Lượng băng biến mất ở Greenland 2 thập kỷ qua đủ để bao phủ toàn bộ Hoa Kỳ trong nửa mét nước

RYANKOG |

Greenland đã mất hơn 4.700 tỷ tấn băng trong 20 năm qua.

Bắc Cực đang ấm lên nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh và dải băng Greenland cho thấy rõ thiệt hại nặng nề của điều đó.

Theo dữ liệu vệ tinh mới được biên soạn bởi Polar Portal, tập hợp bốn cơ quan nghiên cứu của chính phủ Đan Mạch, Greenland đã mất hơn 4.700 tỷ tấn băng trong 20 năm qua, con số này gần đủ để làm ngập toàn bộ nước Mỹ trong 0,5 m nước.

Sự mất băng trên diện rộng này đã góp phần làm mực nước biển toàn cầu dâng lên 1,2 cm chỉ trong hai thập kỷ, các nhà nghiên cứu cho biết trên trang web của họ.

Lượng băng biến mất ở Greenland 2 thập kỷ qua đủ để bao phủ toàn bộ Hoa Kỳ trong nửa mét nước - Ảnh 1.

Dữ liệu của nhóm nghiên cứu kéo dài 20 năm, từ tháng 4 năm 2002 đến tháng 8 năm 2021 và dựa trên các quan sát được thực hiện bởi nhóm vệ tinh Gravity Recovery And Climate Experiment (GRACE), được phóng vào tháng 3 năm 2002.

Các vệ tinh này đo lường sự thay đổi trọng lực trên khắp thế giới, phản ánh khối lượng được phân bố xung quanh hành tinh theo thời gian. Nhóm Polar Portal cho biết, điều này đặc biệt hữu ích để ước tính những thay đổi với khối lượng băng.

Dữ liệu của GRACE cho thấy Greenland mất băng nghiêm trọng nhất xung quanh các bờ biển, nơi băng nhanh chóng mỏng đi và đổ xuống đại dương. Theo NASA, hiện tượng mất băng đặc biệt nghiêm trọng ở bờ biển Tây Greenland, nước dưới bề mặt ấm lên được cho là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình tan băng.

Lượng băng biến mất ở Greenland 2 thập kỷ qua đủ để bao phủ toàn bộ Hoa Kỳ trong nửa mét nước - Ảnh 3.

Bản đồ vệ tinh cho thấy các khu vực mất nhiều băng nhất (màu đỏ sẫm) ở Greenland tính đến tháng 8 năm 2021. Bờ biển phía Tây Greenland bị ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể do nhiệt độ ấm lên ở Bắc Băng Dương.

Theo NASA, băng tan ở Greenland là một trong những yếu tố chính thúc đẩy mực nước biển dâng cao. Một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Nature cho biết Greenland đang trên đà khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 7 đến 13 cm vào năm 2100.

Andrew Shepherd, tác giả chính của nghiên cứu và nhà khoa học khí hậu từ Đại học Leeds ở Anh, nói với NASA vào năm 2019: “Cứ mỗi cm mực nước biển toàn cầu dâng lên, 6 triệu người ven biển phải chịu cảnh ngập lụt trên khắp hành tinh.”

Greenland là nơi duy nhất trên thế giới ngoài Nam Cực có chứa tảng băng vĩnh cửu. Greenland và Nam Cực chứa 99% tổng trữ lượng nước ngọt của thế giới. Nếu toàn bộ tảng băng ở Greenland tan chảy, nó có thể làm mực nước biển toàn cầu tăng lên đáng kinh ngạc 7,4 m; trong khi đó, Nam Cực chứa đủ băng để nâng mực nước biển toàn cầu lên hơn 60 m nếu tan chảy hoàn toàn, theo Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại