Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Hệ thống phòng không lai ghép giữa Liên Xô và Mỹ FrankenSAM được kỳ vọng là “vũ khí thay đổi cuộc chơi”, nhưng một số chuyên gia quân sự cho rằng, nó không thể lấp đầy lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine.

Giải mã ý định của Mỹ

Bộ Quốc phòng Mỹ đang đặt mục tiêu cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không FrankenSAM (hệ thống phòng không lai ghép) kết hợp giữa tên lửa đất đối không cỡ nòng tiêu chuẩn của phương Tây với các bệ phóng và radar thời Liên Xô có trong kho dự trữ của Ukraine. Sau tuyên bố này, giới phân tích đã nỗ lực suy đoán ý định của Washington.

Lý do FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không nguy hiểm của Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk. Ảnh: Army Recognition.

Các phương tiện truyền thông của Mỹ cho biết, hệ thống FrankenSAM có thể sớm được chuyển giao cho chính phủ Ukraine. Theo thông báo của bà Laura K. Cooper, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng M về chính sách Nga, Ukraine và Á-Âu, FrankenSAM sẽ lấp đầy những lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống phòng không của Ukraine và “đây là thách thức quan trọng nhất mà Ukraine phải đối mặt”.

Các phương tiện truyền thông phương Tây cho biết, sẽ có hai phiên bản vũ khí lai ghép của Lầu Năm Góc: một phiên bản là sự kết hợp giữa bệ phóng Buk của Liên Xô và tên lửa Sea Sparrow của Mỹ, phiên bản còn lại sử dụng radar thời Liên Xô và tên lửa Sidewinder của Mỹ.

Hai phiên bản này đã được thử nghiệm tại các căn cứ quân sự của Mỹ và có thể chuyển giao cho Ukraine sớm nhất là vào mùa thu năm nay.

Phát biểu với Sputnik, ông Andrey Koshkin, học giả Nga chuyên về lĩnh vực phòng không cho rằng: “Đây có thể là tín hiệu cho thấy Mỹ không còn khả năng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Sau khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Washington buộc phải chuyển đạn dược từ Ukraine sang Israel. Vì thế, Mỹ có thể muốn trấn an Kiev khi nói rằng chúng ta hãy thử chế tạo FrankenSAM”. Tuy vậy, chuyên gia này đã tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các hệ thống phòng không lai ghép của Lầu Năm Góc.

“Mỹ, Thụy Điển, Na Uy đã viện trợ cho Ukraine nhiều tổ hợp phòng không tiên tiến. Nhưng không có bất cứ tổ hợp nào trong số này có thể lấp đầy khoảng trống phòng không của Ukraine. Vẫn chưa rõ Washington và Kiev có thể chế tạo bao nhiêu hệ thống FrankenSAM và trong trường hợp thành công, vẫn còn phải xem xét liệu loại vũ khí lai ghép này có khả năng thay đổi tỷ lệ thành công trên thực địa hay không”.

2 phiên bản lai ghép của FrankenSAM

Phiên bản thứ nhất là sự kết hợp giữa bệ phóng Buk của Liên Xô và tên lửa Sea Sparrow của Mỹ. Một số phương tiện truyền thông dẫn lời nghị sỹ Ukraine Oleksandra Ustinova cho biết, Ukraine đã tiếp nhận tổ hợp phòng không Buk (SAM) được nâng cấp và sửa đổi trong thời gian gần đây. Hệ thống này đã được điều chỉnh để phóng tên lửa IM-7 Sea Sparrow, về cơ bản là tên lửa hạm đối không của AIM-7.

Một quan chức Ukraine cho biết, các chuyên gia Mỹ phải mất một tháng để sửa đổi 5 tổ hợp Buk và đang trong quá trình xử lý 17 chiếc khác.

Theo ông Ustimova, lô đầu tiên gồm 22 bệ phóng 9A310 của các tổ hợp Buk sẽ có khả năng sử dụng tên lửa RIM-7 để bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái mang chất nổ của Nga.

Sau quá trình đại tu, hệ thống Buk sẽ phóng tên lửa RIM-7 thay vì tên lửa 9M38 tiêu chuẩn. Tên lửa RIM-7 có tầm bắn 20km, trần bay 15km. Trong khi đó, tên lửa 9M38 có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 30 km nhưng có trọng lượng nặng gấp 3 lần.

Theo giới phân tích, việc điều chỉnh tổ hợp Buk để tương thích với RIM-7 Sea Sparrow không quá khó vì cả tên lửa RIM-7 và 9М38 đều sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng radar bán chủ động.

Phiên bản thứ hai là kết hợp radar thời Liên Xô và tên lửa Sidewinder của Mỹ. Các chuyên gia quân sự cho rằng, sự kết hợp này khá đơn giản vì tên lửa AIM-9M là tên lửa tầm nhiệt dẫn đường bằng hồng ngoại. Tất cả những gì người vận hành hệ thống cần phải làm là hiển thị mục tiêu, lập trình đường bay, để tên lửa khóa mục tiêu và nhấn nút phóng.

Khung gầm của bệ phóng AIM-9M hầu như không phải sửa đổi do kích thước của tên lửa khá vừa phải. Tên lửa AIM-9M có trọng lượng khoảng 85kg, dài 3m, đường kính 127mm.

FrankenSAM không thể vá lỗ hổng phòng không của Ukraine

Nhà phân tích Andrey Koshkin cho rằng, vấn đề chính nằm ở chỗ cả hai phiên bản này không thể hoạt động với công suất tối đa như các hệ thống nguyên bản của Mỹ và Liên Xô. Theo ông Koshkin, thiết bị quân sự phải đáp ứng các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật phù hợp với thiết kế của nó. Tuy nhiên, một khi “lai ghép” các hệ thống vũ khí thì vấn đề này rất khó giải quyết. “Vì sao vậy? Vì đây là sự kết hợp sơ khai giữa vũ khí Mỹ và vũ khí Liên Xô”, ông Andrey Koshkin lưu ý.

Nhưng điều này chưa phải tất cả. Vấn để quan trọng nhất là đồng bộ hóa các bộ phận khác nhau của hệ thống FrankenSAM. Theo chuyên gia Andrey Koshkin, rất khó để đồng bộ hóa các thiết bị quân sự và nhiều khi chúng có thể gặp trục trặc vì một lý do nào đó.

“Hơn nữa, hệ thống phòng không phải phát hiện được các mục tiêu. Các bên cần phải xác trạm radar được sử dụng là của Liên Xô hay của Mỹ, hay 50-50. Khi tín hiệu truyền đến các bệ phóng tên lửa phòng không thì ai sẽ tiếp nhận tín hiệu này: chuyên gia được đào tạo để sử dụng thiết bị của Liên Xô hay chuyên gia về thiết bị Mỹ. Ngoài ra, Mỹ và Ukraine cũng cần phải đào tạo nhân sự chuyên vận hành hệ thống vũ khí lai ghép Liên Xô-Mỹ. Quá trình này sẽ mất nhiều thời gian. Tóm lại, bất cứ khâu nào cũng sẽ nảy sinh một loạt vấn đề”, ông Andrey Koshkin nói.

Trong 20 tháng qua, Mỹ và các đồng minh NATO đã cung cấp một loạt hệ thống phòng không khác nhau cho Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự giải thích với Sputnik rằng, hầu hết các hệ thống phòng không cấp NATO cung cấp cho chính quyền Kiev ngay từ đầu đều nhằm mục đích che chắn vũ khí của phương Tây, trong khi cơ sở hạ tầng quân sự và nhân sự của Ukraine ở tiền tuyến vẫn chịu rủi ro trước các cuộc tấn công của Nga.

Theo nhà phân tích Koshkin, FrankenSAM khó có khả năng cải thiện khả năng phòng không của Ukraine, ngoại trừ việc tạo cơ hội đưa “những vũ khí bám bụi trong các kho dự trữ của NATO” quay trở lại chiến trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại