Lương tối thiểu vùng chỉ tăng 7,3%

VĂN DUẨN - NGỌC DUNG |

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016. Mức tăng này không làm các đại diện đến từ Tổng LĐLĐ Việt Nam hài lòng bởi nó không như kỳ vọng.

Sáng 2-8, tại thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp bàn lần 2 về phương án điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2017. Trước đó, hôm 20-7, các thành viên của hội đồng đã nhóm họp tại Đồ Sơn, TP Hải Phòng.

Không hiểu nổi Hiệp hội Dệt may!

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết phiên họp lần 2 là để các bên trao đổi lại, bổ sung các căn cứ xây dựng phương án và trình bày phương án điều chỉnh LTT, hy vọng sẽ “chốt” được phương án điều chỉnh.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định nếu LTT năm 2017 tăng 5% thì mới chỉ bù đắp được tỉ lệ trượt giá của đồng tiền (dự kiến là 5%).

Còn đại diện người sử dụng lao động, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lại cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp (DN) dệt may rất khó khăn và đề nghị không tăng LTT năm 2017.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, DN đang gặp rất nhiều khó khăn, dù vậy vẫn tăng LTT nhưng chỉ ở mức 5%.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn giữ nguyên đề xuất chỉ tăng ở mức 4%-5% như ở phiên họp lần thứ nhất tại Hải Phòng.

Sau khi nghe các ý kiến, ông Phạm Minh Huân cho biết muốn các bên tập trung bàn LTT tăng ở mức 6%-7%.

Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra phương án thứ 4 (ngoài 3 phương án đã đưa ra ở kỳ họp thứ nhất) với mức tăng 5,6%-6,5%, từ 150.000 đến 200.000 đồng.

Sau ít phút nghỉ giải lao ngắn ngủi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Mai Đức Chính tiếp tục đưa ra ý kiến và chỉ đồng ý ở phương án tăng LTT ở mức 10%, tức thấp hơn 1% so với đề xuất ban đầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Nếu không được thì sẽ đề nghị dừng cuộc họp. Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng cũng chỉ đồng ý điều chỉnh lên mức 6%, tăng 1% so với đề xuất ban đầu và cho rằng mức này là phù hợp.

Sau 4 giờ thương lượng căng thẳng, đúng 13 giờ cùng ngày, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất đi đến bỏ phiếu và phương án tăng lương được hội đồng đưa ra là 7,3% với 13/14 phiếu đồng ý.

Đây sẽ là phương án tăng lương được hội đồng trình Chính phủ xem xét quyết định. So với LTT vùng 2016 (tăng bình quân 12,4%), phương án năm nay được chốt sớm hơn 1 tháng nhưng mức tăng lại thấp hơn nhiều.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngay sau khi hội đồng chốt phương án tăng LTT năm 2017 để trình Chính phủ, ông Phạm Minh Huân cho biết ban đầu, phương án giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI đưa ra vênh nhau rất nhiều.

“Phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra trên 10%, còn VCCI chỉ đề nghị tăng 4%-5%. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là chỉ số CPI, các yếu tố khó khăn của DN, hai bên đã thương thượng để đưa ra mức tăng 7,3%” - ông Huân tiết lộ.

Trả lời về việc mức tăng 7,3% đã hợp lý hay chưa, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng hợp lý bởi tiếng nói của hai bên đã gần nhau hơn.

Đã “nâng lên đặt xuống”

Tại buổi họp báo công bố kết quả họp về LTT năm 2017 diễn ra chiều cùng ngày, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chính thức công bố mức đề xuất tăng LTT năm 2017 là 7,3%.

Ông Phạm Minh Huân cho biết sau 2 phiên họp, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chọn phương án đề xuất điều chỉnh LTT năm 2017 tăng 7,3%.

Theo đó, vùng 1: tăng 250.000 đồng (tăng 7,1% so với năm 2016), tương đương với mức lương 3.750.000 đồng; vùng 2 tăng 220.000 đồng (7,1%), tương đương 3.320.000 đồng; vùng 3 tăng 200.000 đồng (7,4 %), tương đương 2.900.000 đồng; vùng 4 tăng 180.000 đồng (7,5%), tương đương 2.580.000 đồng.

Tính trung bình, đề xuất tăng LTT vùng năm 2017 có mức tăng dao động từ 180.000-250.000 đồng so với năm 2016.

“Điều chỉnh LTT là căn cứ nâng cao đời sống người lao động (NLĐ) song cũng cần cân nhắc để chi phí không quá sức chịu đựng của DN.

Năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có 2 báo cáo đánh giá tác động dựa trên các chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu kinh tế... để đưa ra các phương án về tiền lương nêu trên” - ông Huân nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng mức tăng 7,3% là sự cố gắng rất nhiều của các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia.

“Chúng tôi đã phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống và có lúc tương đối căng thẳng. Mức tăng 7,3% là sự chia sẻ của người sử dụng lao động với NLĐ. Ban đầu, VCCI đề xuất mức 4%-5%. Năm 2016, DN có dấu hiệu phục hồi nhưng khó khăn vẫn còn” - ông Phòng lý giải.

Ông MAI ĐỨC CHÍNH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:

Ít nhất phải tăng 8,5%

Trước đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất phương án tăng LTT năm 2017 là 11,11%. Đề nghị này dựa trên thực tế cuộc sống của NLĐ.

Tuy nhiên, phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy chỉ số tăng trưởng GDP đến cuối năm 2016 là 6,3%, chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 5% - thể hiện sự khó khăn của DN.

Vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hạ mức đề xuất tăng LTT xuống 10% - giảm hơn 1 điểm phần trăm so với đề xuất ban đầu.

Trong quá trình thương lượng, Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt mức tăng 7,3% - là sức ép lớn với NLĐ còn nhiều khó khăn.

Thực lòng, chúng tôi muốn mức tăng thấp nhất cũng phải là 8,5%. Dù DN khó khăn nhưng đứng ở góc độ bảo vệ NLĐ, chúng tôi thấy công nhân quá khổ bởi hơn 75,5% muốn tăng ca vì tiền lương, thu nhập quá thấp, họ không đủ sống.

Ông NGUYỄN QUANG DUẪN, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty CP Thiết bị giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức, TP HCM):

Không như kỳ vọng

Theo dõi kỳ họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia lần này, tôi dự đoán mức tăng LTT vùng năm 2017 ít nhất sẽ là 10%.

Việc Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án tăng 7,3% là chưa đáp ứng mong mỏi của NLĐ. Với số đông công nhân đang làm việc tại các TP có giá cả sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP HCM, mức tăng này thực sự không có ý nghĩa.

Thực tế, hằng năm, Chính phủ đều điều chỉnh LTT vùng song mức điều chỉnh tăng chỉ đáp ứng 70%-80% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Để cải thiện thu nhập, họ phải tăng ca hoặc làm mọi việc và điều này không có lợi cho sức khỏe của họ. Là cán bộ CĐ, tôi chỉ mong nhà nước có chính sách kìm hãm tăng giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định cuộc sống của NLĐ.

VÕ THỊ SÁU, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Ampfield Việt Nam (KCN Tân Bình, TP HCM):

Chưa đáp ứng mức sống tối thiểu

Hằng năm, Chính phủ đều thực hiện điều chỉnh LTT vùng cho NLĐ. Tuy nhiên, nhiều năm qua, LTT vẫn chưa theo kịp mức sống tối thiểu của NLĐ mà chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu cơ bản nhất của họ.

Nguyên nhân là do mức điều chỉnh hằng năm không thể bù vào khoản tăng chi phí sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM vì giá cả nhà trọ, thực phẩm, chi phí học hành cho con, khám chữa bệnh đều tăng theo.

Thực tế, ai cũng thấy là hầu hết lao động nhập cư vẫn phải sống trong những khu nhà trọ chật hẹp với mức chi phí càng rẻ càng tốt. Như vậy, chất lượng cuộc sống làm sao có thể nâng lên được?

Để giảm bớt khó khăn cho họ, hằng năm, CĐ và DN đều nỗ lực chăm lo thêm cho công nhân. Theo tôi, mức tăng LTT vùng 7,3% mà Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt lần này chưa đáp ứng yêu cầu sống tối thiểu của NLĐ.

Anh NGUYỄN NGỌC THIÊN BỬU, Công nhân Công ty T.H (quận 4, TP HCM):

Tăng 7,3% là quá ít

Ngoài những khoản chi tiêu bắt buộc như nhà trọ, tiền ăn, điện nước, xăng xe, công nhân ngoại tỉnh còn phải phụng dưỡng cha mẹ ở quê, do vậy cuộc sống của họ đối diện nhiều áp lực.

Đó cũng là lý do vì sao trước khi cuộc họp này diễn ra, chúng tôi ủng hộ phương án tăng LTT vùng do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất (250.000-400.000 đồng), như vậy mới có thể ổn định cuộc sống cho NLĐ.

Theo tôi, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án tăng LTT vùng năm 2017 ở mức 7,3% là quá thấp. 7,3% tương đương với 213.000 đồng, khoản tiền ít ỏi này không giúp đời sống công nhân khá hơn.

Xa quê kiếm sống, chúng tôi cần được bảo đảm thu nhập để tái tạo sức lao động và an tâm cống hiến lâu dài. Với mức tăng 7,3% lần này, công nhân chỉ còn có thể trông cậy vào thiện chí chăm lo của DN.

Chị NGUYỄN THỊ HỒNG LINH, công nhân KCX Linh Trung 2 (quận Thủ Đức, TP HCM):

Tăng lương nhưng không vui!

Nghe tin Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt phương án tăng LTT vùng năm 2017 là 7,3%, không riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp rất hụt hẫng!

Với mức tăng khiêm tốn này, rõ ràng công nhân sẽ phải đối diện với khó khăn khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Mới hôm qua, bà chủ nhà trọ của tôi đã nói trước: “Nghe đâu sắp tăng lương.

Mấy đứa chuẩn bị vì cô cũng tăng tiền nhà lên chút ít”. Chủ nhà trọ đâu cần biết con số tăng LTT bao nhiêu, họ cứ tăng theo nhu cầu của họ.

Chưa kể, các mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ “té nước theo mưa” khi biết công nhân được tăng lương.

Mỗi ngày đi chợ, tôi và đồng nghiệp hết sức đắn đo bởi thu nhập hiện nay quá hạn hẹp. Đi làm, ai mà không mong được tăng lương nhưng nói thật, tăng theo kiểu này thì không vui chút nào.

K.An - T.Hoàng - T.Nga - H.Đào ghi

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại