Nhóm lưu vong thân Ukraine tập kích để phá hoại bầu cử Nga
Tập kết tại một ngôi nhà nông trang Ukraine, nhóm binh sĩ tộc Nga nổi loạn kiểm tra lại trang thiết bị của mình, bao gồm súng tiểu liên, súng máy, súng phóng lựu, pin dự phòng cho vô tuyến điện, đèn pin - tất cả những thứ cần thiết cho cuộc đột kích bí mật và táo bạo xuyên biên giới sang lãnh thổ Nga.
Nhóm lính Nga lưu vong này nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Nga Putin. Họ hiện chiến đấu cho Ukraine bằng cách thực hiện các cuộc đột kích lén vào lãnh thổ Nga.
Mục tiêu của họ là xuyên thủng tuyến phòng ngự thứ nhất của Nga, với hy vọng mở lối cho đơn vị khác thọc sâu hơn nữa vào lãnh thổ Nga bằng xe tăng và xe thiết giáp chở quân.
Một người lính trong đám này nói: "Chúng tôi sẽ nhảy vào chiến hào của họ và chiếm lấy nó. Hoặc là chúng tôi hạ gục họ, hoặc là họ sẽ thanh toán chúng tôi".
Các nguồn tin Nga và Ukraine xác nhận trong tuần qua, chiến sự bùng phát dữ dội dọc biên giới phía Nam của Nga khi có những cuộc đột kích trên bộ xuyên biên giới vào trong lãnh thổ Nga với quy mô rộng khắp nhất kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.
Các nhóm lính Nga lưu vong này thừa nhận ý đồ của họ là phá hoại bầu cử tổng thống Nga 2024, khi ông Putin dự kiến sẽ trở thành tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 5. Tình báo quốc phòng Ukraine công khai hậu thuẫn cho các nhóm lưu vong này.
Khi chiến sự leo thang như vậy, Thống đốc tỉnh Belgorod, Vyacheslav Gladkov, thông báo trên Telegram rằng các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa vào ngày 17/3, còn trường học sẽ đóng cửa trong các ngày 18-19/3.
Vị tỉnh trưởng nói: "Tình hình rất khó khăn ở thành phố và tỉnh Belgorod... Rõ ràng giáo viên, người trông trẻ và nhân viên kỹ thuật đều rất lo lắng".
Tấn công táo bạo, sử dụng cả xe tăng, phối hợp với UAV
Ukraine ngày càng táo bạo trong tổ chức các cuộc tấn công trực tiếp bên trong lãnh thổ Nga, phá hoại hệ thống đường sắt tại Siberia, tấn công nhà máy lọc dầu và kho nhiên liệu. Để thực hiện các cuộc tấn công này, Ukraine triển khai UAV cảm tử và hậu thuẫn các nhóm chiến đấu sử dụng xe tăng vượt biên giới đánh vào Nga. Lo sợ Nga sẽ leo thang hoạt động đáp trả quân sự, Mỹ và phương Tây đã cấm quân đội Ukraine sử dụng các vũ khí do họ viện trợ để thực hiện các cuộc tấn công này.
Giới phân tích quân sự phương Tây cho rằng các cuộc tấn công này khiến quân đội Nga phải giảm bớt lực lượng phòng không trên chiến trường Ukraine và gây sứt mẻ nền kinh tế dầu mỏ của Nga trong bối cảnh đã hứng chịu sẵn nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, từ đó có thể dẫn tới khả năng đàm phán trong tương lai.
Khu vực biên giới bị tấn công là nơi dân cư thưa thớt, gồm những cánh đồng, rừng và các ngôi làng nhỏ. Có khoảng 6 chốt biên phòng Nga cũng bị tấn công.
Nhóm Nga lưu vong cho biết, đây là lần đầu tiên có lực lượng từ bên ngoài tấn công sâu vào lãnh thổ Nga kể từ sau Thế chiến II.
Loạt chiến sự trên bộ này trùng hợp về thời gian với loạt tấn công bằng UAV Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga và thành phố Belgorod của Nga.
Trước đó, vào ngày 15/3, Tổng thống Nga Putin phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh nước này rằng có "các cuộc tấn công vào các khu định cư yên bình trong lãnh thổ Nga". Khi ấy, ông Putin cho hay, 2.500 lính cùng với xe tăng và xe thiết giáp đã tiến hành các cuộc tấn công dọc biên giới. Nhà lãnh đạo Nga gọi những quân nhân này là "lính đánh thuê" do chính phủ Ukraine chỉ đạo. Ông cho biết thêm, loạt tấn công tại 5 địa điểm nói trên có ý định phá rối bầu cử của Nga vào kỳ nghỉ cuối tuần nhưng đã bị đẩy lùi.
Ba nhóm lính lưu vong nói trên gồm "Lực lượng lê dương Nga tự do", "Quân đoàn tình nguyện Nga" và "Tiểu đoàn Siberia". Họ từ chối tiết lộ quân số của mình nhưng xác nhận có sử dụng xe tăng trong giao tranh.
Aleksey Baranovsky - phát ngôn viên của "Lực lượng lê dương Nga tự do" nói: "Bầu cử là dịp để tiếng nói của chúng tôi được người khác nghe thấy".
Các nguồn tin Nga và Ukraine xác nhận, các cuộc tấn công tiếp diễn dọc theo dải biên giới khoảng 160km giữa các tỉnh Sumy và Kharkov bên phía Ukraine và các tỉnh Belgorod và Kursk bên phía Nga.
Các blogger quân sự Nga nhận diện được 9 điểm xâm nhập. Hai bên đều mô tả có các cuộc tấn công bằng máy bay trực thăng xuất kích từ Ukraine. Theo phóng viên New York Times tận mắt chứng kiến, tham gia chuẩn bị cho hoạt động tác chiến này có khoảng 50 lính, 2 xe tăng, 4 xe bọc thép chở quân, bao gồm 2 chiếc M-113 do Mỹ thiết kế.
Hôm 15/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ đã đẩy lui tất cả các cuộc tấn công và họ đã sử dụng rocket để đánh vào các binh lính đổ bộ vào Nga bằng máy bay trực thăng, ép họ phải chạy vào một bãi mìn. Theo thông cáo của bộ này, lực lượng Nga khi ấy đã phá hủy được 18 xe tăng và 23 xe bọc thép của Ukraine.
Tiến sâu hơn nữa vào lãnh thổ Nga, các UAV Ukraine hôm 16/3 đã đánh trúng 2 nhà máy lọc dầu ở tỉnh Samara trên sông Volga ở miền Trung nước Nga, gây ra hỏa hoạn tại 1 trong 2 nhà máy này, theo giới chức địa phương và truyền thông Nga.
Ukraine dung dưỡng nhóm chống phá Nga
Ukraine đã và đang tuyển chọn các phần tử dân tộc Nga lưu vong và những nhóm thiểu số Nga bất mãn.
Thủ lĩnh của "Quân đoàn tình nguyện Nga", Denis Kapustin, công khai cổ xúy các quan điểm cực hữu. Giới chức Đức xác định Kapustin là một phần tử tân phát xít.
Trả lời phỏng vấn tại một căn cứ bên trong một ngôi làng Ukraine hôm 13/3, Kapustin nói rằng các cuộc tấn công bên trong Nga vào dịp bầu cử có quy mô lớn hơn so với các cuộc phá hoại ngầm bằng các đơn vị nhỏ mà ông ta từng thực hiện trước đó.
Kapustin kể, nhóm của ông ta tấn công "ồ ạt bằng xe tăng, xe thiết giáp và pháo" và đã thành công trong việc gây bất ổn cho khu vực biên giới trước bầu cử Nga. Ông ta còn chia sẻ rằng nhóm của mình đã gây trật ray cho nhiều chuyến tàu hỏa của Nga.
Kapustin xác nhận, quân đội Ukraine đã "giúp chúng tôi vô cùng nhiều", bằng thông tin tình báo, hoạt động hậu cần và sơ tán thương binh.
Theo Kapustin, các hoạt động tấn công xuyên biên giới như thế này đã buộc Nga phải phân bổ lại nguồn lực quân sự mà bình thường sẽ được sử dụng hết cho mặt trận phía Đông Nam.
Tuy nhiên, các nhóm lính Nga lưu vong thân Ukraine này cũng hứng chịu các thiệt hại. Máy bay Nga đã ném bom khu vực Ukraine gần biên giới 2 nước. Giới chức Ukraine ngày 16/3 ra lệnh sơ tán 22 thị trấn và ngôi làng.