Vụ việc Christopher Trinnaman, người từng phải ngồi tù ở Anh vì dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục, đã tới Việt Nam làm nhạc công trong một dàn nhạc giao hưởng, khiến nhiều người lo ngại trong thời gian vừa qua.
Tại Anh, những người có tiền án về xâm hại tình dục, ấu dâm không bị cấm đi ra nước ngoài. Việc họ đến sinh sống ở một quốc gia khác trong khi có tên trong danh sách tội phạm tình dục của Anh không vi phạm luật lệ nào. Điều này đã cho thấy pháp luật có một số lỗ hổng nhất định khi thực thi.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia, những tên tội phạm ấu dâm sau khi mãn hạn tù, ra ngoài cuộc sống, họ còn phải chịu "bản án" hà khắc hơn khi cuộc sống bị mất tự do, bị mọi người xa lánh và kì thị, không được tiếp xúc với cộng đồng và bị hạn chế một số quyền công dân.
Christopher Trinnaman, tội phạm ấu dâm tại Anh, chụp ảnh cùng một bé gái. Ảnh: Facebook.
Mỹ
Mỹ là một quốc gia đứng đầu trong việc có nhiều hình thức quản chế dành cho các tội phạm ấu dâm sau khi ra tù. Định kỳ hàng tháng, những người này phải đến cơ quan chức năng để trình báo vị trí, hoạt động của mình.
Không chỉ vậy, thông tin về những người có tiền án cũng được công khai trên các trang mạng của chính quyền địa phương cho người dân tiện tra cứu.
Bên cạnh đó, những người có tiền án về phạm tội ấu dâm còn bị tước một số quyền công dân cơ bản như bỏ phiếu, sở hữu vũ khí, mở công ty. Thậm chí, họ còn bị tước quyền chăm sóc con cái hay bị cấm tiếp xúc với người thân, trẻ em.
Họ không được sử dụng máy tính, đeo máy theo dõi GPS suốt đời. Khi họ có người yêu, họ phải nói rõ cho bạn tình của mình về lịch sử phạm tội của họ. Loại tội phạm này khi ra tù cũng sẽ không được học tập tại hầu hết cơ sở giáo dục ở nước này.
Tội phạm ấu dâm phải đeo thiết bị GPS ở chân để các nhà chức trách theo dõi mọi hoạt động của họ.
Ở Mỹ, các công ty khi tuyển dụng có quyền được kiểm tra lý lịch của người ứng tuyển. Nếu ứng viên bị phát hiện từng phạm tội liên quan đến tình dục đặc biệt là trẻ em sẽ không bao giờ được nhận.
Canada
Canada cũng là quốc gia có hình thức quản chế nghiêm khắc với các tội phạm ấu dâm sau khi ra tù. Quốc gia này có các hình thức giám sát những người phạm tội khi mãn hạn tù và các hình phạt đi kèm như án tích công khai, cấm tham gia bỏ phiếu, tham gia các hoạt động chính trị, cộng đồng.
Họ cũng bị cấm làm việc tại những nơi có thể đe dọa đến người khác như cơ sở giáo dục, y tế các khu vực an toàn của trẻ em. Đặc biệt, họ luôn phải khai báo hoạt động, vị trí với cảnh sát và không được rời khỏi nơi cư trú.
Nước Úc
Vào tháng 4/2019, nước Úc cho hay họ sẽ dành ra 7,8 triệu AUD trong vòng bốn năm để xây dựng Hệ thống lưu trữ công khai tội phạm xâm hại tình dục trẻ em quốc gia với hy vọng sẽ cung cấp cách tiếp cận thống nhất trong việc công khai thông tin tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Với hệ thống này, người dân Australia sẽ có thể tìm được tên tuổi, ngày sinh, biệt danh, ngoại hình, và ảnh chụp của hàng nghìn kẻ ấu dâm đã bị kết tội, cũng như "bản chất tội ác và địa điểm gây án".
Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Peter Dutton với mục đích sẽ giúp làm giảm số lượng tội phạm xâm hại trẻ em trên phạm vi cả nước, đồng thời gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Australia sẽ không khoan nhượng với ai có ý định nhắm vào trẻ em, thành phần dễ tổn thương của cộng đồng.
Hàn Quốc
Vào năm 2008, vụ bé gái Na Young, 8 tuổi, đã bị Joo Doo Soon, 57 tuổi bắt cóc trên đường đi học về, sau đó ra tay hãm hiếp và đánh đập cô bé trong một nhà vệ sinh công cộng đã gây ra chấn động dư luận Hàn Quốc lúc bấy giờ.
Việc kẻ ấu dâm tàn ác này chỉ bị nhận mức án 12 năm tù đã khiến dư luận nước này dậy sóng và đòi thay đổi luật. Cuối cùng, Quốc hội Hàn Quốc quyết định ban hành đạo luật công khai thông tin kẻ phạm tội cưỡng hiếp trẻ em lên một trang web.
Vào năm 2011, Quốc hội nước này cũng đã thông qua một dự luật cho phép thiến hóa học (tiêm thuốc để giảm ham muốn sinh dục) các đối tượng bị buộc tội tấn công tình dục người dưới 16 tuổi.
Vào năm 2016, một luật mới đã được ban hành quy định những người phạm tội ấu dâm , sau khi được mãn hạn tù, nếu thấy có khả năng tái phạm cao, họ sẽ bị cảnh sát theo dõi 24/7 trong vòng ít nhất 6 tháng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Những kẻ từng phạm tội ấu dâm sau khi ra tù nếu có khả năng tái phạm cao sẽ bị theo dõi 24/7 ít nhất 6 tháng.
Có thể thấy, đa phần các nước trên thế giới đều có thiết bị định vị, theo dõi những tên tội phạm ấu dâm sau khi ra tù để quản chế, đảm bảo an toàn cho xã hội. Tuy nhiên, nó chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định.
Nhiều tên đã tái phạm hoặc bỏ trốn ra nước ngoài để dễ bề sinh sống. Để hạn chế tình trạng này, ở bất cứ quốc gia nào, điều cần thiết nhất là nâng cao ý thức bảo vệ, đoàn kết cộng đồng, tố giác tội phạm và thay đổi các điều luật với những bản án nghiêm khắc hơn.
Nguồn: Tổng hợp