Cạnh tranh nơi làm việc, sớm đã là một chủ đề vô cùng quen thuộc.
Nhiều người đều nói, nỗ lực, nghiêm túc, đáng tin, chuyên nghiệp, chính là khả năng cạnh tranh nơi làm việc!
Đúng vậy, có lẽ 8 từ này là sự đúc kết tinh hoa, nhưng tôi vẫn còn rất nhiều điều muốn nói với các bạn.
Đối mặt với việc mất việc vào năm 2019, có lẽ bạn cũng nên nghiêm túc hồi tưởng lại, rốt cuộc thì nguyên nhân khiến mình bị sa thải hoặc rơi vào danh sách bị cắt giảm là ở đâu.
Bài viết hôm nay, tôi muốn chia sẻ với mọi người 4 câu chuyện nhỏ, và một vài tips trải nghiệm của chính mình.
Có lẽ sẽ giúp ích cho một năm 2020 có thể còn khó khăn hơn.
1. Khó khăn, cũng là luồng gió đẩy bạn lên cao
Phương Tây có một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng rằng, có một năm, thượng đế xuống trần gian thăm thám dân tình, trông thấy lúa mì, cây quả của người nông dân trĩu bông, trĩu cành, Ngài rất vui mừng.
Người nông dân trông thấy Thượng Đế cũng rất vui mừng, nói:
"Thượng Đế à, Ngài có thể thỏa mãn một thỉnh cầu của con? Con mong năm sau sẽ không có mưa to gió lớn, không hạn hán, không côn trùng hại, có được không ạ?"
Thượng Đế đồng ý.
Tới năm thứ hai, quả thực không có mưa to gió lớn, cũng không có hạn hán hay côn trùng. Người nông dân vô cùng vui mừng.
Nhưng tới mùa thu hoạch, người nông dân phát hiện ra các hạt lúa mì đều lép xẹp, không có lấy một hạt tốt.
Người nông dân khóc lóc nói với Thượng Đế: "Thượng Đế à, rốt cuộc là vì sao vậy?"
Thượng Đế đáp: "Hạt lúa mì không trải qua mưa gió thì đều sẽ bị như vậy đấy!"
Một cây lúa mạch, nếu không trải qua nắng mưa gió bão còn không thể trưởng thành, huống chi là con người?
Ở nơi làm việc, có rất nhiều người mới từng đối diện với khó khăn như này:
Không biết phạm vi công việc của mình là ở đâu?
Công việc mới không biết nên bắt đầu từ đâu?
Muốn hỏi người khác, nhưng không tìm ra được người sẵn sàng giúp mình...
Nhớ lại bản thân trước kia, khi mới đi làm, tôi được phân tiếp quản công việc của nhân viên cũ.
Nhân viên cũ phải ở nhà dưỡng thai, trước đó vội vội vàng vàng, có nhiều công việc chưa kịp bàn giao lại.
Khó à!
Vì vậy, có gì không hiểu, tôi liền hỏi quản lý phụ trách.
Nhưng mỗi lần hỏi, anh ta đều không ngay ngắn trả lời, không bảo tôi tự mày mò thì cũng toàn nói mấy thứ không đâu không liên quan cho lắm.
Khoảng thời gian đó, tôi quả thực có cảm thấy rất ấm ức, bất lực, nhưng, gặp khó khăn liền từ bỏ, đó không phải là tính cách của tôi.
Vậy là tôi giống như một học sinh, dùng những kiến thức cơ bản nhất đối phó với công việc. Tôi tổng kết kinh nghiệm sau mỗi ngày làm việc, viết lại từng mục từng mục.
Đồng thời, lợi dụng thời gian rảnh rỗi, tìm các kênh học mới từ sách hay trên mạng, viết thành cuốn sổ tay.
Tính tới nay đã viết được 3 quyển.
Không hề khoa trương khi nói rằng, chỉ trong vòng 1 tháng, đối với việc làm sao để trở thành một thư kí, về mặt lý thuyết, tôi đã nắm rõ như lòng bàn tay, cấp trên thỉnh thoảng gặp vấn đề còn tìm tới tôi nhờ tư vấn.
Bản thân tôi cũng đường đường chính chính có một chỗ đứng vững chắc tại công ty.
Vậy mới nói, cũng giống như hạt lúa mì phải trải qua nắng mưa gió bão, những khó khăn ở nơi làm việc, vừa hay chính là bước đệm, là ngọn gió đẩy bạn lên cao.
Nghịch gió tiến lên, đó là tâm thái duy nhất mà bạn nên có.
2. Năng lực trao đổi, đưa bạn đi bốn phương
Nói về tầm quan trọng của năng lực trao đổi, có một câu chuyện như sau.
Ở Trung Quốc, vào thời cổ đại, có một tú tài ra chợ mua củi.
Trông thấy người bán củi, chàng ta nói vọng ra: "Hà Tân giả (người bán củi) qua đây!"
Người bán củi là người không được học hành, nghe không hiểu 3 từ "Hà Tân giả", nhưng nghe hiểu hai từ "qua đây", vậy là lập tức chạy tới chỗ tú tài.
Người tú tài lại nói: "Kì giá như hà?" (cái này giá bao nhiêu)
Người bán củi cũng nghe không hiểu câu này, nhưng nghe hiểu chữ "giá", liền nói giá cho người tú tài.
Người tú tài lại nói: "Ngoại thực nhi nội hư, yên đa nhi diệm thiếu, thỉnh tổn chi"
(Những cành củi này ngoài thì khô nhưng bên trong lại ẩm, khi đốt lên sẽ ra rất nhiều khói, lửa cũng rất nhỏ, bán rẻ một chút đi!)
Đến câu này thì người bán củi một chữ cũng không hiểu, bèn vác củi đi luôn.
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng: giao tiếp không phải là bán con chữ, là để ra vẻ huyền bí, lắm chữ trong đầu, mà phải biết cách lựa đối tượng và thời gian để mà nói.
Khả năng trao đổi tốt sẽ đưa bạn đi khắp bốn phương.
Nơi tôi làm việc là một doanh nghiệp nhà nước, có rất nhiều nhiệm vụ được các cấp trên trực tiếp giao xuống.
Lúc mới đi làm, bất kể cấp trên giao xuống cho nhiệm vụ gì, việc đầu tiên tôi làm luôn là trao đổi lại với sếp, nắm bắt thật chắc yêu cầu trọng tâm của công việc.
Mỗi lần báo cáo công việc, tôi đều sẽ nộp sớm hơn thời gian yêu cầu một ngày.
Như vậy, nếu có xảy ra sai xót gì tôi vẫn sẽ có thời gian để sửa lại, không để mình rơi vào hoàn cảnh "không kịp trở tay".
Thái độ nghiêm túc và tích cực trao đổi công việc với lãnh đạo đã giúp tôi được cấp trên công nhận, thậm chí còn tạo cơ hội để tôi giao lưu tạo mối quan hệ với các lãnh đạo cấp trên.
Khả năng trao đổi không chỉ gói gọn ở năng lực nghe và nói, mà còn thể hiện ở sự khéo léo trong giao tiếp.
3. Làm người làm việc, có đầu có cuối
Khi tôi tham gia lớp huấn luyện cho người mới đi làm, huấn luyện viên từng giải thích cho chúng tôi một bức tranh một người đàn ông dùng xẻng đào giếng, anh ta đào rất nhiều miệng giếng nhưng không có một cái nào đào tới cuối cùng, vì vậy, anh ta không bao giờ có thể uống được nước.
Ở nơi làm việc, tồn tại rất nhiều người giống với nhân vật trong hình vẽ, làm việc không đầu không đuôi, bỏ dở giữa chừng.
Khi mới bắt đầu làm một việc gì đó, chúng ta nhiệt huyết sục sôi, nhưng làm được một nửa rồi lại bị chuyện khác hấp dẫn, chạy đi làm chuyên khác kia.
Người như vậy, thử hỏi ai lại muốn hợp tác làm việc với anh ta?
Chuyên gia huấn luyện người Trung Quốc, Zhi JunQi từng viết một cuốn sách mang tên "Tư duy khép kín", ý chỉ khi tham gia một dự án công việc hay một chuyện nào đó, bất kể hiệu quả công việc ra sao đều phải kịp thời phản hồi lại với người đưa ra nhiệm vụ.
Như vậy, mới là một người đáng tin cậy.
Ở nơi làm việc, muốn trở nên ưu tú, nhất định phải bồi dưỡng nên tư duy khép kín, làm gì cũng làm hết mình, việc gì cũng cần phải báo cáo rõ ràng.
Bất luận là tiếp nhận nhiệm vụ gì, dù người khác chỉ thuận miệng nói ra, nhưng một khi đã đồng ý rồi thì nhất định phải làm đến nơi đến chốn.
Tin tôi, đáp lại và không đáp lại, đánh giá của cấp trên dành cho bạn nhất định sẽ khác.
Có một lần, sếp muốn làm một dự án tuyên truyền, nói chúng tôi tìm cho sếp ảnh để làm tuyên truyền, nhưng theo yêu cầu của sếp thì tôi lại không có mấy bức ảnh đó.
Tôi liền nói với sếp rằng hiện tại tôi không có, để tôi đi các bộ phận khác hỏi xem có không, hỏi một vòng cũng chỉ có 2 bức gần đáp ứng được yêu cầu gửi qua cho sếp.
Sau chuyện này, sếp nói với tôi, trong tất cả 22 đơn vị, tôi là người duy nhất đáp lại sếp, gửi cho sếp ảnh.
Những người khác hoặc là nói không có, hoặc là nói để về tìm, nhưng sau đó cũng mất hút.
Tin cậy thực ra đơn giản như vậy thôi, khi người khác thỉnh cầu hay đưa ra yêu cầu cho bạn, hãy hồi đáp lại họ, một lời hồi đáp rõ ràng và chắc chắn.
4. Khả năng học tập suốt đời
Tôi từng đọc qua một câu chuyện như sau.
A và B là hai chú thỏ nhỏ đang dạo chơi trong rừng, không may chúng gặp phải một con hổ.
A nhanh chóng lấy ra một đôi giày thể thao mà mình mang theo đi vào.
B lo lắng nói: "Giờ này rồi mà cậu còn thay giày? Giày có tốt tới đâu cũng không thể nào thoát được con hổ đâu!"
A nói: "Tớ chỉ cần chạy nhanh hơn cậu là được rồi."
Ở thời đại này, không có cảm giác về nguy cơ chính là nguy hiểm nhất.
Khi con hổ đến, bạn liệu đã chuẩn bị sẵn cho mình giày thể thao?
Có người nói rằng "thời đại khi bỏ rơi bạn sẽ không chào tạm biệt bạn."
Một người làm nhân viên thu phí ở trạm xe lửa từng cảm thán rằng " Tôi năm nay 36 tuổi, cả thanh xuân của tôi đều ở trạm thu phí, tôi bây giờ cái gì cũng không biết làm ngoài việc này."
Trong mắt mọi người, công việc này dường như là "bát cơm sắt" không bao giờ phải lo thất nghiệp mà mọi người ngưỡng mộ.
Nhưng trên thế gian này, làm gì có chuyện gì là mãi mãi, theo thời gian, sự lười biếng và thả lỏng của bạn sẽ biến bạn thành con ếch trong nồi nước ấm, dần dần làm hao mòn đi dũng khí nhảy ra khỏi nồi của bạn.
Trên thế gian này, chỉ có năng lực học tập suốt đời không ngừng nghỉ mới là vũ khí giúp bạn tự bảo vệ bản thân tốt nhất, giúp bạn có được chỗ đứng trong thời đại thiên biến vạn hóa như hiện tại.
Thế giới đang không ngừng thay đổi chóng mặt, thời đại của bố mẹ chúng ta có thể cả đời làm việc ở một công ty, ở với đồng nghiệp 20, 30 năn.
Nhưng tới thời đại của chúng ta, bình quân rơi vào khoảng 5 năm đổi công việc một lần. Nhảy việc đã trở thành một điều gì đó quá đỗi bình thường.
Thay đổi là điều bất biến của cuộc sống.
Giống như câu thoại trong "Alice in Wonderland": Chỉ khi không ngừng chạy, bạn mới có thể bảo toàn vị trí của mình.