Lưỡng đảng của Mỹ đồng thuận trong việc đối phó Trung Quốc tại Biển Đông và Đài Loan

Anh Tú |

"Gần như có một sự đồng thuận giữa lưỡng đảng ở Washington rằng đã đến lúc quyết đoán hơn một chút để chống lại Trung Quốc", Richard Aboulafia, một nhà phân tích của Teal Group cho biết.

"Gần như có một sự đồng thuận giữa lưỡng đảng ở Washington rằng đã đến lúc quyết đoán hơn một chút để chống lại Trung Quốc", Richard Aboulafia, một nhà phân tích của Teal Group cho biết.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur và tàu tuần duyên USCGC Bertholf của Mỹ vừa đi qua eo biển Đài Loan vào ngày 24.3. Đó không phải là một cuộc dạo chơi bằng du thuyền của người Mỹ ở vùng biển “nhiều sóng” mà là một hành động có toan tính của Washington với Bắc Kinh. Sự kiện này được Đô đốc Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm đội 7 mô tả là: thể hiện cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Các lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương đang rất cảnh giác trước những gì họ thấy là một Trung Quốc ngày càng có khả năng sử dụng sự đe dọa quân sự và ép buộc kinh tế để gây áp lực với các nước láng giềng nhỏ hơn. Cho đến nay, các chiến thuật này đang được áp dụng phần nào đó trên thực tế.

Các quan chức quốc phòng Mỹ ở cả khu vực và ở Washington (hầu hết đều giấu tên) nói rằng nếu Mỹ không cảnh giác trong khu vực, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực để thúc đẩy lợi ích của họ và Đài Loan là một ngòi nổ có tiềm năng lớn.

Trong số các dấu hiệu của sự xâm lấn ngày càng leo thang từ Bắc Kinh, một tàu chiến Trung Quốc đã xuất hiện cách mũi tàu khu trục của Hải quân Mỹ khoảng 50 mét ở Biển Đông vào cuối năm ngoái, một cuộc áp sát có chủ ý được phía Mỹ mô tả là không an toàn và không chuyên nghiệp.

Trong khi đó, Mỹ cũng tăng tần suất cho tàu di chuyển qua eo biển Đài Loan mà lần gần đây nhất là vào ngày 24.3, sau khi Trung Quốc liên tục điều máy bay và tàu quân sự tới tập trận xung quanh đảo Đài Loan. Theo thống kê, Mỹ đã điều tàu đi qua eo biển Đài Loan 3 lần trong năm nay và tổng cộng 6 lần kể từ tháng 7 năm ngoái.

Mỹ cũng bật đèn xanh cho việc chuyển đổi năng lực quân sự và phòng thủ của Đài Loan để có thể duy trì một lực lượng răn đe. Việc đó bao gồm trang bị hệ thống phòng không cơ động, tên lửa hành trình chống hạm, khinh hạm tấn công loại nhỏ, pháo thông minh và máy bay hiện đại để tuần tra không phận.

Việc Mỹ bật đèn xanh bắt nguồn vào tháng 1 đầu năm nay khi Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của Đài Loan nhằm khẳng định nền độc lập có thể kích hoạt lực lượng vũ trang Trung Quốc. Đồng thời, ông cũng đe dọa Mỹ nếu họ cố gắng can thiệp.

Đáp lại thông điệp răn đe của Trung Quốc, chính quyền Trump đã thông báo ngụ ý chấp thuận ngầm với yêu cầu mua vũ khí từ Đài Loan bao gồm 60 máy bay chiến đấu F-16 thế hệ mới và điều này gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Các chính quyền trước đây, bao gồm thời cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama, đã từ chối yêu cầu mua F-16 mới từ Đài Loan, vì sợ gây kích động Trung Quốc.

Nhưng lần này, trong khi quá trình chính thức đang được xúc tiến, các quan chức và chuyên gia cho biết nhiều khả năng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ thông qua việc mua bán này. Một cựu quan chức quốc phòng cho biết John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, chính là người đề xuất thỏa thuận.

"Gần như có một sự đồng thuận giữa lưỡng đảng ở Washington rằng đã đến lúc quyết đoán hơn một chút để chống lại Trung Quốc", Richard Aboulafia, một nhà phân tích của Teal Group (công ty tư vấn liên quan lĩnh vực quốc phòng và không gian) cho biết.

Sự cảnh giác ngày càng tăng của quân đội Mỹ đối với các hành động của Trung Quốc tại tây Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán căng thẳng giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh xung quanh cuộc chiến thương mại ngày càng được đẩy cao. An ninh quốc gia và tài chính trong khu vực đang bị rối loạn, vì Trung Quốc không chỉ sử dụng các chiến thuật quân sự mà còn ép buộc các nước láng giềng dễ bị tổn thương.

Tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam) ở Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng, gia cố khoảng 8 hòn đảo, được trang bị các tên lửa đất đối không và sân bay hiện đại có thể hỗ trợ máy bay ném bom và các loại máy bay khác, một quan chức Không quân Mỹ cho biết. Đồng thời, Bắc Kinh đã sử dụng các chiến thuật hàng hải đáng ngờ ở Biển Đông, như sử dụng các tàu quân sự trá hình, sơn màu trắng để trông giống như tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, đe dọa tàu cá Việt Nam. Trung Quốc cũng có từ 100.000 đến 150.000 tàu đánh cá mà bất cứ lúc nào họ có thể vận hành, và sử dụng hệ thống điều khiển, phong tỏa hoặc đe dọa các quốc gia khác.

"Trung Quốc là đại diện cho mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất của chúng ta đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và đối với cả nước Mỹ", Đô đốc Phil Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần đây đã cảnh báo Thượng viện.

Rõ ràng, khi Mỹ xoay trục vì giật mình trước sự trỗi dậy của Trung Quốc thì họ đã bắt đầu tuyên bố nhiều hơn, hành động nhiều hơn để kìm hãm đối thủ. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc phải tính toán và cân nhắc hơn mỗi khi định hành động phiêu lưu tại khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại