Làm luật sư 7 năm, có công ty riêng vẫn “đi xin cơ hội", sếp Hoàng Nam Tiến: Bạn biết phải làm gì không?

Thùy Anh |

Không nên lao ngay vào thị trường lao động, đây mới là điều sếp Hoàng Nam Tiến khuyên người trẻ nên làm.

Trong chương trình “Cơ hội cho ai" mùa 5, có 2 ứng viên cùng làm nghề luật sư đã tham gia tranh luận để được làm việc cho các sếp lớn. 

Luật sư dày dạn kinh nghiệm vẫn đi tìm cơ hội

Đỗ Văn Luận, 30 tuổi đến từ Đắk Nông Tốt nghiệp khoa Luật Hình sự - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Anh có 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn Pháp luật và tham gia tố tụng. Văn Luận từng là Trưởng chi nhánh TP. HCM của 1 công ty Luật, hiện đang là Giám đốc của Công ty Luật TNHH Lập Phương. 

Đến với chương trình, chàng trai 30 tuổi hy vọng sẽ tìm được một cơ hội vừa phát huy được khả năng hiện tại, vừa học thêm những bài học mới.

Cùng tham gia chương trình, Nguyễn Minh Thành, 34 tuổi đến từ Lâm Đồng. Anh sở hữu bằng Thạc sĩ Luật dân sự và tố tụng dân sự tại Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM. Ngoài ra, Minh Thành còn có chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị và quản lý hành chính nhà nước, chứng chỉ hoàn tất khóa học đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp TP. HCM, và có 9 năm kinh nghiệm làm việc tại Phòng công chứng thuộc sở Tư Pháp HCM. Chưa kể, anh đã có 5 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đoạt giải Nhất trong Hội thi tuyên truyền, hiến kế cải cách thủ tục hành chính 2019. 

Mục tiêu lớn nhất khi đến với chương trình Cơ Hội Cho Ai – Whose Chance? của Minh Thành là tìm được một môi trường anh có thể yên tâm phát triển bản thân cũng như đóng góp giá trị cho doanh nghiệp.

Bước vào vòng Đối mặt, hai ứng viên Đỗ Văn Luận và Nguyễn Minh Thành tranh biện với chủ đề: ‘Có quan điểm cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay có khả năng chịu áp lực kém hơn các thế hệ trước. Bạn ủng hộ hay phản đối quan điểm này?’

Ứng viên Văn Luật giành quyền trình bày trước và anh phản đối quan điểm trên. Theo anh mỗi thế hệ đều có những áp lực khác nhau và đối mặt với những thời cơ, thách thức khác nhau. Thế hệ nào cũng đang làm rất tốt trách nhiệm của mình và mức độ chịu áp lực là tương đương.  

Luật sư trên 7 năm, có công ty riêng vẫn “đi xin cơ hội, sếp Hoàng Nam Tiến: Bạn biết phải làm gì không? - Ảnh 1.

Hai ứng viên cùng làm luật sư. Ảnh: Cơ hội cho ai

Ứng viên Minh Thành cũng phản đối quan điểm trong chủ đề tranh biện. Anh cho rằng khi so sánh phải đặt cùng hệ giá trị cùng hệ quy chiếu. Trong khi áp lực của thế hệ trước là khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, điều kiện học tập, thiếu ăn, thiếu mặc, còn thế hệ ngày nay lại đối mặt với sự bùng nổ công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vì vậy kiến thức của họ phải cập nhật thường xuyên. 

Tuy nhiên, theo Minh Thành thế hệ trẻ ngày nay có nhiều ưu thế hơn bởi họ có sự năng động, sáng tạo được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến vì vậy họ có tư duy phản biện, có quan điểm mới. 

Lời khuyên của sếp lớn

Muốn hiểu hơn về hai ứng viên, Sếp Hiếu đã đặt câu hỏi về những áp lực mà Văn Luận và Minh Thành đang đối mặt. Văn Luận chia sẻ về áp lực lớn nhất mình “Em sợ tốc độ thành công của mình không theo kịp tốc độ già đi của ba mẹ.”

Còn sếp Vũ Linh cho rằng Văn Luận còn áp lực vô hình nào đó nữa thì anh mới đến chương trình tìm việc trong khi bản thân đang có công ty riêng. 

Giải đáp thắc mắc của Sếp Vũ Linh, Văn Luận cho biết: ‘Lượng khách hàng của em đang chưa thật sự phát triển nên đây là cơ hội để em phát triển bản thân.’

Luật sư trên 7 năm, có công ty riêng vẫn “đi xin cơ hội, sếp Hoàng Nam Tiến: Bạn biết phải làm gì không? - Ảnh 2.

Sếp Hoàng Nam Tiến. Ảnh: FBNV

Về phía Minh Thành bày tỏ: “Sau một quá trình dài em thực hiện công việc lặp đi lặp lại hơn 10 năm thì em phải nhìn lại bản thân để có định hướng tương lai. Đồng thời em phải cân bằng giữa tham vọng của bản thân và việc quan tâm bảo vệ gia đình để vợ con hạnh phúc hơn em và mẹ em trước đây.”

Những khủng hoảng và áp lực của Văn Luận và Minh Thành được các cả MC Tiến Dũng và các sếp chia sẻ vì họ đều đã trải qua. Sau khi lắng nghe câu chuyện của cả hai, sếp Hoàng Nam Tiến đã đưa ra lời góp ý trước khi bước vào vòng tiếp theo.

"Con người ta ở độ tuổi từ 28-35 tuổi gọi là khủng hoảng tuổi trưởng thành, khi đó các bạn có một chút quan hệ, một chút tiền bạc và các bạn muốn làm gì đấy cho bản thân thì việc quan trọng nhất tại thời điểm này là các bạn phải đi học. Nếu được khuyên thì tôi sẽ nói các bạn đừng thuyết phục các sếp để được đi làm vội. Hãy dành ra cho mình khoảng 1 năm rưỡi đi học" - Sếp Tiến chia sẻ.

Ông nói thêm: "Giống như 13 tuổi là tuổi dậy thì, 28 - 35 tuổi là khủng hoảng tuổi trưởng thành. Chúng ta nên dừng lại một nhịp, bỏ ra một khoảng thời gian để hiểu rõ năng lực, giá trị của mình, học thêm một hướng mới để tạo ra điểm đột phá về sau này. Bởi vì sau ngưỡng này, các bạn sẽ có cuộc bứt phá liên tục từ tuổi 48 - 50."

Thùy Anh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại