Ông Choi, 75 tuổi, sống cùng vợ và cậu con trai ngoài 40 tuổi trong một căn nhà hai tầng tại tỉnh Gwangju (Hàn Quốc). Đáng nói là hơn 15 năm qua, căn nhà này luôn trong tình trạng ngập chìm trong rác, từ cửa nhà, lối đi, các phòng đều chất đầy rác mà ông Choi nhặt về. Nếu muốn ra vào phải leo lên "núi rác", chui qua cửa ra vào tầng 1, cửa cũng chỉ đủ một người đi lọt.
Đống rác bốc mùi hôi thối đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh. "Cũng có khuyên nhủ nhiều lần nhưng ông ấy vẫn không chịu thay đổi. Ông ta bảo đó là niềm vui duy nhất, nên không ai ngăn cản nữa", một người hàng xóm cho hay.
"Núi rác" khổng lồ tại nhà ông Choi. Ảnh: SBS
Theo tìm hiểu ông Choi hàng ngày đều đi khắp các con đường trong thành phố, thậm chí lục tung thùng rác để mang về nhà những người khác đã bỏ đi. Nhìn thấy một tấm bảng tên công ty bị vứt bỏ, người khác cho là vô dụng, nhưng với ông nó lại rất đẹp. "Bất cứ thứ gì, miễn là nó được sử dụng đúng cách đều hữu ích", ông lão tuổi ngoài 70 nhấn mạnh.
Trong nhà ông Choi hầu như không còn khoảng trống vì rác chất cao tới tận nóc, bốc mùi hôi hám và bụi bay mù mịt. Người lạ tới nhà, ngồi một lúc là không chịu nổi, cảm thấy khó thở và ho liên tục. Mái nhà dột nát, có vẻ như có thể sập xuống bất cứ lúc nào, những sợi dây điện thì lủng lẳng từ trần nhà. Lẫn trong đống rác có cả cuộn giấy vệ sinh đã mốc đen, những chiếc bát bị vỡ.
Bên trong phòng tắm cũng ngập rác. Vòi nước đã bị hỏng, gia đình họ hứng những giọt nước rỉ ra từ vòi hoặc nước mưa từ mái nhà vào những chiếc chậu. Bà Choi dùng nước này để giặt quần áo. Sau khi tắm rửa xong, bà sẽ leo lên tầng hai, bước qua núi rác lởm chởm để phơi đồ.
Tầng 2 cũng là nơi con trai của cặp vợ chồng già sinh sống. Đã hơn 1 năm nay, người đàn ông ngoài 40 tuổi với thân hình quá khổ chưa bước chân ra ngoài. Cả ngày, anh chỉ ngồi trong phòng, chưa bao giờ quan tâm tới mọi việc xung quanh, kể cả việc bố mang rác về nhà.
Gia đình 3 người ăn uống, sinh hoạt tại phòng nhỏ của người con trai hiện đã ngoài 40.
Cả nhà ba người ăn uống, sinh hoạt tại phòng nhỏ của con, các phòng còn lại đều chứa toàn rác. Dụng cụ nấu ăn duy nhất của họ là chiếc nồi cơm điện, thức ăn, canh rau đều nấu từ chiếc nồi đó. Một số đồ dùng nhà bếp khác và đồ ăn cần thiết được đặt trong phòng và có thể với tay lấy ngay khi cần. Tuy nhiên, những đồ này cũng đều được đặt trên rác.
Vì nhà có quá nhiều rác nên côn trùng có ở khắp mọi nơi. Bà Choi thường xuyên xịt thuốc diệt côn trùng nên trong nhà ngoài mùi xú uế của rác còn có mùi hăng hắc của hóa chất.
Gần đây khi 2 vợ chồng được một tổ chức từ thiện đưa đi khám sức khỏe thì mới phát hiện bà Choi bị bệnh tim do tuổi cao, ít vận động và sống trong môi trường ô nhiễm. Bác sĩ nói nếu được sống trong môi trường bình thường, có không gian để tập thể dục thì sức khỏe của bà sẽ cải thiện hơn nhiều.
Nghe bác sĩ thông báo vợ buộc phải phẫu thuật gấp ông Choi gần như ngã quỵ. Lúc này ông mới nhận ra, nếu vợ mình được sống trong môi trường trong lành hơn, bệnh tình không tiến triển xấu đến thế.
Bên cạnh đó ông Choi cũng được đưa tới gặp bác sĩ để tư vấn tâm lý. Sau khi trò chuyện, người ta mới rõ nguyên nhân đau lòng phía sau thói quen nhặt rác kỳ lạ của ông.
Anh con trai đã lớn tuổi nhưng vẫn ăn bám cha mẹ, không chịu ra ngoài tìm việc.
Ông kể con trai mình đã lớn tuổi nhưng sau khi tốt nghiệp đại học không ra ngoài kiếm việc, chỉ suốt ngày ở nhà và sống dựa vào những đồng lương hưu ít ỏi của cha mẹ. Không chỉ ông Choi, vợ ông cũng nhiều lần nhắc nhở con ra ngoài làm việc kiếm tiền nhưng lần nào anh cũng từ chối.
Vợ chồng ông có nhà nhưng không phải giàu có nên sợ sau này 2 người qua đời, con trai không biết sống ra sao. Chứng kiến thái độ lỳ lợm con trai, người đàn ông 75 tuổi thất vọng, lo lắng và bất lực, từ đó dẫn đến căng thẳng và sinh ra chứng bệnh tâm lý nghiện nhặt rác.
Để giúp cặp vợ chồng này, một chương trình truyền hình tại Hàn Quốc đã tình nguyện dọn dẹp đống rác khổng lồ tại căn nhà của ông bà. Khoảng 150 tấn rác chất cao từ dưới đất lên mái nhà đã được dọn sạch nhờ công sức của 226 tình nguyện viên và sự hỗ trợ của 1 chiếc máy xúc. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của 226 tình nguyện viên, tổng số 150 tấn rác đã được dọn sạch.
Khi dọn rác xong, bà Choi cũng hoàn thành ca mổ trong bệnh viện. Ngày vợ xuất viện, ông Choi xúc động nắm tay bà trở về căn nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ, trả lại không gian thoáng đãng. Ông bật khóc và hứa từ nay sẽ không mang rác về nhà nữa.