01.
Cô vừa thụ lý một vụ ly hôn cho một người đàn ông 80 tuổi. Ông có một người vợ đã kết hôn hơn 40 năm, nằm liệt giường trong tình trạng hôn mê và không thể tự chăm sóc bản thân. Họ cũng có ba người con, tất cả đều đã lập gia đình ở nước ngoài. Trong căn nhà rộng gần 200 mét vuông, trừ người giúp việc ra, không còn ai có thể nói chuyện với ông.
Người đàn ông 80 tuổi đã lên mạng, tình cờ trò chuyện hợp ý với một người phụ nữ kém mình hai mươi tuổi. Người này có tính cách hiền lành, tử tế, đang sống một mình vì các con đã đi định cư hết ở nước ngoài. Hai người lớn tuổi thường xuyên qua lại, trò chuyện với nhau.
Sau đó, khi vợ của người đàn ông qua đời, ông đi vào cuộc hôn nhân thứ hai cùng với người phụ nữ quen trên mạng. Cứ tưởng tuổi già đã hạnh phúc thì chỉ sau một thời gian, người phụ nữ đòi ly hôn. Lúc này, người phụ nữ đã lấy được 6 triệu NDT tiền mặt cùng với một căn nhà trị giá hơn 10 triệu NDT.
“Đây là một cuộc hôn nhân có động cơ không trong sáng,” luật sư Gia Lý bình luận. Người đàn ông tham tình cảm, người phụ nữ tham tiền bạc, cuối cùng phải nhờ vào luật pháp để tranh giành với nhau.
Làm việc trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Gia Lý đã nghe rất nhiều nguyên nhân, chứng kiến rất nhiều kết quả. Bản chất của con người rất khó có thể che giấu qua thử thách thời gian.
02.
Trong tòa án nghiêm nghị, năm anh chị em cùng kiện em út của mình. Nguyên nhân bắt nguồn từ một ngôi nhà cũ ở vùng ngoại ô Bắc Kinh.
Các anh chị em trong nhà đều đã có gia đình riêng, dọn ra ngoài sống từ lâu. Chỉ còn mỗi em trai út ở cùng cha mẹ già trong ngôi nhà cũ này. Sau khi cha mẹ qua đời, người em út đã sửa sang lại và xây thành ngôi nhà 5 tầng khang trang.
Mấy năm trước, theo chủ trương di dời và phá bỏ, ngôi nhà của người em út được đền bù 8 triệu NDT cộng với 5 căn hộ chung cư nhỏ. Lúc này, các anh chị em bắt đầu đứng ngồi không yên.
Ban đầu, mọi người đề nghị người em lấy ra 400 ngàn NDT, chia cho hai chị em gái đi lấy chồng xa, coi như là di sản cha mẹ chia cho họ. Tuy nhiên, người em thì cho rằng: Khi lấy chồng, họ đã nhận được phần cha mẹ cho rồi, sau đó cũng chẳng mấy khi về phụng dưỡng cha mẹ thì tại sao giờ lại về đòi thêm di sản?
Sau một hồi tranh chấp, cả nhà đưa nhau ra tòa. Lúc này, người chú cũng xuất hiện và cho rằng, căn nhà cũ này có từ thời ông bà để lại. Nếu nhận tiền từ việc phá bỏ di dời thì người chú cũng phải được chia một nửa.
Tranh chấp vốn dĩ có thể được giải quyết với 400 ngàn NDT thì bây giờ có thể phải mất tới 4 triệu NDT.
Khi chia sẻ với luật sư, người em trai đã tự hỏi: “Tôi thường xuyên thắc mắc rằng, đứng trước di sản, tình cảm giữa những con người đã 50, 60 tuổi rốt cuộc giá trị bao nhiêu?”
Cho dù pháp luật có đưa ra một kết luận như thế nào thì kết cục của gia đình họ cũng đã được định sẵn sẽ “tan đàn xẻ nghé”, cả đời không còn qua lại với nhau.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
03.
Buổi chiều các ngày trong tuần là thời gian bận rộn nhất tại văn phòng luật Gia Lý. Họ đón tiếp đủ loại khách hàng tới để kể về hoàn cảnh của mình. Có những cụ ông 60, 70 tuổi, phải đeo kính lão để đọc tài liệu. Có những người phụ nữ trung niên tiều tụy, tay dắt theo đứa trẻ mặc toàn đồ sờn cũ. Có người nghe tư vấn thì cau mày, phẫn nộ, có người lại trầm lặng, đau thương.
Luật sư Gia Lý thường nói rằng: “80% công tác của tôi là xử lý vấn đề tình cảm, 20% còn lại mới là xử lý chuyện pháp luật liên quan.”
Từ thống kê những vụ do mình thụ lý, nữ luật sư cũng đưa ra đánh giá rằng, phụ nữ thường quan tâm tới con cái hơn là tiền bạc khi thảo luận chuyện ly hôn.
Đa số phái nữ có thể chấp nhận từ bỏ hoặc nhượng bộ về mặt tranh chấp tài sản để có thể tranh đoạt quyền nuôi con. Còn phái nam sẽ lý tính hơn khi cho rằng: “Nếu có quyền nuôi con là tốt nhất, nếu không thì hãy tận dụng khả năng phân chia tài sản có lợi nhất, phí nuôi dưỡng con cái có thể chu cấp theo tiêu chuẩn của pháp luật.”
Lại có rất nhiều người phụ nữ suy nghĩ cho tương lai của con cái mà do dự không thể đưa ra quyết định ly hôn. Họ muốn cho con cái một mái ấm gia đình có đầy đủ cha mẹ, được vững vàng về tài chính, không phải lo lắng điều tiếng xung quanh.
Đối với suy nghĩ này, luật sư cho rằng: “Đừng đánh cược tương lai của bản thân và con cái vào một cuộc hôn nhân rạn nứt.”
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nếu một cuộc hôn nhân chắc chắn đi đến hồi kết, học cách buông bỏ có thể là khởi đầu cho một cuộc sống hạnh phúc khác.
Thời gian có thể thay đổi con người hay không thì tùy thuộc vào nhiều nhân tố. Còn bản chất con người thường không thể giấu được qua thời gian.
*Theo Aboluowang