Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2014, mức lương lãnh đạo cấp cao của các công ty Nhà nước do Bộ này quản lý dao động trong khoảng từ 38 đến 74 triệu đồng/tháng.
Còn theo số liệu vừa công bố giữa tháng 6/2016, lương của các vị lãnh đạo tập đoàn nhà nước năm 2015 cũng dao động trong khoảng tương tự.
Như tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, lương năm 2015 của ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐQT bình quân một tháng là 52,2 triệu đồng, ông Đặng Thanh Hải – Tổng giám đốc là 50,7 triệu đồng/tháng.
Tại Vietnam Airlines, theo kế hoạch dự trù năm 2015, lương cơ bản của Tổng giám đốc là 32 triệu đồng/tháng và nếu kinh doanh tốt thì có thể đạt hệ số 1,5 (tức là thực nhận khoảng gần 50 triệu đồng/tháng).
Trên thực tế, nếu chỉ xét ở mức lương, trưởng phòng ở một công ty trong ngành công nghệ, doanh thu chỉ khoảng vài chục triệu USD/năm ở Hà Nội, cũng đã vượt mức lương của Chủ tịch Tập đoàn Nhà nước với doanh thu cả tỷ đô (hàng trăm nghìn tỷ đồng và lợi nhuận hàng nghìn tỷ).
Nhìn vào những con số mời chào nhân sự cấp cao do Navigos Search đưa ra tháng 4/2016, mức lương dao động trong khoảng từ 100 – 145 triệu đồng/tháng thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ, thương mại và ngân hàng.
Tổng kết năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt doanh thu 106,86 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 600 tỷ đồng.
Còn tổng doanh thu của Vietnam Airlines là 70.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt trên 1.400 tỷ đồng… Thế nhưng mức lương của các lãnh đạo này thì không thể tăng như các công ty bên ngoài.
Lãnh đạo một tổng công ty Nhà nước lớn tâm sự: “Nếu gọi lương của mấy ông tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn là cao thì đúng là một trò đùa”.
Ông này nói thêm, những người phải chịu trách nhiệm cho tổ chức đem lại doanh thu hàng tỷ đô, với hàng chục nghìn con người nhưng lương còn thấp hơn cả “thằng cu con” làm trưởng phòng, quản lý hơn chục người ở một công ty cổ phần có doanh thu chỉ vài chục triệu đô là điều ai cũng thấy vô lý nhưng “cơ chế nó như vậy!”.
“Tất nhiên là sự so sánh ở đây hơi khập khiễng vì cơ chế khác nhau và đặc thù cũng khác. Thế nhưng, việc cứ rêu rao là lãnh đạo công ty Nhà nước hưởng lương cao nghe rất chối”, lãnh đạo này bình luận.
Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận: “Thu nhập thực tế sẽ không thấp và cái này thì khác với lương”.
Trong khi đó, ở cơ chế cổ phần, lương và thu nhập của các lãnh đạo công ty lớn rất khác biệt. Lương của lãnh đạo Vinamilk bình quân mỗi tháng là trên 400 triệu đồng, tức mỗi năm thu về gần 5 tỉ đồng.
Đây là chưa kể đến các khoản thưởng bằng cổ phiếu mà như bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc hiện sở hữu hơn 400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Vinamilk.
Lương trung bình của 3 lãnh đạo trong Hội đồng quản trị FPT gồm ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị) , ông Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc) và ông Đỗ Cao Bảo (Ủy viên Hội đồng quản trị) là 250 triệu đồng.
Đều gấp 4 – 5 lần mức lương của các lãnh đạo tập đoàn nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, trong những câu chuyện giữa ông và những vị giám đốc, tổng giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước, họ thường trải lòng là mức lương như thế là quá thấp và khó sống so với vị trí của họ.
Lương thấp khiến cho họ không đủ động lực để cống hiến và khiến họ cảm thấy đang lạc nhịp với tình hình thị trường.
Thường thì các công ty, tổng công ty lại phải có thêm các khoản khác để hỗ trợ thêm.
Và trong một số trường hợp ông Doanh từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, thì họ đã tìm những cách xoay sở bằng những cách “phi chính thức”. Do đó, thu nhập thực là không giới hạn và cũng không thể nào thống kê được.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng nên có những cơ chế, những cách thức quản lý mới, vừa là giữ chân nhân tài, vừa là khuyến khích họ cống hiến, tận lực vì doanh nghiệp, chứ không thế để họ vừa làm, vừa lo lương không đủ sống mà phải tìm cách xoay sở nhiều chiều như vậy.