bật đèn xanh cho gói viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Với tư cách là thành viên NATO, chúng tôi đã cam kết rằng chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO”

Moskva đã kiên quyết bác bỏ ý tưởng cho rằng việc tấn công bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào là điều vô lý. Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản như vậy xảy ra, việc Mỹ có ra quân để bảo vệ đồng minh hay không sẽ tùy thuộc vào các nhà lập pháp Mỹ chứ không phải Tổng thống Biden.

Trung tâm Tư pháp Brennan (BCJ), một viện luật và chính sách công phi lợi nhuận tại Trường Đại học New York, giải thích: “Bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Nga và NATO chắc chắn sẽ có tính chất, phạm vi và thời gian đáng kể - và do đó sẽ cần có sự cho phép của Quốc hội Mỹ”.

BCJ làm rõ rằng theo Nghị quyết về Quyền lực Chiến tranh năm 1973, việc Quốc hội Mỹ cho phép sử dụng vũ lực "sẽ không được suy ra... từ bất kỳ hiệp ước nào trước đây hoặc sau này đã được phê chuẩn”. Họ lưu ý đến thực tế là Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội cho cuộc Chiến tranh Afghanistan và Chiến tranh Iraq phù hợp với quy định của nghị quyết trên.

Ukraine liệu có thể nhận thêm viện trợ khi gia nhập NATO?

BCJ nhấn mạnh rằng nếu Điều 5 được viện dẫn thì bất kỳ quốc gia thành viên NATO nào "có thể quyết định rằng thay vì đáp trả bằng vũ lực, họ sẽ gửi thiết bị quân sự cho các đồng minh NATO hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt" đối với đối thủ của họ.

Trên thực tế, hình thức hỗ trợ này dành cho Ukraine đã được tiến hành: các nước NATO đang gửi thiết bị quân sự cho chính quyền Kiev và sử dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Nga và các đồng minh của nước này.

Thật khó để tưởng tượng Kiev có thể hy vọng nhận được gì hơn nữa từ các đồng minh phương Tây khi gia nhập NATO. Lời kêu gọi hồi tháng 2 của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc không loại trừ khả năng triển khai quân của NATO đến Ukraine đã nhận được rất ít sự nhiệt tình từ các quốc gia thành viên của liên minh.

"Vì vậy, khi tranh luận về chính sách của Mỹ đối với các đối tác liên minh - và liệu nước này có nên kết nạp các thành viên mới như Ukraine hay không - điều quan trọng là cả hai bên phải đánh giá cao rằng các cam kết liên minh không hoàn toàn mang tính ràng buộc, về mặt pháp lý hoặc chính trị, như hiểu biết thông thường”, Giáo sư Reiter và Phó giáo sư Greenhill kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại