Lucy Hone là một chuyên gia về khủng hoảng tâm lý, người đã từng trò chuyện và nghiên cứu rất nhiều trường hợp người gặp khó khăn trong cuộc sống, như những cựu binh bị chấn thương tâm lý hậu chiến tranh hay những nạn nhân sống sót sau thảm họa thiên nhiên.
Lucy vẫn luôn nghĩ rằng mình đã được tiếp xúc với những khoảnh khắc tăm tối nhất có thể trong cuộc đời của một con người, cho đến khi chính bản thân cô trải qua những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời mình.
Vào một ngày hè của năm 2014, một tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của cô con gái 12 tuổi cùng một người bạn thân thiết với Lucy.
Chỉ trong một tích tắc, cả thế giới của Lucy như sụp đổ.
Sau nhiều ngày tháng chìm đắm trong tuyệt vọng cùng cực, Lucy quyết định rằng cô phải tự cứu lấy bản thân và chồng mình khỏi nỗi đau buồn không hồi kết này.
Sau nhiều năm nỗ lực, cô tự đúc kết lại ba con đường đã giúp cô và gia đình vượt qua nỗi buồn, và chúng có thể sẽ giúp rất nhiều người khác vượt qua những phút thăng trầm trong cuộc đời họ:
1. Chấp nhận rằng nỗi buồn sẽ luôn là một phần của cuộc sống
“Tại sao chuyện này lại xảy đến với mình?” - đó là ý nghĩ chung của bất cứ ai khi rơi vào nghịch cảnh. Thế nhưng Lucy đã tự hỏi mình điều ngược lại: “Tại sao lại không phải là mình?” .
Những điều không may xảy đến với tất cả chúng ta. Đối với người này, nỗi buồn có thể là gặp thất bại trong sự nghiệp.
Đối với người khác, giây phút tăm tối nhất là mất đi những người thân yêu. Nỗi buồn đến với chúng ta dưới mọi hình thù khác nhau và có thể ập đến ở mọi thời điểm trong cuộc đời.
Dù chúng ta muốn hay không thì cuộc sống cũng không chỉ có màu hồng.
Sẽ có lúc cuộc đời bạn trở nên xám xịt và u buồn, nhưng nếu bạn chấp nhận rằng đó là một phần của cuộc sống, bạn đã cho phép bản thân được sống thanh thản hơn.
2. Tập trung vào những điều bạn có thể thay đổi được
Khi bạn rơi vào nghịch cảnh, bạn cần phải tìm cách để thoát ra - đó là bản năng của con người. Nhưng có rất nhiều thứ một khi đã xảy ra thì bạn không thể thay đổi được.
Chính những thứ này là điều khiến bạn bị dày vò, cảm thấy cùng quẫn và bế tắc. Mọi sự chú ý của bạn chỉ dồn vào những khía cạnh tiêu cực, làm cho bạn nhìn đâu cũng thấy ngõ cụt.
Thế nhưng mọi chuyện có thể thay đổi nếu bạn lùi lại để có một cái nhìn toàn cảnh hơn. Chấp nhận rằng sẽ có những thứ bạn không thể thay đổi được là bước đầu tiên để bạn nhìn thấy những cơ hội ở những nơi khác.
Khi bạn gặp khó khăn, hãy cố gắng nhìn về những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống của bạn. Hãy nghĩ về những thứ bạn vẫn còn, thay vì chỉ mãi tiếc thương những điều đã mất đi.
3. Tự hỏi bản thân: “Những gì mình đang làm có giúp mình cảm thấy tốt hơn không?”
Đây là một câu hỏi thường xuyên được sử dụng trong những buổi trị liệu tâm lý, bởi vì nó giúp bạn thức tỉnh khỏi những sự chìm đắm trong nỗi buồn. Câu hỏi này cũng có thể áp dụng cho bất cứ ai và bất cứ hoàn cảnh nào.
Mỗi khi bạn rơi vào trong những phút giây tiêu cực, hãy đánh thức mình bằng cách lặp đi lặp lại câu hỏi này với bản thân.
Hãy tự hỏi bản thân liệu việc chìm đắm trong men rượu để quên đi nỗi buồn, cãi vã với những người xung quanh, hay dành hàng giờ trên mạng xã hội để ghen tị với cuộc sống tốt hơn của người khác có làm cho bạn thấy dễ chịu hơn không?
Trong nhiều năm tư vấn tâm lý, đây là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất mà Lucy luôn sử dụng. Những bệnh nhân của cô và chính bản thân Lucy đều cảm nhận được kết quả tích cực khi sử dụng phương pháp này.
Chỉ với một câu hỏi này, bạn có thể ngăn những cảm xúc tiêu cực kéo mình trượt dài trong bế tắc, để bạn được làm chủ tâm trí của mình và đưa ra những quyết định đúng đắn.
Trở nên kiên cường trước nghịch cảnh không phải là điều dễ dàng, nhưng là một điều hoàn toàn có thể học được!
Đây là một kĩ năng sống đáng giá, bởi chúng ta ai rồi cũng sẽ có những khoảnh khắc không vui trong đời.
Và khi phải đối mặt với những giây phút ấy, trở nên kiên cường là cách duy nhất giúp chúng ta có thể bước tiếp cho đến khi nhìn thấy cầu vồng trở lại.