Kết quả kinh doanh đáng kỳ vọng
Trong một năm 2023 đầy thách thức, toàn thị trường ô tô đã bị sụt giảm doanh số 25% so với năm trước đó, chỉ đạt 301.989 xe (theo công bố của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam - VAMA). Rất nhiều thương hiệu bị ảnh hưởng nhưng cũng là cơ hội để các thương hiệu lớn khẳng định bản lĩnh và uy tín của thương hiệu.
Trong đó, Toyota Việt Nam vẫn đạt được doanh số khả quan so với nhiều đối thủ trên thị trường, tổng cộng hãng bán được 59.207 xe (bao gồm cả xe sang Lexus), dẫn đầu về doanh số chỉ tính riêng ô tô du lịch (không tính xe thương mại) tại thị trường trong nước. Con số này đã giúp nâng tổng lượng ô tô tích lũy của Toyota tại Việt Nam đạt trên 916.000 xe.
Doanh số ô tô của Toyota Việt Nam tiếp tục duy trì được mức cao cũng nhờ vào một số mẫu xe chiến lược có số lượng bán ra thị trường rất cao. Điển hình như Vios với 13.521 xe và Corolla Cross với 10.485 xe, cả hai đều nằm trong top 10 mẫu xe bán chạy nhất năm 2023 vừa qua. Đối với sedan phân khúc B, hiện doanh số tích lũy đạt tới 241.679 xe từ khi bán tại Việt Nam.
Sự tin tưởng của khách hàng đối với Toyota cũng là một trong những lý do chính giúp hãng đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023. Điều đó hết sức đáng trân trọng và cũng nhờ vào việc Toyota luôn duy trì được các chiến lược kinh doanh ổn định, quy trình quản lý sản xuất nghiêm ngặt, cùng với hướng xử lý chủ động và kịp thời giải quyết các vấn đề gặp phải, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Tinh thần chủ động trong cách vận hành
Để có được những thành công trong suốt nhiều năm qua nói chung và 2023 nói riêng cũng là nhờ Toyota Việt Nam thừa hưởng quy trình vận hành về cả sản xuất và kinh doanh từ tập đoàn mẹ- Toyota Motor Corporation (TMC), đồng thời cũng chủ động xử lý linh hoạt đối với các vụ việc bất ngờ xảy ra tại thị trường trong nước. Đây là những chiến lược tiếp cận và hoạt động hợp lý tại thị trường ô tô có phần đặc trưng của Việt Nam, mang lại kết quả kinh doanh và uy tín thương hiệu vững chắc.
Về sản xuất, tập đoàn Toyota (TMC) đang áp dụng hệ thống Andon (Dừng – Gọi – Đợi) được khởi xướng từ Nhật Bản nhằm nhanh chóng phát hiện các vấn đề trong quá trình sản xuất và cho phép nhóm làm việc đưa ra biện pháp khắc phục ngay lập tức; đây là một một công cụ giám sát liên tục, phát hiện, thông báo, cảnh báo tức thì các vấn đề trong quá trình sản xuất từ các sự cố đến yêu cầu bảo trì hay các nhu cầu về nhân lực, vật lực, tình trạng chất lượng…
Hệ thống này cho phép phát hiện những sự cố như: Lỗi trong quá trình lắp ráp, thiết bị hỏng hoặc nguyên liệu không đạt chất lượng. Từ đó, nó có khả năng giúp Toyota phát hiện sớm và khắc phục nhanh chóng sự cố, cải thiện hiệu suất cho quá trình sản xuất và giảm chi phí sản xuất. Về tổng thể, hệ thống Andon giúp đảm bảo sự đồng đều trong chất lượng của các sản phẩm có giá trị cao như ô tô.
Những đợt triệu hồi được phát hiện sớm và nhanh chóng cũng một phần nhờ hệ thống quản lý sản xuất tối ưu. TMC vốn thực hiện triệu hồi rất nhiều mẫu xe trên toàn cầu, bất chấp số lượng và đời xe. Tương tự như các nhà sản xuất khác cũng thực hiện nhiều đợt triệu hồi nhưng vẫn có mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Điển hình như đợt triệu hồi do lỗi túi khí Takata bắt đầu từ năm 2013, ảnh hưởng đến khoảng 100 triệu ô tô trên toàn cầu, do nguy cơ vỡ cụm bơm túi khí khi xảy ra va chạm, và các mảnh nhọn văng ra xung quanh gây nguy hiểm cho người trên xe. Ngoài ra, vài năm trở lại đây còn có vụ triệu hồi do lỗi bơm nhiên liệu ảnh hưởng đến hàng chục triệu ô tô, có thể khiến bơm nhiên liệu không hoạt động và làm xe chết máy, làm tăng khả năng tai nạn.
Trong năm 2023 vừa qua có rất nhiều đợt triệu hồi ô tô tính riêng tại Mỹ, ảnh hưởng đến nhiều hãng xe khác nhau. Trong đó, Ford dẫn đầu với 54 đợt, ảnh hưởng hơn 5,9 triệu xe, Chrysler có 45 đợt ảnh hưởng đến hơn 2,7 triệu xe, Honda với 19 đợt ảnh hưởng đến hơn 6,3 triệu xe….Nhưng trong số 12 hãng có nhiều đợt triệu hồi nhất, không xuất hiện thương hiệu Toyota.
Từ phía nhà sản xuất, có thể thấy không phải vấn đề nào xảy ra cũng sẽ phải triệu hồi. Trên mỗi ô tô đều có hàng nghìn chi tiết kỹ thuật nên các hãng sẽ phải xác minh các báo cáo vấn đề để có phương hướng giải quyết cuối cùng, có thể cần triệu hồi hoặc hãng sẽ chủ động thực hiện các điều chỉnh khác. Và tất nhiên, các đợt triệu hồi này đều được thông qua bởi cơ quan chức năng từng quốc gia, các cơ quan này cũng có thể chủ động yêu cầu hãng thực hiện triệu hồi.
Theo chia sẻ trên trang tin nội bộ của Cục Đăng Kiểm Việt Nam: “Việc chủ động phát hiện lỗi kỹ thuật và tự nguyện triệu hồi khi chưa có bất cứ báo cáo nào liên quan đến hậu quả do lỗi sản phẩm gây nên từ lâu đã được đánh giá là hành động thể hiện uy tín và vị thế của một hãng lớn.
Tại Việt Nam, do những thông tin có phần chưa đầy đủ, nội hàm của thuật ngữ này thường bị hiểu theo hướng có phần tiêu cực, và một số người tiêu dùng không thật thiện cảm với các hãng có các chiến dịch triệu hồi.
Cũng bởi điều này, có những giai đoạn triệu hồi xe lỗi bị coi là cụm từ nhạy cảm và một số nhà sản xuất từng tìm cách né tránh, che giấu câu chuyện này vì lo ngại hình ảnh thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó là quan điểm có phần sai lầm bởi với hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên mỗi chiếc xe thành phẩm. Chính sách triệu hồi sản phẩm khiếm khuyết được ví như yếu tố quan trọng không chỉ tạo nên uy tín của thương hiệu, mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất đối với quyền lợi người tiêu dùng.
Trong nhiều trường hợp, việc chối bỏ trách nhiệm với sản phẩm lỗi không khác gì hành động đưa thương hiệu vào “cửa tử”, nhất là với những sản phẩm có ảnh hưởng đến tính mạng con người như ôtô, xe máy”.
Minh bạch, rõ ràng trong các các vấn đề khủng hoảng
Nếu xảy ra vấn đề, Toyota luôn chủ động tìm cách giải quyết thông qua các hoạt động nội bộ để làm rõ nguyên nhân và khắc phục nhanh chóng từ phía mình. Điển hình gần đây nhất - vụ việc thử nghiệm an toàn đối với xe Daihatsu chính là một minh chứng cho sự chỉn chu và quá trình xử lý vấn đề của tập đoàn đối với “đứa con” của mình.
Vụ việc xuất phát từ việc Toyota phát hiện 1 điều chỉnh không phù hợp trong quá trình thử nghiệm an toàn đối với xe Daihatsu, sau đó tập đoàn ô tô này thực hiện cuộc điều tra từ tháng 5/2023 đến tháng 12/2023 và phát hiện ra tổng cộng 174 vấn đề liên quan đến 25 hạng mục thử nghiệm. Ngay lập tức, Daihatsu đã phải dừng sản xuất tại Nhật đến hết tháng 1/2024, một số nhà máy tại các khu vực khác (gồm cả Indonesia) cũng phải tạm dừng.
Trong khi đó, theo thông báo chính thức từ TMC, thị trường Việt Nam chỉ có duy nhất mẫu xe Avanza Premio phiên bản số sàn (MT) bị ảnh hưởng, nhưng thực tế không liên quan đến vấn đề an toàn mà chỉ có 1 sửa đổi không phù hợp là gắn thêm một chi tiết dạng tấm phẳng tại vị trí tấm hướng gió sau làm tăng lực cản gió, và ảnh hưởng đến kiểm nghiệm khí thải/tiêu thụ nhiên liệu.
Phản ứng của Toyota Việt Nam có thể nói là “tức thời” nhưng cũng rất thận trọng để kiểm tra và xác nhận thông tin liên quan đến thị trường đang quản lý, bất chấp hàng loạt tin tức bất lợi. Ngay sau khi nhận được thông báo của TMC vào ngày 20/12 hãng đã làm rõ và cập nhật với TMC và báo cáo với các cơ quan quản lý tại Việt Nam vào ngày 21/12 đồng thời phát thông báo chính thức vào tối ngày 21/12 về việc dừng bán 1 mẫu xe duy nhất liên quan đến vụ việc Daihatsu tại Việt Nam là Avanza Premio MT.
Cho đến nay, vấn đề của Daihatsu đã bắt đầu được nới lỏng ít nhất tại khu vực Đông Nam Á; trong đó, nhà máy của Daihatsu tại Indonesia và Malaysia đều đã được phép sản xuất và kinh doanh xe trở lại sau khi Chính phủ của các nước này xác nhận vụ việc trước đây không ảnh hưởng đến vấn đề an toàn trên các xe bán ra tại 2 thị trường này. Trong thời gian tới, TMC cũng sẽ hỗ trợ toàn diện cho Daihatsu để hoàn thiện các biện pháp phòng chống tái phát cụ thể và dự kiến có báo cáo mục tiêu vào tháng 2/2024. Hiện chưa có mẫu xe Toyota hoặc Daihatsu phải triệu hồi liên quan đến vụ việc vừa qua tại bất kỳ thị trường nào trên thế giới.
Năm 2023 vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố số lượng đợt triệu hồi xe kỷ lục với tổng cộng 45 đợt, liên quan đến hơn 53.000 ô tô và xe máy. Năm nay có một số đợt triệu hồi với số lượng lớn như Hyundai Santa Fe do lỗi bộ căng dây an toàn ghế trước, ảnh hưởng đến 17.700 xe. Tuy nhiên, một số vấn đề cũng hết sức bình thường, không tác động quá nhiều đến an toàn nhưng vẫn có các đợt triệu hồi, như lỗi bộ lọc hạt khí thải động cơ diesel (DPF) của Ford Everest, lỗ ren móc kéo xe ở thanh ngang phía trước trên Mercedes-Benz GLC hay nước tích tụ ở khoang bánh xe dự phòng trên Mercedes-Benz ML và GLE...
Trong khi đó, Toyota Việt Nam thông báo 5 đợt triệu hồi (gồm cả Lexus), với tổng cộng hơn 600 chiếc bị ảnh hưởng. Tất nhiên, các mẫu xe được Toyota bán ra thị trường đều đã được đã được kiểm định và được Cục Đăng kiểm chứng nhận đạt TCVN; và đương nhiên, triệu hồi xe cũng cần phê duyệt và cho phép chứ không thể tự tiện thực hiện.
Có thể nói, Toyota Việt Nam đã trải qua nhiều sóng gió trong năm 2023 nhưng bất chấp các khó khăn và áp lực về mặt dư luận và tình hình kinh tế, hãng vẫn duy trì được doanh số đứng đầu thị trường ô tô du lịch, một số khúc mắc vào cuối năm như một số điểm nhấn nhẹ cho tình hình kinh doanh của hãng nhưng cũng giúp hãng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để tiếp tục cung cấp các sản phẩm chất lượng đến khách hàng.