Lý do dừng hoạt động 3 ban chỉ đạo vùng

NGHĨA NHÂN |

Hội nghị Trung ương 6 đã đồng ý chủ trương kết thúc hoạt động của ba ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Liên quan đến nội dung tinh gọn bộ máy, Hội nghị Trung ương 6 vừa bế mạc hôm 11-10 đã thống nhất chủ trương: Tập trung ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao, ví dụ như kết thúc hoạt động của các ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải có quyết định như vậy?

Cánh tay nối dài của Trung ương

Trở lại thời điểm ra đời, BCĐ Tây Nguyên được Bộ Chính trị quyết định thành lập sớm nhất - năm 2002, sau đó là BCĐ Tây Bắc và BCĐ Tây Nam bộ - cùng ra đời năm 2004.

Lúc ấy, cả ba địa bàn đều có đặc thù là gồm các tỉnh nghèo, ở vùng sâu, khó khăn, dân số phần đông là đồng bào dân tộc.

Không chỉ khó khăn về kinh tế-xã hội, về hạ tầng, giao thông, khả năng gắn kết với các trung tâm kinh tế lớn Bắc, Trung, Nam, các tỉnh ở ba khu vực này còn đối mặt những thách thức về an ninh, quốc phòng mà nổi lên là các vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Những căng thẳng ở Tây Nguyên dẫn tới vụ gây rối quy mô lớn năm 2004, hay ở một số tỉnh Tây Bắc dẫn tới sự kiện tụ tập đông người ở Mường Nhé năm 2011… là biểu hiện rõ nét.

Đây là một trong những căn cứ để đi đến mô hình ba BCĐ với hy vọng như cánh tay nối dài của Trung ương để thúc đẩy triển khai các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, công tác dân tộc, tôn giáo và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn.

Những hạn chế, vướng mắc

Tuy nhiên, các khảo sát, đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương khi chủ trì đề án đổi mới tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị để trình Hội nghị Trung ương 6 đã cho thấy nhiều hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của mô hình này.

Ba BCĐ hiện hoạt động trên cơ sở Quy định 96 của Bộ Chính trị ban hành năm 2012 với nhiệm vụ chủ yếu trong sáu chữ “chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc” với đối tượng là tất cả bộ, ngành, địa phương liên quan đến gần như tất cả lĩnh vực hoạt động của các tỉnh trong khu vực ba “Tây”.

Tuy nhiên, lại không có cụ thể hóa về giới hạn, phạm vi hay phân cấp rõ ràng nào trong thẩm quyền sáu chữ này, dẫn tới trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của chính các cơ quan lãnh đạo và các bộ, ban, ngành ở Trung ương.

Về tổ chức bộ máy, các cơ quan BCĐ thường được tổ chức gồm năm vụ chức năng, bao quát các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh-quốc phòng, dân tộc-tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị.

Mỗi vụ chỉ có khoảng ba người nhưng không hẳn là có chuyên môn sâu, do đó để tham mưu cho việc “chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc” lại 13-14 tỉnh ở mỗi BCĐ thì khó mà làm tốt cho được.

Thành phần BCĐ thực ra còn được cơ cấu các thành viên kiêm nhiệm là thứ trưởng một số bộ, ngành. Nhưng những người này có xu hướng tập trung cho công việc chính của mình hơn là công việc kiêm nhiệm.

Chưa kể, họ vừa vai BCĐ vừa vai chính ở cơ quan chịu sự chỉ đạo thì rất khó rành mạch trách nhiệm của chính mình.

• BCĐ Tây Bắc hoạt động trên địa bàn các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và các huyện phía tây của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

• BCĐ Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và các huyện miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Phước.

• BCĐ Tây Nam bộ gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

(Theo Quy định 96/2012 của Bộ Chính trị)

Không còn nhiều ý nghĩa

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một thành viên tham gia tổ biên tập đề án “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cho rằng các vướng mắc quanh Quy định 96 nêu trên chỉ là mặt thể chế của câu chuyện.

“Thực tế là nhu cầu hình thành các BCĐ ba “Tây” xuất phát chủ yếu từ những yếu tố bất ổn an ninh, quốc phòng ba địa bàn chiến lược này.

Thời điểm ấy vấn đề tôn giáo, dân tộc ở ba vùng trở nên phức tạp, vượt ra ngoài khả năng giải quyết của chính các tỉnh đó. Vậy nên mới phải lập BCĐ làm đầu mối chỉ đạo giải quyết” - nguồn tin này bình luận.

Phần tiếp theo là chính các tỉnh thuộc ba vùng đang rất khó khăn nên Trung ương trao luôn cho các BCĐ nhiệm vụ tham mưu chính sách liên kết vùng, cũng như chính sách đặc thù.

“Nhưng lực lượng chuyên môn của ba BCĐ vừa mỏng vừa yếu nên khó tham mưu tốt được. Mà các tỉnh thì vẫn có thể với lên Trung ương kiến nghị, các bô,̣ ngành xuống được tận nơi để đánh giá.

Vậy nên tổ chức trung gian như ba ban ba “Tây” không còn nhiều ý nghĩa nữa. Chưa kể, liên kết vùng hay chính sách đặc thù thì cũng cần nguồn lực lớn từ Trung ương, mà nay ngân sách eo hẹp thì lực bất tòng tâm” - nguồn tin cho biết.

"Rất đói thông tin"

Trong hoạt động thực tế, theo ông Lê Văn Lân, Phó Trưởng BCĐ Tây Bắc, các BCĐ thường không tiếp cận được đầy đủ thông tin từ các địa phương trong khu vực mình chịu trách nhiệm.

"Theo Quy định 96 thì báo cáo của các bộ, ban, ngành trung ương có liên quan đến các tỉnh, thành thuộc BCĐ ba "Tây" khi gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng thì cũng phải gửi cho các BCĐ. Nhưng thực tế chúng tôi rất ít khi nhận được.

Ngay các báo cáo mà địa phương gửi trung ương thì ban cũng không nắm được hết. Các báo cáo mang tính đột xuất, gắn vụ việc cụ thể càng không có. Vậy nên chúng tôi rất đói thông tin" - ông chia sẻ.

Đã hoàn thành sứ mệnh

Trả lời trên báo Tuổi Trẻ ngày 16-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Tây Bắc Hầu A Lềnh cho biết trước năm 2000, cả ba vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ rất khó khăn từ kinh tế đến an ninh chính trị...

Vậy nên sự có mặt của các BCĐ đã giúp Bộ Chính trị kiểm tra, nắm tình hình và quan trọng nhất là tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách.

Cũng theo ông Hầu A Lềnh, BCĐ chỉ là cấp trung gian, có sứ mệnh trong một giai đoạn nhất định với từng nhiệm vụ cụ thể.

"Hiện các cấp từ trung ương đến địa phương đã đảm nhận, phối hợp và triển khai những công việc thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vậy, tôi thấy việc "giải tán" các BCĐ lúc này là hợp lý" - ông Hầu A Lềnh nói, theo Tuổi Trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại