Cơ quan CSĐT xác định, năm 2014, Tạ Quốc Bảo (SN 1986, trú tại thị trấn Sa Pa) bán mảnh đất của gia đình để trang trải nợ nần.
Thời gian sau, Bảo đặt vấn đề vay của ông Trần Ngọc Hanh (trú tại thị trấn Sa Pa) 200 triệu, với tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Tạ Đức Minh, là bố đẻ của Bảo.
Thực chất, Giấy chứng nhận này không còn được công nhận, do ngày 22-10-2014, UBND huyện Sa Pa đã có thông báo thu hồi nhưng ông Minh và gia đình Bảo không nộp.
Trung tuần tháng 12-2015, Bảo hỏi vay ông Hanh 100 triệu đồng. Vì đang cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên ông Hanh đồng ý.
Một tuần sau, Bảo lại hỏi vay 1,4 tỷ đồng với cam kết nếu không có tiền trả nợ sẽ bán mảnh đất trên cho ông Hanh....
Cùng ngày, ông Hanh và Bảo đã đến Văn phòng Công chứng làm hợp đồng vay mượn 1,4 tỷ đồng với lãi suất bằng lãi suất của ngân hàng, thời hạn vay là 5 tháng.
Sau khi có được số tiền trên, Bảo gặp ông Hanh để mượn lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Tạ Đức Minh để giải quyết việc khiếu nại đền bù đất với UBND huyện Sa Pa.
Trong khi khoản vay lớn trên chưa trả được thì ngày 21-4-2016, Bảo lại hỏi vay ông Hanh 200 triệu đồng. Vì muốn Bảo phải bán mảnh đất trên để trả nợ nên ông Hanh đồng ý, nhưng chỉ cho vay 170 triệu đồng.
Sau đó, ông Hanh yêu cầu Bảo làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất đang cầm cố sang tên mình, mà không biết mảnh đất trên đã được gia đình Bảo làm thủ tục chuyển vào cuối năm 2014...
Khi kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên, nhân viên văn phòng công chứng nghi ngờ và đã thông báo với ông Hanh nhưng ông này không tin.
Vì thế, ông Hanh tiếp tục cho Bảo vay tiền và tính đến thời điểm CQĐT vào cuộc, số tiền cho vay đã là 2,3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cuối tháng 12-2015, Bảo còn dùng “bìa đỏ” mang tên ông Tạ Đức Minh để thế chấp cho bà Nguyễn Thị Huệ (trú tại Lào Cai) vay 1 tỷ đồng với lý do mua xe ôtô.
Khi vay tiền, Bảo nói với bà Huệ rằng “bìa đỏ” gốc đang thế chấp cho người khác để vay tiền với lãi suất cao, nên nhờ bà Huệ cho vay trước 500 triệu đồng để chuộc. Bà Huệ đã đồng ý cho Bảo vay số tiền trên mà không viết giấy tờ biên nhận.
Cuối tháng 12-2015, Bảo cầm bản gốc “bìa đỏ” mang tên ông Tạ Đức Minh đến đưa cho bà Huệ để vay thêm 500 triệu đồng. Số tiền có được, Bảo sử dụng để mua xe ô tô, nhưng sau thời gian ngắn đã mang bán.
Tháng 7-2016, nghe thông tin UBND huyện Sa Pa đang đấu thầu và bàn giao một số ki ốt trong chợ Sa Pa; Bảo tìm hiểu và biết 2 gian số 35 và 36 chưa có người bán hàng, nên nảy ý định làm giả giấy tờ của UBND huyện Sa Pa về việc cấp giấy cho gia đình Bảo.
Với giấy tờ giả này, Bảo lừa bán 2 gian ki ốt trên cho 2 cá nhân cùng trú tại thị trấn Sa Pa với giá 450 triệu đồng/ki ốt. Một trong hai trường hợp này còn bị Bảo nhiều lần gạ đưa tiền và chiếm đoạt tổng cộng gần 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý không chỉ người ngoài mà cả thân nhân của Bảo cũng bị đối tượng giăng bẫy lừa.
Do nướng hết tiền tiết kiệm của gia đình vào cờ bạc nên Bảo đã đặt làm giả 2 sổ tiết kiệm mang tên vợ và em gái Bảo. Sự việc chỉ vỡ lở khi vợ Bảo đến ngân hàng rút tiền…