Đề nghị giảm án cho cựu Bí thư Hải Dương
Sáng 9/1, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) và luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) cùng trình bày nội dung bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương).
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á , ông Thăng bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS. Nêu quan điểm luận tội, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt ông mức án từ 5 – 6 năm tù giam.
Khi bào chữa, các luật sư nhận định, tội danh truy tố ông Thăng là phù hợp với tài liệu chứng cứ, hồ sơ có trong vụ án, cá nhân ông không có khiếu nại nên luật sư không tranh luận thêm. Tuy nhiên, mức án từ 5 – 6 năm tù theo đề nghị là quá nghiêm khắc.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Thăng rất “đặc biệt”, bởi trong năm 2020, tại Hải Dương xảy ra các đợt dịch dịch Covid-19, có nguy cơ lây lan rộng. Thời điểm đó, quan điểm, nhận thức và phương pháp phòng, chống dịch là “Zero Covid”; phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, “thần tốc”, “nhanh hơn một bước cao hơn một cấp”. Trong bối cảnh chưa có vắc xin và thuốc chữa bệnh đặc trị, với quan điểm, nhận thức như trên thì xét nghiệm là vũ khí duy nhất được sử dụng.
Luật sư Cường cho rằng, nguyên nhân, động cơ để bị cáo Thăng chỉ đạo Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương là do tình hình dịch bệnh cấp bách, bị cáo tin tưởng đề xuất từ lãnh đạo Bộ y tế lúc bấy giờ và căn cứ theo kết quả cuộc họp Thường vụ tỉnh ủy. Kết luận cuộc họp là kết quả của ý kiến tham mưu của nhiều thành phần tham dự.
Bản thân bị cáo Thăng và Phan Quốc Việt cũng như Công ty Việt Á không có bất kỳ liên hệ, tiếp xúc nào, cũng như không có thỏa thuận, hứa hẹn nào.
“ Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ cho thấy việc bị cáo Thăng chỉ đạo Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm do nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan như đề xuất của cấp trên, cấp dưới trong các cuộc họp, nhận thức bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á; thời điểm này, bị cáo không quen biết Phan Quốc Việt từ trước, không thỏa thuận, không có động cơ vụ lợi; bị cáo cũng không có sự chỉ đạo trực tiếp cho bất kỳ cá nhân nào liên hệ hay thỏa thuận làm việc với Phan Quốc Việt. Bởi vậy, kính đề nghị HĐXX xem xét quyết định hình phạt phù hợp với bị cáo Thăng”, luật sư Cường lập luận.
80 cựu học sinh xin giảm án cho cựu Bí thư
Về nhân thân, luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho biết, ông Phạm Xuân Thăng chưa có tiền án, tiền sự, đây là lần đầu tiền bị cáo phạm tội.
Ông Thăng xuất phát từ nghề giáo, từng là giáo viên trường THPT Cầu Xe (huyện Tứ Kỳ) rồi chuyển sang công tác ở Đảng bộ tỉnh Hải Dương. Trong hơn 30 năm công tác, ông Thăng được trao tặng 43 bằng khen, giấy khen, trong đó có 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Trước phiên tòa, luật sư nhận được đơn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương; đơn của 22 cán bộ, giáo viên trường THPT Cầu Xe và 80 cựu học sinh của trường xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Luật sư Hương Giang cho rằng trong suốt quá trình giải quyết vụ án, ông Phạm Xuân Thăng đã hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả, đây có thể xem là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.
Cũng tại phần bào chữa sáng nay, luật sư của bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) bày tỏ đồng tình khi thân chủ bị cáo buộc "Nhận hối lộ". Song mức đề nghị án từ 13 - 14 năm của đại diện Viện kiểm sát là quá nặng.
Theo luật sư, ông Tuyến sau khi phạm tội đã tác động gia đình nộp khắc phục hơn 14 tỷ đồng nhưng chưa được HĐXX ghi nhận toàn bộ. Hiện gia đình đang cố gắng khắc phục hơn 700 triệu còn lại.