Luật sư dẫn chứng vụ Giang Kim Đạt bào chữa cho Nguyễn Văn Dương

Yến Chi |

Trong phần tranh tụng bào chữa cho ông "trùm" Nguyễn Văn Dương, luật sư đã dẫn chứng lại vụ Giang Kim Đạt.

Sáng 22/11, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng liên quan 2 tướng công an tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng, mở đầu là lời bào chữa của các luật sư dành cho ông "trùm" Nguyễn Văn Dương.

Trước đó, ngày 21/11, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ đã luận tội Nguyễn Văn Dương và đề xuất mức hình phạt tù từ 8-9 năm đối với “Tội tổ chức đánh bạc” và 3-4 năm tù đối với “Tội rửa tiền”, tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội danh từ 11 đến 13 năm tù.

Bào chữa cho thân chủ, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ tối đa trách nhiệm hình sự cho bị cáo Dương theo chính sách khoan hồng của pháp luật, để bị cáo có hi vọng sớm được trở về sau quá trình cải tạo thi hành án.

Luật sư Phúc cho rằng, với tội danh tổ chức đánh bạc, mức đề xuất của VKS đối với bị cáo Dương “quá nghiêm khắc, thực sự vừa khác biệt, vừa cách biệt tại phiên tòa này” nếu so sánh với các bị cáo khác có cùng tội danh.

"Tại phiên tòa xét xử sáng qua, Nguyễn Văn Dương có lời trình bày đề nghị HĐXX xem xét, nếu CNC không phải là công ty bình phong như sự phủ nhận của bị cáo Nguyễn Thanh Hoá, thì Dương vẫn xin chịu trách nhiệm về sai phạm trong vụ án này với tư cách của một doanh nghiệp bình thường, dù điều đó bất lợi hơn cho bị cáo.

Do đó, chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét cân nhắc vì lời đề nghị của bị cáo Dương là nhận trách nhiệm toàn bộ cho mình, nhưng khi xét xử cần căn cứ hồ sơ vụ án, kết quả thẩm vấn và tranh tụng công khai tại phiên tòa để xác định sự thật vụ án”, luật sư Phúc nói.

Đồng thời đưa ra các luận cứ chứng minh, việc thành lập CNC làm công ty bình phong của C50 là nhằm thực hiện đề án đã được cơ quan có thẩm quyền Bộ Công an phê duyệt.

Các hoạt động của CNC đều được Nguyễn Văn Dương báo cáo và thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo C50 và Tổng cục Cảnh sát.

Đặc biệt, việc vận hành cổng trung gian thanh toán game bài được cơ quan này cũng như cơ quan thanh tra, kiểm tra biết rõ, nhưng sau đó xác định không vi phạm pháp luật, không phải xử lý.

“Trong bối cảnh với nguyên nhân, điều kiện phạm tội như vậy, kính mong HĐXX đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội để xem xét giảm nhẹ TNHS cho bị cáo Nguyễn Văn Dương”, luật sư Phúc đề nghị.

Cũng trong sáng 22/11, bào chữa cho Dương về tội "Rửa tiền", luật sư Phan Trung Hoài đã dẫn lại vụ án Giang Kim Đạt (đã xét xử sơ, phúc thẩm tại Hà Nội) mà luật sư đã tham gia bào chữa cho bị cáo này.

Theo luật sư, bị cáo Đạt bị tuyên tử hình vì tội Tham ô tài sản với số tiền lên tới trên 255 tỉ đồng. Đạt chuyển tiền về cho cha ruột để đứng tên mua 39 tài sản là nhà, đất, xe ô tô.

Trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng không kết thêm tội “Rửa tiền” cho Giang Kim Đạt, mà bố bị cáo bị kết tội về hành vi “Rửa tiền”.

“Hành vi của Giang Kim Đạt nếu so sánh với vụ án này, cũng thỏa mãn các dấu hiệu của tội danh này.

Có thể coi đây là một “tiền lệ án” rất có ý nghĩa tham khảo”- luật sư Hoài nói và cho biết, một người chỉ có thể bị truy tố, xét xử về tội Rửa tiền khi biết rõ nguồn gốc số tiền do người khác phạm tội mà có, chứ không phải do chính mình thực hiện.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến, một luật sư khác của Nguyễn Văn Dương, cho rằng, pháp luật mới có quy định về tội rửa tiền, còn thực tiễn xét xử đặc biệt ít.

“Toàn bộ số tiền bị quy kết là rửa tiền đều nằm trong một tội phạm độc lập khác, đang bị đề nghị một mức án rất nghiêm khắc. Về lý luận khoa học, đó là tội phạm nguồn”- luật sư Chiến nêu quan điểm.

Từ những lập luận trên, các luật sư bào chữa cho bị cáo Dương đề nghị HĐXX, đại diện VKS tỉnh Phú Thọ cân nhắc, xem xét lại việc truy tố và xét xử bị cáo này về tội rửa tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại