Phiên tòa đã có tiến bộ hơn
Luật sư Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã có những trao đổi, đánh giá tổng quan về phiên tòa xét xử sau 10 ngày làm việc và kỳ vọng vào bản án sơ thẩm sẽ được tuyên vào sáng 22/1 tới đây.
Là luật sư vào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, bà đánh giá như thế nào về những điểm đổi mới của phiên tòa này và phần tranh luận, đối đáp giữa luật sư, bị cáo với VKS?
Luật sư Trần Hồng Phúc: Về tinh thần đổi mới của phiên tòa thì rõ ràng đã có sự tiến bộ hơn trong việc không hạn chế, tạo điều kiện cho các bên đưa ra ý kiến của mình.
Việc hạn chế ở phần đối đáp, có chăng chỉ dừng lại ở chuyên môn, nghiệp vụ của bên buộc tội hoặc bên gỡ tội. Nếu một bên dừng lại không tiếp tục đối đáp nữa và cho rằng đấy là quan điểm cuối cùng rồi thì rõ ràng bên phía kia cũng không còn điều kiện để tiếp tục đối đáp.
Tôi cho rằng, về mặt điều hành, chủ trương cải cách tư pháp tại phiên tòa thì không hạn chế ý kiến đối đáp của các bên nhưng có sự hạn chế nào đó xảy ra thì do các bên khi thực hiện chức năng của mình đã tự hạn chế mình thôi.
Tại phiên tòa này, mới chỉ đối đáp lượt thứ 2 đã phải dừng lại do đại diện Viện kiểm sát cho rằng, quan điểm đối đáp của mỗi bên có sự khác biệt về cách nhìn nhận, đánh giá chứng cứ khác nhau nên để HĐXX phán quyết.
Quan điểm của chúng tôi là đối với các chứng cứ mấu chốt mà bên buộc tội đưa ra để buộc tội đối với các bị cáo thì chứng cứ đó phải đưa ra xem xét, đánh giá thẩm tra công khai tại phiên tòa, các bên thực hiện chức năng "gỡ tội", "buộc tội" của mình dựa trên sự mổ xẻ, phân tích đánh giá khách quan từ hình thức đến nội dung mà chứng cứ chứa đựng để HĐXX thấy rõ sự thật vụ án.
Đối đáp không phải là việc liệt kê chứng cứ mà là sự phân tích và mổ xẻ chứng cứ để chứng minh hành vi, hậu quả mà các bị cáo đang bị cáo buộc trong vụ án, là sự phân tích, áp dụng đúng pháp luật để xác định chứng cứ đó bảo đảm tính hợp pháp.
Qua đó, HĐXX sẽ đối chiếu pháp luật để có sự đánh giá khách quan, công bình và đúng pháp luật đối với người bị buộc tội.
Cần nói thêm phần đối đáp càng sâu, càng kỹ thì cũng là biện pháp giáo dục pháp luật cho bị cáo cũng như người tham dự phiên tòa.
Bởi qua đó họ có sự hiểu biết rõ hơn về pháp luật để tự bản thân hiểu được pháp luật là công minh, công bằng; ai sai phạm phải bị xử lý nghiêm minh, ai còn chưa biết hành vi của mình có vi phạm hay không vi phạm pháp luật hình sự thì được công khai xem xét.
Các bị cáo trong vụ án. Ảnh: TTXVN.
Về cách điều hành của HĐXX trong phiên tòa, bà có nhận xét như thế nào?
LS Trần Hồng Phúc: Ngoại trừ sự chưa thuần thục về thứ tự bào chữa, đối đáp theo quy định của BLTTHS 2015 rất mới, thì tôi thấy khá hài lòng khi HĐXX điều hành công tâm, tạo ra không khí dân chủ, bảo đảm quyền của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và không bị giới hạn về mặt thời gian.
Đôi khi có sự trùng lặp về câu trả lời hay ý kiến, quan điểm của người tham gia tố tụng mà HĐXX ngắt thì cũng phù hợp.
Bởi vì phiên tòa còn có nhiều người tham gia tố tụng khác nên cần đảm bảo quyền của họ cũng như một vấn đề nếu cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần thì giảm ý nghĩa bởi HĐXX đã biết, mọi người cũng đã rõ.
Còn những gì mới hay chưa rõ thì HĐXX cũng tạo điều kiện tốt cho trình bày.
Các bị cáo hiểu biết pháp luật không chuyên sâu
Bà đánh giá thế nào về nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự được thể hiện ở phiên tòa này?
LS Trần Hồng Phúc: Khi xem xét trách nhiệm hình sự đối với một người, nguyên tắc suy đoán vô tội cần được đặt lên hàng đầu. Điều này đã được BLTTHS 2015 quy định.
Để nâng cao hơn nữa tinh thần cải cách tư pháp thì cần áp dụng tối đa nguyên tắc này khi đánh giá chứng cứ công khai tại tất cả các phiên tòa hình sự chứ không chỉ ở phiên tòa này.
Có như vậy mới nâng cao hiệu quả của công tác cải cách tư pháp, lấy Tòa án làm trọng tâm cải cách.
Đối với phần các bị cáo như bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh... tự bào chữa cho mình trước tòa, bà có đánh giá như thế nào?
Bị cáo Đinh La Thăng và những câu nói trong 10 ngày xét xửLS Trần Hồng Phúc: Nhìn chung các bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử trong vụ án này đều liên quan đến quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao nên họ chỉ nắm sâu về chuyên môn, nghiệp vụ công tác chứ chưa phải am tường, hiểu biết về pháp luật.
Do đó, tại phiên tòa họ không thể có các lập luận, quan điểm về mặt pháp lý hay các vấn đề ở tầm vĩ mô pháp luật để tự bào chữa nên họ cần có luật sư biện hộ cho mình.
Đây có lẽ là hạn chế lớn nhất của các bị cáo, kể cả các bị cáo đã làm công tác quản lý Nhà nước ở vị trí cao nhưng hiểu biết về pháp luật cũng không phải chuyên sâu. Do đó, trách nhiệm này thuộc về luật sư khi bào chữa.
Bà kỳ vọng như thế nào về bản án sẽ được tuyên vào ngày 22/1 sắp tới?
LS Trần Hồng Phúc: Tôi kỳ vọng sẽ có một bản án được tuyên xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan đối với người vô tội.
Bản án được tuyên sẽ dựa trên toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa và kết quả tranh tụng.
Còn những gì chưa được thẩm tra, đánh giá công khai hoặc chưa được tranh tụng, đối đáp một cách đầy đủ, khách quan thì có lẽ không dùng làm căn cứ để HĐXX đưa ra phán quyết, buộc tội các bị cáo.
Xin cảm ơn bà về phần trao đổi!