Lúc về già, ai cũng mong sống 1 cuộc đời bình yên và nhàn hạ. Sau nhiều năm cố gắng làm việc và tích lũy tiền bạc, nghỉ hưu là khoảng thời gian con người ta có thể sống thư thái, chậm rãi hơn.
Bác Wu (đến từ Trung Quốc) cũng vậy. Sau khi nghỉ hưu, bác Wu nhận 1 khoản lương hưu kha khá và mong muốn tận hưởng cuộc sống an nhàn. Thế nhưng sự thật phũ phàng xuất hiện. Bác không chỉ bị lợi dụng, lừa dối 1 lần mà rất nhiều lần rơi vào tình cảnh khổ sở.
Dưới đây chính là chia sẻ của bác Wu (70 tuổi) trên diễn đàn Toutiao. Bài viết đang nhận rất nhiều sự bàn luận, tương tác từ mọi người:
Tôi năm nay 70 tuổi, đã nghỉ hưu được 1 thời gian. Ban đầu tôi quyết định sẽ ở quê 1 mình vì không muốn phiền con cái. Tôi nghĩ con trai và con dâu đã đủ bận rộn trên thành phố nên không muốn dựa vào chúng. Chúng còn có cuộc sống riêng, công việc riêng và cần nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Hơn nữa, ở quê tôi có thể gần gũi anh em, họ hàng, bạn bè, cuộc sống dù gì cũng thoải mái hơn nên tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, con trai về và bàn bạc với tôi, nó nói: “Bố suy nghĩ lại đi, bây giờ bố già rồi, lỡ đâu nửa đêm bệnh tật lại không có ai ở cùng, lúc đó phải giải quyết ra sao? Tốt nhất bố lên ở cùng chúng con để không phải lo đêm ngày bất trắc”.
Tôi cũng lo tuổi già đau ốm liên miên, lại được họ hàng động viên nên quyết định lên sống cùng các con. Tôi tin tưởng rằng cuộc sống bên cạnh các con sẽ thật đầm ấm và bình yên.
Bán nhà chạy vạy giúp các con
Thời gian đầu sống trên thành phố, tôi chưa thấy có gì bất thường. Thế nhưng sau vài tháng, con trai và con dâu gọi tôi tới bàn 1 chuyện quan trọng. Chúng ngỏ ý đề nghị tôi bán ngôi nhà ở quê đi với lý do gom tiền giúp đỡ chúng trả nợ mua nhà.
Con trai tôi thẳng thắn: “Bây giờ căn nhà ở quê cũng không có ai ở, bố lại ở thành phố rồi nên bố bán đi sẽ giúp đỡ được con. Hiện tại con nợ thế chấp 1 triệu NDT (hơn 3 tỷ đồng), thêm lãi cũng khoảng hơn 1 triệu NDT. Nếu bây giờ bố bán nhà đi con sẽ đỡ nợ nần, sớm ngày ổn định”.
Lúc này tôi suy nghĩ rất nhiều vì đó là gia sản cả đời tôi gây dựng. Tuy nhiên, vì thương các con nên tôi đành quyết định bán nhà. Đưa cả gia sản cho con, tôi không cảm thấy hối hận vì đã giúp được chúng. Các con cũng mừng rỡ, vui vẻ đón nhận món quà này và trả bớt khoản nợ nần.
Vòi thêm tiền tiết kiệm, lương hưu
Thế nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Một thời gian ngắn sau, các con lại gọi tôi ra và hỏi về số tiền mà tôi tiết kiệm được. Theo lời chúng nói, dù đã mang tiền bán nhà đi trả nợ nhưng vẫn còn thiếu 300.000 NDT (1 tỷ đồng), hỏi tôi có giúp được gì hay không.
Trong lúc tôi đang suy nghĩ chưa biết trả lời ra sao, con trai nói trước kia tôi có 1 khoản tiết kiệm, bây giờ con số là bao nhiêu, có giúp được con cái hay không.
Thực chất, đó là 1 khoản tiền tôi đã tích cóp từ lâu để phòng khi đau ốm, bệnh tật sẽ lấy ra dùng. Tôi không muốn khi về già, ốm đau lại phải làm phiền con cái và trở thành gánh nặng cho chúng nên đã chắt bóp chi tiêu và có chút tiền tiết kiệm. Ấy thế mà nay con trai còn muốn nhòm ngó tới số tiền dưỡng già của tôi.
Nghe xong những câu hỏi của con, tôi chết lặng. Thế nhưng chúng luôn miệng nói rằng bây giờ tôi có lương hưu lại có cả tiền tiết kiệm, tốt nhất nên giúp con cái lúc khó khăn. “Hơn nữa, hiện tại bố cũng không làm gì cần dùng tới tiền, chúng con thì thiếu thốn nên tốt nhất bố nên đưa tiền ấy cho con” - con trai tôi nói chắc nịch.
Không chỉ vậy, con trai còn kể lể những khó khăn chúng gặp phải, nào là công việc áp lực nhưng vẫn phải gồng mình vì nợ nần, nào là nếu có thêm tiền trả nợ sẽ sớm tích cóp được tiền tiết kiệm…
Tôi bị dồn vào thế khó, không thể không giúp đỡ. Tiền lương hưu hàng tháng hiện tại tôi nhận được 6.300 NDT (20 triệu đồng) cũng đưa hết cho con.
Những tưởng khi đã giúp con hết lòng chúng sẽ đối tốt với tôi, để tôi an hưởng tuổi già. Thế nhưng thực tế đáng buồn hơn nhiều. Khi đã hết giá trị, con cái không con tôi ra gì, thậm chí còn phớt lờ lời tôi nói.
Sống cùng con cái nhưng tôi không cảm nhận được tình cảm gia đình. Cho dù trong lòng có vạn sự hối hận, tôi cũng không thể dừng lại, một bước đi sai kéo theo những câu chuyện dài . Cứ như vậy, tôi mất tất cả, không chỉ căn nhà cũ, tiền tiết kiệm mà còn cả lương hưu và nhận lại sự thờ ơ, vô trách nhiệm.
Sau này tôi mới nhận ra, dính líu tới chuyện tiền bạc thì tình thân cũng có thể mất đi mãi mãi. Sống trên đời dù hết lòng vì người khác cũng cần để lại “đường lui” cho chính mình. Trước khi nghĩ tới người khác hãy sống có trách nhiệm với chính mình để không phạm phải các sai lầm đáng tiếc.
Theo Toutiao