Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) sẽ hỗ trợ phát triển Khu vực Vịnh Quảng Đông-Hong Kong-Macao bằng cách xây dựng hai mạng lưới truyền tải năng lượng bao gồm một loạt các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông, theo Thời báo Hoàn Cầu.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Lin Boqiang - một nhà phân tích Trung Quốc, nói hôm 14-3 rằng động thái này sẽ “tăng cường an ninh năng lượng của Trung Quốc” và giúp đảm bảo nguồn cung.
Thời báo Hoàn Cầu là một phụ san của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo một tuyên bố hôm 14-3 của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, dự kiến các mạng lưới trên sẽ cải thiện việc truyền năng lượng cho Khu vực Vịnh Lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macao.
Theo tuyên bố, CNOOC đã xác định Biển Đông là khu vực chính để thăm dò và phát triển dầu khí và tập đoàn này đã xây dựng một chiến lược thăm dò nước sâu.
CNOOC có kế hoạch xây dựng một loạt các mỏ dầu nước sâu ở phía đông Biển Đông trong vài năm tới. Tập đoàn này cũng sẽ phát triển mỏ khí nước sâu 100 tỉ mét khối đầu tiên ở phía tây Biển Đông.
Bản tin của Thời báo Hoàn Cầu không đề cập vị trí chính xác các mạng lưới truyền tải năng lượng mà CNOOC sẽ xây dựng cũng như các mỏ dầu và khí đốt tự nhiên lớn ở Biển Đông nằm trong mạng lưới này.
Trung Quốc thời gian qua ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở hầu hết biển Đông , vùng biển có vị trí địa kinh tế và địa chính trị quan trọng của thế giới; đồng thời cũng nằm trong tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp. Tháng 7-2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan ra phán quyết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, được gọi là đường lưỡi bò hay đường chín đoạn, là không có cơ sở pháp lý.
Phía Việt Nam trước nay luôn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp, trong đó có Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, nỗ lực để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).