Tổng thống Nga Yeltsin và Bộ trưởng Ngoại giao Kozyrev (phải); Nguồn ảnh: ruposters.ru
Bị quy kết là kẻ cơ hội
Andrei Vladimirovich Kozyrev sinh năm 1951 tại Brussels khi cha của người từng đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga này là một nhân viên của Bộ Ngoại thương Liên Xô và vào thời điểm đó, đang công tác ở Bỉ. Sau khi học xong phổ thông, Andrei đã có vài tháng làm công nhân tại nhà máy chế tạo máy Kommunar, do yêu cầu thời kỳ đó, để được nhập vào một trường đại học, ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc. Xin việc ở Kommunar cũng khó như xin phép đi du lịch nước ngoài, nhưng cơ sở có thể đưa ra lời giới thiệu có giá trị cho việc đi học.
Có được nó, Kozyrev vào Trường Đại học Quốc gia Moscow về Quan hệ Quốc tế (MGIMO). Tại trường danh giá này, sau khi đọc cuốn “Bác sĩ Zhivago” vốn bị cấm ở Liên Xô, cậu sinh viên Andrei đã dần trở thành kẻ thù của hệ thống Xô viết, mà theo cậu, không chấp nhận tự do. Sau khi tốt nghiệp đại học và gia nhập đảng, với sự giúp đỡ của những người quen có ảnh hưởng, Kozyrev đã nhận được một công việc tại Bộ Ngoại giao và gần như ngay lập tức, vị công chức trẻ của Bộ Ngoại giao được cử đi nhiệm kỳ đầu tiên ở Mỹ.
Năm 1989, sự nghiệp của Kozyrev có một bước ngoặt bất ngờ sau khi tạp chí “Các vấn đề quốc tế” đăng một bài báo của ông này chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Liên Xô, đề xuất sửa đổi sâu sắc thái độ đối với các nước phương Tây, đến nỗi sau đó, bài báo đã được tờ The New York Times đăng lại.
Bất chấp những lời chỉ trích từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và một bức thư giận dữ từ nhà lãnh đạo CHDC Đức Erich Honecker, vào năm 1990, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô lúc đó là Eduard Shevardnadze đã đồng cảm với ý tưởng của người đồng nghiệp trẻ và bổ nhiệm Kozyrev làm Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế, trở thành Vụ trưởng trẻ nhất trong Bộ Ngoại giao Liên Xô.
Biệt danh “Mr Yes”
Không trông cậy Gorbachev, Kozyrev sớm quyết định rời Bộ Ngoại giao Liên Xô về Bộ Ngoại giao Nga, dưới trướng trực tiếp của Boris Yeltsin. Sau đó, Kozyrev được “Hồng y xám” của Điện Kremlin Gennady Burbulis tiến cử, và được ngồi vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao của Liên bang Nga, dưới thời Boris Yeltsin.
Tân Bộ trưởng đã công khai gọi điện cho đại diện Mỹ và các đồng minh NATO, muốn thiết lập quan hệ đặc biệt chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Mỹ Bush, Kozyrev kêu gọi Baker và Bush thực hiện ngược lại bài phát biểu Fulton của Churchill, chấm dứt Chiến tranh Lạnh và bắt tay vào một giai đoạn mới. Mùa hè năm 1991, Kozyrev đã ký Tuyên bố Washington và bắt đầu công việc về Hiệp ước START hòng thoát khỏi nguy cơ hủy diệt hạt nhân lẫn nhau giữa Mỹ và Nga đã tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh. Quan niệm khó khăn kinh tế không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại hòa bình, Kozyrev tìm cách đưa Nga đi theo con đường của Pháp hoặc Anh - những quốc gia có kho vũ khí khiêm tốn hơn nhiều.
Như Leonid Mlechin viết trong cuốn “Bí mật ngoại giao Nga - Từ Gromyko đến Lavrov”, Kozyrev đã trở thành người thực sự tham vọng tạo ra chính sách đối ngoại mới của nước Nga, được phân biệt bởi định hướng thân phương Tây. Đó là lý do tại sao trái ngược với Andrei Gromyko luôn kiên định lập trường và bảo vệ lợi ích Liên Xô - người được đặt biệt danh là “Mr No” - Kozyrev bắt đầu được gọi là “Mr Yes”. Olga Blinova - tác giả của cuốn “Bộ Ngoại giao Liên bang Nga” - đã đặt tên cho Andrei Kozyrev là Americanophile (sùng bái Mỹ). Khoảng thời gian 5 năm 3 tháng Kozyrev làm Bộ trưởng đã đi vào lịch sử như những năm xấu hổ và tệ hại của nền ngoại giao Nga.
Trong hồi ký của mình, Yevgeny Primakov nhớ lại, một lần, cựu Tổng thống Mỹ Nixon hỏi Kozyrev về lợi ích của nước Nga mới. “Một trong những vấn đề của Liên Xô là chúng tôi quá mắc kẹt vào lợi ích quốc gia của mình”, vị Bộ trưởng Nga trả lời. “Và bây giờ chúng tôi đang nghĩ nhiều hơn về những giá trị chung của con người. Nhưng nếu Ngài có bất kỳ ý tưởng nào và có thể cho chúng tôi biết cách xác định lợi ích quốc gia của chúng tôi, thì tôi sẽ rất biết ơn Ngài”. Nixon tỏ ra lúng túng trước đề nghị cho vị Bộ trưởng biết nước Nga có lợi ích quốc gia nào.
Kozyrev đã có bài phát biểu tại cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) ở Stockholm về các ưu tiên chính sách đối ngoại mới của Liên bang Nga, đã khiến báo chí phương Tây lo ngại. Tổng thống cuối cùng của Liên Xô Gorbachev tin rằng, dưới thời Kozyrev, Bộ Ngoại giao Nga là một nhánh của Bộ Ngoại giao Mỹ, vì nó hành động không phù hợp với lợi ích quốc gia Nga. Chính Kozyrev đã trách Yeltsin vì không sa thải những người nổi tiếng với lập trường chống phương Tây, chẳng hạn như E. Primakov. Theo Kozyrev, những người này đã ngăn cản Nga “xây dựng quan hệ với Mỹ”.
Kozyrev đã từ bỏ lợi ích của Nga một cách vô thức, cho rằng phương Tây và NATO là “đồng minh tự nhiên của Nga”. Các quyết định như đóng cửa các căn cứ quân sự của Liên Xô ở nước ngoài được đưa ra vì lý do ý thức hệ.
Trước sự khăng khăng của Kozyrev, quân đội Nga đã được rút khỏi Đức với những điều kiện nhục nhã nhất. Việc thực hiện kế hoạch, trên thực tế, là một canh bạc tội phạm. Như nhà báo nổi tiếng Alexander Khinshtein đã viết, “người Mỹ đã rút ba lữ đoàn khỏi Philippines trong hơn 12 năm, trong khi Nga đã rút ba quân đoàn, nửa triệu người, chỉ trong vài ngày”. Vị Bộ trưởng Nga đã thuyết phục người Mỹ tổ chức một buổi chụp ảnh cho ông ta với Bill Clinton hòng giành sự tín nhiệm của Yeltsin.
Kozyrev nói rằng “về tổng thể, lợi ích của Nga trùng với lợi ích của Mỹ”, đồng thời, tin rằng không thể tránh khỏi những khác biệt giữa hai nước, và cho rằng Nga không nên điều chỉnh theo Mỹ nếu điều đó làm tổn hại đến nước này.
Với tư cách là người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, Kozyrev đã cố gắng thay đổi hoàn toàn cơ chế chính sách đối ngoại của Nga - chuyển từ quan hệ đối đầu hòa bình với phương Tây sang quan hệ dựa trên các nguyên tắc đồng minh. Tuy nhiên, Kozyrev đã không thành công - bất chấp những nỗ lực của ông này - người mà các đối thủ cáo buộc là phản bội lợi ích quốc gia và yêu cầu trục xuất ra khỏi chính phủ - Nga vẫn không trở thành một phần của thế giới phương Tây.
Về vườn
Như Evgeny Strigin đã viết trong cuốn “KGB đã, đang và sẽ tồn tại. FSB của Liên bang Nga dưới thời Barsukov”, vào đầu năm 1996, những người được gọi là thân phương Tây, trong số đó có Andrei Kozyrev, đã bị thất sủng. Tuy nhiên, Kozyrev tiếp tục tham gia chính trị với tư cách là thành viên của Duma Quốc gia. Ngoài ra, ông ta giảng dạy tại MGIMO, cũng như tại Đại học Columbia và Sorbonne. Ông sớm làm việc cho Tập đoàn Dược phẩm Quốc tế và bắt đầu giải quyết các hoạt động trên thị trường trái phiếu chính phủ ngắn hạn. Theo nhiều chuyên gia, chính sự đầu cơ trên thị trường GKO đã dẫn đến vụ vỡ nợ năm 1998. Tháng 9/1999, Tổng công tố Yuri Skuratov thông báo 780 quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Kozyrev, bị tình nghi thao túng chứng khoán chính phủ.
Sau khi trở thành Phó Chủ tịch của ICN Pharmaceuticals và Tổng Giám đốc của nó tại Đông Âu vào năm 2000, năm 2007, cựu Bộ trưởng chuyển sang vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng Investtorgbank. Năm 2001, Kozyrev tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội Người Do Thái Nga (RJC) và cũng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh - vào đầu những năm 2000, trở thành một trong những nhà quản lý hàng đầu của công ty ICN Pharmaceuticals (Mỹ).
Mối quan hệ nồng ấm với Mỹ đã đồng hành cùng "Mr Yes" suốt cuộc đời - người vợ đầu tiên của Kozyrev thành lập công ty riêng tại đấy, con gái ông từ cuộc hôn nhân đầu tiên học tập và định cư tại Mỹ. Cuối cùng, vào năm 2012, Kozyrev đã từ chức tại Investtorgbank và cùng với người vợ thứ ba, chuyển đến Mỹ, sống ở Miami./.